| Hotline: 0983.970.780

Cây ớt Bình Định bớt thấp thỏm: Điểm tựa chế biến sâu

Thứ Hai 21/10/2024 , 13:39 (GMT+7)

Mỗi năm trồng khoảng 2.500ha ớt, để ổn định đầu ra cho cây ớt, Bình Định hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ và kêu gọi đầu tư chế biến sâu.

Cây ớt bớt thấp thỏm

Theo ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định, hàng năm, diện tích ớt trên địa bàn Bình Định đạt khoảng 2.500ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Phù Mỹ với khoảng 1.400ha. Trước nay, đầu ra của sản phẩm ớt Bình Định lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, giá cả rất bấp bênh.

3 năm gần đây, hoạt động của Nhà máy chế biến ớt muối của Công ty Chế biến nông sản, lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia (Công ty Trần Gia) tại cụm công nghiệp Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định), đã làm giảm bớt áp lực về đầu ra của cây ớt Bình Định.

Từ trước đến nay, đầu ra của cây ớt Bình Định lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc thông qua thương lái. Ảnh:  V.Đ.T.

Từ trước đến nay, đầu ra của cây ớt Bình Định lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc thông qua thương lái. Ảnh:  V.Đ.T.

Theo bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty Trần Gia, năm 2021, doanh nghiệp này đã xây dựng nhà máy với 64 bể chứa, có khả năng chứa 4.000 tấn ớt và 1.000 - 1.200 tấn muối để chế biến sản phẩm ớt muối. Vừa xây dựng nhà máy, công ty vừa sản xuất nên trong năm 2021 đã tiêu thụ được 50 tấn ớt cho nông dân. Bước sang năm 2022, khi việc xây dựng nhà máy đã ổn định, Công ty Trần Gia thu mua của nông dân 700 tấn ớt. Năm 2023, số lượng ớt công ty Trần Gia thu mua của nông dân tăng đến 3.800 tấn.

“Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2027, nhà máy chế biến của công ty sẽ nâng công suất, mỗi năm chế biến từ 6.000 - 10.000 tấn ớt tươi, riêng năm 2024 công ty có nhu cầu thu mua 6.000 tấn”, bà Trần Thị Thủy chia sẻ.

Kêu gọi đầu tư chế biến sâu

Phương thức thu mua ớt của Công ty Trần Gia là không phân loại, nên tạo thuận lợi cho người trồng ớt trong việc tiêu thụ. Theo nông dân Trần Văn Thành, một trong 60 hộ nông dân của HTX Nông nghiệp Cát Tài (huyện Phù Cát) tham gia chuỗi liên kết sản xuất ớt theo hướng VietGAP với diện tích 5ha, việc liên kết với doanh nghiệp đã mang lại lợi ích thiết thực. Sau khi tham gia liên kết với công ty, người trồng ớt không còn thấp thỏm lo đầu ra cho cây ớt như trước đây, thứ đến là giá cả thu mua của doanh nghiệp rất ổn định. Tuy nhiên, việc tổ chức thu mua ớt của Công ty Trần Gia chưa tạo thuận lợi cho nông dân.

“Cây ớt cho thu hoạch dài ngày, nhưng thời gian thu hoạch rộ chỉ khoảng 1 tháng đầu tiên. Trong thời gian ớt cho thu hoạch rộ, khoảng 10 ngày doanh nghiệp mới cho nông dân hái một đợt thì ớt chín héo hết trên cây khiến, người trồng mất sản lượng”, ông Thành bộc bạch.

Ớt trong hồ chứa tại nhà máy chế biến ớt muối tại Cụm công nghiệp Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) của Công ty Trần Gia. Ảnh: V.Đ.T.

Ớt trong hồ chứa tại nhà máy chế biến ớt muối tại Cụm công nghiệp Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) của Công ty Trần Gia. Ảnh: V.Đ.T.

Đến năm 2027, năng lực sản xuất ớt muối của Công ty Trần Gia sẽ tăng đến 6.000 - 10.000 tấn ớt tươi/năm. Tuy nhiêu, số lượng ớt nói trên chỉ mới tiêu thụ cho khoảng 300-500ha ớt. Trong khi diện tích ớt vụ đông xuân ở Bình Định hàng năm đạt khoảng 2.500ha, như vậy, sản lượng của 2.000ha ớt còn lại vẫn còn phải lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nỗi lo đầu ra cho cây ớt Bình Định vẫn còn canh cánh.

Tuy nhiên, khi nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn của Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) hình hành và đi vào hoạt động tại huyện Tây Sơn (Bình Định) sẽ giải tỏa nỗi lo trên. Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinanutrifood Bình Định, trong nhà máy chế biến nông sản xây dựng tại huyện Tây Sơn có dây chuyền chế biến ớt với công suất 5 tấn ớt/ngày.

“Sản phẩm ớt của Bình Định lâu nay chủ yếu bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc nên đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Mô hình liên kết với các nhà máy chế biến ớt trên địa bàn sẽ giúp đầu ra của cây ớt ổn định trong thời gian tới đây”, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.