| Hotline: 0983.970.780

Cha mẹ còng lưng gánh nợ, thấy con đỗ đại học mà... sợ!

Thứ Hai 28/08/2017 , 14:30 (GMT+7)

Con cái trúng tuyển đại học hiển nhiên cha mẹ mừng rỡ. Vậy nhưng, với không ít gia đình nghèo ở nông thôn, sau niềm vui là cả những năm tháng lo lắng, rơi vào vòng xoáy nợ nần. NNVN giới thiệu loạt bài 'Con nhà quê - nước mắt ra phố mua chữ'.

Chỉ trong 8 năm, 4 đứa con của vợ chồng anh Đặng Thanh Bình, chị Phan Thị Tiến, thôn Hòa Tiến, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)  bước vào giảng đường đại học. Gánh nặng tiền học phí, phòng trọ, sách vở... ám ảnh từng giấc ngủ của cặp vợ chồng chưa đến tuổi lục tuần.
 

Nghe đại học thấy... sợ!

Vợ chồng anh Bình chị Tiến sinh hạ được 4 người con (1 trai, 3 gái) là Đặng Duy Thanh (SN 1990), Đặng Thị Vinh (SN 1992), Đặng Thị Anh (SN 1996) và Đặng Thị Phi Nga (SN 1999).

15-20-09_1
15-20-09_4
Gia đình anh Bình, chị Tiến đang gánh trên vai món nợ hơn 350 triệu đồng

Vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, sau khi dựng nhà ở riêng anh chị canh tác trên 6 sào ruộng, 3 sào đất màu, nuôi thêm dê, hươu, lợn, gà... để nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống. Thời gian trôi đi, 4 đứa con của anh chị lớn lên, đứa nào cũng là học sinh giỏi, khá của trường, của lớp. Anh chị nhìn thấy tiềm năng phát triển của con, thường xuyên tạo mọi điều kiện, động viên chúng nuôi ước mơ chữ nghĩa. Phần vì để làm rạng danh tổ tiên, dòng họ, phần là để con thoát khỏi cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.

Rồi ngày anh chị mong chờ cũng đến. Năm 2010, cầm trên tay giấy báo trúng tuyển hệ Cao đẳng, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh của Thanh, anh chị mừng rơi nước mắt. Hai triệu đồng tiền tích góp trong nhà cộng với 3 triệu tiền vay của bà ngoại được chuẩn bị cho Thanh lên đường Nam tiến. Thanh nhập học đem theo toàn bộ kỳ vọng của anh chị về một tương lai tươi sáng ngày con ra trường, đó là công việc trong văn phòng, không phải dầm mưa dãi nắng với mức lương ổn định.

Thời điểm Thanh học, đồng tiền chưa trượt giá, mỗi tháng anh chị cũng phải chắt góp gửi cho con 2 triệu đồng. Số tiền này là toàn bộ tiền công lao động anh chị dành dụm được trong tháng nhưng chưa thấm vào đâu so với mức sống ở thành phố lớn. Chị Tiến cho biết, ngoài tiền bố mẹ gửi ngày nghỉ Thanh phải đi đánh giày kiếm thêm thu nhập mới đủ trang trải, hoàn thành 5 năm học từ cao đẳng lên đại học.

Hai năm sau, Thanh nghỉ hè năm học thứ 2 thì Vinh nối bước là tân sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh. Niềm vui của gia đình nhân đôi nhưng áp lực tiền bạc nhân lên bội phần. Thời điểm này, đến tháng ngoài tiền gửi cho Thanh, anh chị phải lo liệu thêm 1,5 triệu đồng gửi cho Vinh.

“Thời gian đầu nó ở ký túc xá, trường yêu cầu phải ăn ở căng tin (ngày 50 nghìn đồng) nên tiền mẹ gửi chỉ đủ tiền ăn, còn sinh hoạt phí nó phải tự kiếm từ việc bán sinh tố cho học sinh trong trường”, chị Tiến chia sẻ.

Kế tiếp Vinh, Đặng Thị Anh đậu vào trường Đại học Kinh tế Nghệ An vào năm 2015. Lúc này thì tờ giấy báo kết quả đại học trở thành nỗi ám ảnh của anh Bình, chị Tiến. Sức đã cùng, lực đã kiệt nhưng thương con anh chị lại gắng gượng vay mượn cho Anh nhập học.

Cách đây hơn 2 tuần, Đặng Thị Phi Nga nhận giấy báo đậu vào khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Vinh. Chị Tiến rưng rưng nước mắt bảo con “hay con bảo lưu kết quả sang năm sau học” nhưng Nga một mực động viên mẹ: “Anh chị được học thì con cũng muốn học”.

15-20-09_5
Việc con gái út đậu đại học khiến vợ chồng anh Bình lo lắng nhiều hơn vui mừng

Rồi vòng xoáy vay nợ lại xoay tròn. Giữa trưa nắng như đổ lửa anh Tiến chạy 150 cây số sang tận huyện miền núi tỉnh Nghệ An vay 10 triệu đồng về cho Nga ra TP Vinh nhập học.
 

