| Hotline: 0983.970.780

Lạng Sơn thu hồi hơn 18ha đất lúa không báo cáo Thủ tướng: Kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Thứ Năm 04/08/2022 , 14:40 (GMT+7)

Người dân xã Mai Pha và luật sư đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ việc UBND tỉnh Lạng Sơn thu hồi 18,73ha đất lúa song không báo cáo Thủ tướng.

Lạng Sơn huy động nhiều cán bộ cảnh sát cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp hôm 16/5/2022, bất chấp việc người dân đã kiến nghị diện tích đất lúa bị thu hồi hơn 10ha, không thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh. Ảnh: Văn Việt.

Lạng Sơn huy động nhiều cán bộ cảnh sát cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp hôm 16/5/2022, bất chấp việc người dân đã kiến nghị diện tích đất lúa bị thu hồi hơn 10ha, không thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh. Ảnh: Văn Việt.

Hủy kết quả đấu thầu

UBND tỉnh Lạng Sơn thừa nhận, để thực hiện Dự án Khu đô thị mới Mai Pha, tỉnh này đã thu hồi 18,39 ha đất lúa. Do đó, dự án này thuộc diện phải trình xin ý kiến Thủ tướng.

Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam về sự việc, luật sư Đặng Hồng Dương, Công ty Luật Sao Sáng, cho biết: “Bất cứ dự án nào thu hồi từ 10ha đất lúa trở lên đều phải có ý kiến của Thủ tướng. Xét về góc độ pháp lý, tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định phê duyệt dự án sai thẩm quyền. Vì vậy, dự án này buộc phải làm lại toàn bộ, bắt đầu từ hồ sơ đầu tư, hồ sơ xây dựng”.

Luật sư Dương cho biết kết quả đấu thầu trước đó buộc phải hủy, do đây không phải dự án thuộc thẩm quyền xét duyệt của UBND tỉnh Lạng Sơn. Đồng nghĩa với đó, liên danh Hải Phát – Hà Sơn, sẽ không có quyền thực hiện dự án. “Xác định sai diện tích đất lúa, không thuộc thẩm quyền, thì việc tổ chức đấu thầu trước đó không có giá trị pháp lý”, luật sư Dương nói.

Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 15/7, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, ban đầu các cơ quan chuyên môn báo cáo diện tích đất lúa thu hồi là 7,89ha. Sau khi có chỉ đạo của Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, việc thống kê được thực hiện lại, con số là 18,39 ha đất lúa.

Luật sư Dương kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc thống kê “nhầm” nêu trên. 

Sự việc này không chỉ dừng ở mức “vượt quyền” Thủ tướng, nó đã âm ỉ kéo dài, gây khiếu kiện đông người. Thậm chí, người dân Mai Pha còn tập trung xuống Hà Nội khiếu kiện, khiến giới chức Thủ đô phải đề nghị tỉnh Lạng Sơn xuống đón dân về. 

UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND TP. Lạng Sơn đều có trách nhiệm trong việc để xảy ra khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài. Bởi lẽ, Dự án khu đô thị mới Mai Pha thu hồi hơn 10ha đất lúa, là điều mà người dân xã Mai Pha đã nhiều lần kêu gọi chính quyền kiểm đếm lại, song đều bị bỏ qua.

Luật sư Đặng Hồng Dương, Công ty Luật Sao Sáng, cho biết dự án Khu đô thị mới Mai Pha phải được đấu thầu lại từ đầu, nếu được Thủ tướng phê duyệt. Ảnh: Văn Việt.

Luật sư Đặng Hồng Dương, Công ty Luật Sao Sáng, cho biết dự án Khu đô thị mới Mai Pha phải được đấu thầu lại từ đầu, nếu được Thủ tướng phê duyệt. Ảnh: Văn Việt.

Kiến nghị của dân bị phớt lờ

Biên bản đối thoại vận động, thuyết phục của Ban thực hiện cưỡng chế đối với các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng dự án Khu đô thị mới Mai Pha, TP. Lạng Sơn, nghi ngờ về việc thu hồi hơn 10ha đất lúa đã được đặt ra. 

Báo Nông nghiệp Việt Nam trích đăng ý kiến của cư dân trong cuộc đối thoại. Bà Hoàng Thị Cừu (đại diện gia đình ông Hoàng Văn Léo): “Không đồng ý bàn giao mặt bằng vì giá bồi thường chưa thỏa đáng. Đề nghị Nhà đầu tư phải thỏa thuận với dân. Gia đình là đối tượng chính sách (có Mẹ Việt Nam anh hùng, 02 người là Liệt sĩ) nhưng vẫn bị cưỡng chế. Dự án thống kê diện tích đất lúa dưới 10ha, thực tế diện tích đất lúa lớn hơn, đề nghị xem xét lại”. 

