Lan tỏa phong trào trồng quế
Sau hơn 10 năm, chúng tôi mới có dịp quay trở lại xã Tân Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn công tác. Điều gây ấn tượng nhất cho chúng tôi trong chuyến đi này không phải là con đường liên xã ngày càng xuống cấp mà là những cánh rừng quế xen lẫn rừng keo xanh ngút ngàn tầm mắt. Trong cái nắng, cái gió mùa thu của miền núi cao, mùi hương quế thơm ngọt ngào, nồng ấm đã cho chúng tôi tỉnh táo sau chuyến xe đường dài vất vả.
Tân Hòa là xã vùng ba của huyện Bình Gia, với hơn 200 hộ dân trong đó, đồng bào dân tộc Dao chiếm gần 90% dân số. Nhiều năm trước, mặc dù được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng cuộc sống của bà con vẫn còn nghèo đói. Một phần do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giao thông khó khăn, một phần do tư duy canh tác của bà con còn nhỏ lẻ, manh mún.
Không chịu lùi bước trước đói nghèo, bà con đã cần mẫn chịu khó học hỏi các mô hình kinh tế, áp dụng khoa học để chăn nuôi sản xuất. Nhận thấy lợi thế về kinh tế đồi rừng có thể đem lại hiệu quả cao, nhiều bà con trong xã đã chú trọng đến phát triển trồng rừng, đặc biệt là trồng cây quế cho trữ lượng và chất lượng tinh dầu cao hơn các địa phương khác.
Gia đình chị Hoàng Thị Thương (thôn Tân Tiến, xã Tân Hòa) trước đây chủ yếu trồng một số loại cây lương thực: lúa, ngô và sắn. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây quế, gần chục năm nay chị Thương đã chuyển đổi 6ha diện tích đất sang trồng cây quế.
Nhờ đó, gia đình chị cũng có nguồn thu nhập khoảng một trăm triệu đồng mỗi năm. Cuộc sống từ đó cũng đổi thay, mua sắm được các vật dụng phục vụ sản xuất như máy cày, máy cắt lúa, hay các đồ dùng sinh hoạt như tivi, xe máy và chăm lo cho các con ăn học đầy đủ.
Người nọ học hỏi người kia, đến nay gần như các hộ dân ở 6/6 thôn, bản của xã đều có rừng quế. Hộ ít thì có 2 - 3ha, hộ nhiều thì trồng tới 30ha. Hiện nay, xã Tân Hòa đã có trên 500ha diện tích rừng quế, trở thành địa phương có diện tích trồng cây quế lớn nhất của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
Phát triển cây quế thành vùng nguyên liệu tập trung
HTX Quế - Thạch đen Tân Hòa là một trong những mô hình kinh tế đầu tiên phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm tại địa phương. Hiện nay, HTX thường xuyên tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, công việc chủ yếu là vào bầu quế, chăm sóc vườm ươm, chăm sóc rừng quế, bóc vỏ quế…
Ông Hoàng Đình Đoán, Bí Thư Đảng ủy xã Tân Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn cho biết, hàng tháng, HTX cũng tạo công ăn việc làm từ 5 - 7 lao động, lương từ 5 - 6 triệu đồng. Ngoài lao động thường xuyên thì theo mùa vụ cũng thu hút khoảng 20 - 30 lao động. Với mô hình này thì cũng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm với bà con dân tộc, đặc biệt là dân tộc Dao. Bởi vì thấy có hiệu quả kinh tế có giá trị nên bà con cũng đã nhân rộng đến tất cả các thôn trên địa bàn xã.
Được biết, từ năm 2016 đến nay, từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a…; người dân trên địa bàn xã được Nhà nước hỗ trợ phân bón và giống cây trồng với tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng.
Từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đến nay, toàn xã có 175 hộ được vay vốn với tổng dư nợ trên 7,9 tỷ đồng để mở rộng quy mô trồng quế. Chỉ tính riêng trong năm 2021, toàn xã đã khai thác và tiêu thụ trên 40 tấn quế các loại, đem lại giá trị hơn 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên để cây quế phát triển bền vững, các cấp chính quyền huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn cần có kế hoạch định hướng cho xã Tân Hòa phát triển cây quế thành vùng nguyên liệu tập trung. Bên cạnh đó, phải xây dựng những sản phẩm đặc trưng của bản địa, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, mới giúp đồng bào dân tộc Dao ở vùng cao Tân Hòa, Bình Gia nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, trồng các loại cây lâm nghiệp, trong đó có cây quế, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Bình Gia đã có 31 dự án vay vốn được phê duyệt, tổng số tiền đã giải ngân là 13,7 tỷ đồng. Năm 2022, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc, mở rộng diện tích để đạt mục tiêu toàn huyện trồng được thêm 500ha cây quế.