Sổ nợ thêm dày

Khi được hỏi về khả năng tài chính nuôi 2 đứa con đang học, anh chị nhìn vào xấp sổ vay nợ ngân hàng nói: “Thì phải vay vốn học sinh sinh viên và anh em, làng xóm thôi”.

Anh Phan Văn Hạnh, Tổ trưởng Tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hương Sơn (phụ trách thôn Hòa Tiến) cho biết, gia đình anh Bình là một trong những hộ có tổng dư nợ vay vốn sinh viên nhiều nhất trong thôn. Hiện anh chị mới trả được 35 triệu tiền gốc và lãi tiền vay của anh con trai đầu, đang nợ ngân hàng chính sách 107 triệu (trong đó, vay theo chính sách hộ nghèo 50 triệu đồng). Ngoài số nợ trên, anh chị còn nợ Ngân hàng NN-PTNT 100 triệu đồng; nợ anh em, làng xóm khoảng 150 triệu.

Tôi hỏi: Nợ nhiều như vậy anh chị tính trả thế nào? Hai vợ chồng nhìn nhau thở dài: “Thực sự gay go, nếu tới đây ngân hàng không cho vay vốn sinh viên nữa thì khó mà nuôi được con bé út. Còn trả nợ, nước cuối cùng chắc phải bán vườn, bán nhà”.

Cũng dễ hiểu khi anh Bình, chị Tiến nói như vậy bởi thu nhập mỗi tháng của anh chị không vượt nổi 1 triệu đồng. Anh Tiến mất sức lao động sau một lần bị tai nạn khi đi gửi tiền học cho con hiện tại chỉ quanh quẩn trong nhà; 6 sào ruộng năm nào được mùa thu hoạch được tầm 7 tạ, còn như vụ xuân vừa rồi mất mùa chỉ được hơn 4 tạ lúa, bán với giá 6.000đ/kg, tổng thu nhập được 2,4-4,2 triệu đồng/6 tháng, chưa trừ chi phí đầu tư. Chăn nuôi thì nhỏ lẻ, chỉ đủ mua mắm muối trong gia đình nên tiền học của các con 100% là đi vay.

Cũng mang tiếng là hộ kinh doanh, có nhà xây kiên cố nhưng sau khi thôn xóm đưa ra bình xét hộ anh Phan Thanh Sơn (SN 1965), thôn Trung Tiến, xã Sơn Tiến vẫn là hộ cận nghèo. Quả thực nếu chỉ nhìn bên ngoài chẳng ai nghĩ rằng gia đình này lại nghèo khó nhưng sau khi tìm hiểu thì thực tế hoàn toàn ngược lại. Suy cho cùng cũng vì vay tiền nuôi con học đại học nên mới lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con.

15-20-09_8
15-20-09_7
Anh Sơn và món nợ gần 145 triệu đồng từ các Chương trình vay vốn của ngân hàng chính sách

Thời điểm nuôi 2 đứa con gái đầu học đại học, Ngân hàng Chính sách xã hội có chương trình vay vốn nào anh cũng xung phong vay đầu tiên, từ vay học sinh sinh viên, vay hộ cận nghèo đến vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường. Tổng số tiền vay lũy kế đến thời điểm này là gần 145 triệu đồng. Ngoài số tiền vay trên, anh còn vay Ngân hàng NN-PTNT 200 triệu đồng, vay anh em, bạn bè gần 300 triệu đồng nữa.

Anh Sơn lo lắng: “Tôi làm liều vay để kinh doanh nhưng rồi mọi thứ cứ lâm vào cảnh khó khăn. Bây giờ mỗi tháng tôi không làm ra 9-10 triệu đồng thì nguy to, riêng tiền trả lãi đã hơn 5 triệu đồng rồi”.

Hiện anh Sơn đang nuôi cô con gái thứ 3 học tiếp văn bằng 2 tại TP Hồ Chí Minh, cậu con trai út vào lớp 11. Nỗi lo lớn nhất của anh là những ngày cuối tháng, thời điểm này ngoài tiền trả nợ, chi tiêu ăn uống, bất di bất dịch anh phải có 4 triệu gửi cho con gái.

Trong suốt chuyến công tác, quá trình tiếp xúc với chúng tôi mong muốn đầu tiên các bậc phụ huynh chia sẻ là con em họ sau khi học xong tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành, có mức lương đủ trang trải cuộc sống. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nâng mức cho vay học sinh sinh viên sao cho tương xứng với mức sống tối thiểu hiện nay ở các thành phố.

Ông Hoàng Bá Đồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, triển khai Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên (HSSV), từ năm 2007 đến 30/7/2017 Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho vay 1.754 tỷ đồng/164.600 HSSV để trang trải chi phí học tập. Trong đó, năm vay nhiều nhất là 2011 với tổng số tiền lên đến 430 tỷ đồng. Tỷ lệ vay vốn cho con em đi học chủ yếu rơi vào các vùng nông thôn như huyện: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Đức Thọ, Thạch Hà. 

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.