| Hotline: 0983.970.780

Cây sắn lao dốc: Năng suất thấp, sâu bệnh bủa vây

Thứ Ba 21/05/2024 , 10:30 (GMT+7)

PHÚ YÊN Sắn là cây dễ trồng, chịu hạn tốt, thích hợp với nhiều địa hình, loại đất, góp phần quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, nhất là vùng núi.

Nông dân Phú Yên thu hoạch sắn. Ảnh: KS.

Nông dân Phú Yên thu hoạch sắn. Ảnh: KS.

Tuy nhiên những năm gần đây, cây trồng này đã và đang gặp tình trạng thoái hóa, năng suất thấp và nhiễm bệnh do canh tác liên tục nhiều năm.

Thiếu giống sắn sạch bệnh

Sắn là một trong những cây dễ trồng, chịu hạn tốt, mức đầu tư thấp, thích hợp với những địa hình, loại đất mà các cây trồng khác không trồng được. Trong điều kiện bình thường, mỗi ha sắn có thể cho thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ… Những yếu tố trên đã giúp cây sắn được nhiều nông dân lựa chọn, nhất là những hộ không có nhiều vốn đầu tư và ở vùng đất gặp khó khăn về nước tưới. 

Tại tỉnh Phú Yên những năm qua, diện tích canh tác sắn đã phát triển lên đến trên 26.000ha/năm. Phần lớn diện tích sắn được trồng theo hình thức quảng canh trên vùng đồi núi ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân nên đều bị thiếu hoặc không có nước tưới.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, hiện nay diện tích trồng sắn có tưới trên địa bàn tỉnh chỉ đạt từ 5 - 7%. Các biện pháp luân canh, xen canh đối với cây sắn cũng mới áp dụng ở quy mô nhỏ. Hiện nay bà con tại Phú Yên trồng các giống sắn chủ lực gồm KM419, KM94, KM140 và các giống bổ sung như KM414-2, KM98-5, KM440, KM444, KM397..., năng suất bình quân chỉ đạt từ 20 - 22 tấn/ha.

Ghi nhận của chúng tôi tại huyện miền núi Sông Hinh, sắn cùng với lúa và mía là những cây trồng chủ lực của huyện này. Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, thời gian qua, cây sắn đã góp phần quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện khoảng 10.000 - 12.000ha (đứng thứ hai sau cây lúa), năng suất trên 17 tấn/ha, sản lượng khoảng 200.000 tấn.

Với giá thu mua sắn nguyên liệu bình quân hiện nay khoảng 3.350 đồng/kg (độ bột 30) thì nông dân có thu nhập khoảng 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên những năm gần đây, biến đổi khí hậu tạo ra thời tiết cực đoan, dẫn đến thoái hóa đất. Cùng với đó, các giống sắn trên địa bàn huyện đã thoái hóa, năng suất thấp và nhiễm bệnh do canh tác liên tục nhiều năm. Đặc biệt từ năm 2020, bệnh khảm lá sắn và nhện đỏ xuất hiện đã gây hại nặng hầu hết vùng trồng sắn của huyện.

Nông dân đau đầu với bệnh khảm lá khiến năng suất sắn giảm rõ rệt, ảnh hưởng tới thu nhập. Ảnh: KS.

Nông dân đau đầu với bệnh khảm lá khiến năng suất sắn giảm rõ rệt, ảnh hưởng tới thu nhập. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Văn Quốc, một người trồng sắn ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) cho biết, những năm gần, đây bệnh khảm lá liên tục xuất hiện nên nhiều ruộng sắn của bà con thất bát, mất thu nhập. Như gia đình ông có 6 sào đất trồng sắn mặc dù đã chăm sóc, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật phòng trừ nhưng tình hình bệnh vẫn không cải thiện.

Bệnh khảm lá virus bắt đầu phát sinh và gây hại sắn trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 với diện tích 11,5ha tại xã EaLy (huyện Sông Hinh). Hiện mỗi năm bệnh này gây hại khoảng 16.000ha trên các giống sắn KM419, KM140, KM94, KM98-5...

“Trước đây, 3 sào đất trồng sắn nhà tôi thu được hơn 6 tấn củ tươi. Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay, cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nên năng suất củ giảm đi hơn 3 tấn”, ông Quốc than vãn.