Ông Nông Xuân Thắng: “Hơn 100 hộ gia đình đã có đơn đề nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhưng đến nay chưa có kết quả giải quyết. Cơ chế chính sách bồi thường chưa thỏa đáng, chưa phù hợp”.

Bà Phạm Thị Thơm: “Gia đình có hơn 500m2 nhưng chỉ được bồi thường hơn 300m2, diện tích còn lại cơ quan nhà nước cho rằng là mương thủy lợi nên không bồi thường. Thực tế diện tích đất mương nước là đất của gia đình sử dụng từ trước, chưa được bồi thường. Trên đất có 01 ngôi mộ, được thông báo hỗ trợ 2.500.000 đồng. Giá bồi thường, hỗ trợ quá thấp”.

Ông Đinh Văn Bảo: “Dự án có diện tích đất lúa thực tế lớn hơn 10ha, số liệu công khai hiện nay chỉ có hơn 07ha, phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị kiểm tra, trả lời rõ cho nhân dân được biết diện tích thu hồi đất lúa của dự án là bao nhiêu (ha). Đề nghị chủ đầu tư thỏa thuận với người dân”.

Ông Lộc Văn Quế: “Giá bồi thường chưa thỏa đáng. Nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân. Đề nghị đền bù theo diện tích hiện trạng sử dụng”.

Bà Nguyễn Thị Bính (đại diện gia đình ông Ngụy Trường Sơn): “Gia đình mua đất để cho con xây dựng nhà, khi đang làm móng gia đình biết được thông tin về việc thu hồi đất thực hiện dự án nên dừng lại, không xây dựng nữa. Đề nghị xem xét giao đất tái định cư do bị thu hồi đất ở. Năm 2013 gia đình đã chuyển mục đích từ đất vườn sang đất ở. Nay đơn giá bồi thường thấp hơn giá đất khi chuyển mục đích, đề nghị xem xét, giải quyết”.

Ông Trần Văn Thắng: “Trên đất thu hồi của gia đình có mồ mả nhưng không được tính toán bồi thường. Đề nghị cấp tái định cư vì gia đình có 02 người con chưa có chỗ ở”.

Trước việc người dân kêu gọi chính quyền kiểm đếm lại diện tích đất lúa bị thu hồi, UBND TP. Lạng Sơn và UBND tỉnh này không có phản hồi tích cực. Biên bản đối thoại nêu trên lập ngày 11/5/2022. Đến ngày 16/5/2022, Lạng Sơn huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an cùng nhiều lực lượng khác tiến hành cưỡng chế. Nhiều mảnh vườn, thửa ruộng đến giờ này lổn nhổn đất san nền. Đã gần 3 tháng trôi qua, dự án chưa được triển khai, còn người dân thì mất đất canh tác.

Do nhầm lẫn?

Tại buổi làm việc giữa tỉnh Lạng Sơn với báo Nông nghiệp Việt Nam, do Sở Thông tin &Truyền thông chủ trì, bà Trần Thị Mai Anh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Lạng Sơn, lý giải về việc “nhầm” 18,39ha đất lúa thành 7,39ha: “Tại thời điểm lập quy hoạch sử dụng đất, diện tích đất lúa thực hiện dự án được thống kê theo hiện trạng là 7,89ha. Do cơ sở dữ liệu đất đai chưa đồng bộ, nên việc thống kê các loại đất, diện tích để cập nhật kế hoạch sử dụng đất có sai sót”.

Đại diện UBND TP. Lạng Sơn nói sau khi thành lập bản đồ địa chính năm 1997, “thì có nhiều biến động”, song thừa nhận bản đồ này thể hiện “có 14ha đất lúa”. Vậy, rõ ràng TP. Lạng Sơn và tỉnh biết với diện tích đất lúa lớn mức này, thẩm quyền phê duyệt không thuộc UBND cấp tỉnh. Như vậy, có dấu hiệu cố ý làm trái của những cá nhân, tập thể liên quan.

Mặt khác, các lý giải của chính quyền, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn không trả lời được câu hỏi: Vì sao dân kiến nghị nhiều trước thời điểm cưỡng chế mà không cho kiểm tra lại? Động cơ, mục đích nào khiến Lạng Sơn rốt ráo thu hồi đất như vậy, khiến người nông dân chịu thiệt thòi? Tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc vượt quyền Thủ tướng?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.