Trong khi đó, hiện chưa có thuốc BVTV đặc trị phòng trừ virus gây bệnh khảm lá sắn, nông dân chỉ phòng bệnh là chủ yếu. Khi cây sắn bị nhiễm bệnh thì phải tiến hành tiêu hủy. Do đó, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của nông dân là thiếu giống sắn sạch bệnh để triển khai trồng mới.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Phú Yên cũng nhìn nhận những năm gần đây, cây sắn trên địa bàn đối diện một số sinh vật gây hại, nhất là bệnh khảm lá virus.

Cụ thể, theo ông Minh, trong các năm 2021, 2022 thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhện đỏ phát sinh gây hại nặng với diện tích khoảng 1.430ha sắn ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và Phú Hòa. Còn năm 2023 và đầu năm 2024, diện tích sắn bị nhện đỏ gây hại lần lượt khoảng 500ha và 990ha tại các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh và Sơn Hòa.

Chưa thực hiện tốt liên kết tiêu thụ

Ngoài vấn đề hạn chế, khó khăn trên, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên còn cho rằng, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, chủ yếu mới chỉ đạt tỉ lệ cao ở khâu làm đất và vận chuyển (khâu làm đất đạt khoảng 98,5%, vận chuyển đạt khoảng 95%). Còn các khâu như gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch mức độ cơ giới hóa còn rất thấp (khoảng 10%).

Hiện nay tỉnh Phú Yên sản xuất khoảng 26.000ha/năm. Ảnh: KS.

Hiện nay tỉnh Phú Yên sản xuất khoảng 26.000ha/năm. Ảnh: KS.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 2 doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn gồm Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên và Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân thực hiện thu mua sắn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu còn hạn chế, việc hỗ trợ đầu tư giống, vật tư chỉ mới dừng ở mô hình nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ và nhân rộng khắp trong vùng nguyên liệu của doanh nghiệp, cũng như không thực hiện được mô hình liên kết chuỗi theo Nghị định số 98/2018 ngày 5/7/2018 của Chính phủ.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên đóng trên địa bàn huyện có công suất 1.500 tấn củ/ngày, sản lượng nguyên liệu mỗi năm khoảng 300.000 tấn. Tuy nhiên những năm gần đây, Công ty chỉ thu mua được khoảng 120.000 - 150.000 tấn/năm. Do nguồn nguyên liệu tại chỗ thiếu hụt nên Công ty phải thu mua ở các tỉnh lân cận.

Cũng theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, có 3 nguyên nhân chính gây thiếu hụt nguyên liệu tại chỗ cho Công ty. Một là mối liên kết giữa người dân trồng sắn và Công ty chưa chặt chẽ. Công ty chưa thật sự quan tâm đầu tư về nguồn giống sạch bệnh, chưa xây dựng các mô hình trồng sắn có tưới để nâng cao năng suất, cũng như chưa có các hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ràng buộc giữa các bên và còn để xảy ra tình trạng nông dân bán sắn về các trạm cân chứ không bán về nhà máy...

Hai là sâu bệnh như nhện đỏ, rệp sáp bột hồng, bệnh khảm lá gây hại trên cây sắn ngày càng nghiêm trọng đã khiến năng suất và sản lượng sắn trên địa bàn giảm đáng kể. Theo đó, niên vụ 2018 - 2019, năng suất sắn của huyện Sông Hinh đạt bình quân 23 tấn/ha, đến niên vụ 2022 - 2023 giảm chỉ còn 17 - 18 tấn/ha, có những ruộng sắn chỉ 13 - 15 tấn/ha. Hiện nay, toàn bộ các giống sắn siêu củ trên địa bàn huyện như KM140, KM419... đều nhiễm bệnh khảm lá nặng.

Ba là hiện nay tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, hạn hán liên tục xảy ra. Nếu nông dân cứ quen với việc sản xuất truyền thống nhờ "nước trời", khi có mưa mới bón phân thì cây sắn sẽ thiếu hụt dinh dưỡng và nước tưới nghiêm trọng, năng suất rất thấp.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, niên vụ 2023 - 2024, toàn huyện trồng 9.550ha sắn, năng suất khoảng 18 tấn/ha, sản lượng khoảng 172.000 tấn. Với giá thu mua sắn nguyên liệu bình quân 3.350 đồng/kg (độ bột 30), nông dân thu được khoảng 50 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được khá thấp, khoảng 15 - 20 triệu đồng/ha. Những ruộng sắn năng suất thấp chỉ 12 - 13 tấn/ha thì nông dân hầu như không có lợi nhuận hoặc thua lỗ.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.