| Hotline: 0983.970.780

Chaebol chi phối chính giới Hàn Quốc thế nào? - Tiền, quyền và dòng tộc

Thứ Tư 22/02/2017 , 13:15 (GMT+7)

Ở Hàn Quốc, tất cả đều thuộc về các chaebol (tài phiệt). Từ của cải đến luật pháp, thậm chí là cả quyền lực chính trị. Những “danh gia vọng tộc” đứng đằng sau các tập đoàn lớn, có quy mô toàn cầu như Samsung, Hyundai hay LG đang chi phối giới chính trị Hàn Quốc, theo nhận định của New York Times.

Chính quyền ở Hàn Quốc mới đây đã cho bắt giữ Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, người xuất thân từ một gia đình cực kỳ giàu có và quyền thế.

Ông Lee, còn được gọi theo kiểu Tây là Jay Y. Lee, bị cáo buộc hối lộ cho người bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye (đang bị đình chỉ chức vụ). Samsung đã lên tiếng bảo vệ ông Lee và đại diện tập đoàn nói họ đang làm việc để đảm bảo “sự thật sẽ được tiết lộ”.
 

Trong tay các chaebol

Ông Lee được biết đến rộng rãi là lãnh đạo trên thực tế của Samsung kể từ khi cha ông, Chủ tịch Lee Kun-hee, 75 tuổi, gặp vấn đề về tim mạch từ năm 2014. Lee “con” trở thành chủ nhân của một đế chế chuyên sản xuất đồ gia dụng, công nghệ, xây dựng, đóng tàu, bảo hiểm và thậm chí là phát hành thẻ tín dụng.

15-47-35_lee-je-yong-nd-xi-jinping
Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong (trái) trong một lần tiếp kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Business Korea)
 

Công ty điện tử Samsung Electronics - nhà sản xuất tivi, điện thoại thông minh được bán khắp thế giới, chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu của tập đoàn.

Và Samsung chỉ là một trong vài công ty gia đình ở Hàn Quốc được gọi là chaebol  chi phối đời sống kinh tế của Hàn Quốc. Danh tiếng của các công ty như Samsung, Hyundai hay LG đã vượt ra khỏi biên giới Hàn Quốc từ lâu. Nhưng ở trong nước, họ là thế lực cực lớn, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế.

Đây không phải là lần đầu tiên Samsung dính vào bê bối với các chính trị gia. Theo tờ Independent, 12 năm trước, nghị sỹ Roh Hoe-chan “quăng một quả lựu đạn” vào giới kinh doanh Hàn Quốc khi, cùng với sự giúp đỡ của hai nhà báo, cho công khai một đoạn băng ghi âm lời một trợ lý của Chủ tịch Samsung Lee Kun-Hee đang thảo luận câu chuyện có vẻ là việc chi tiền cho các công tố viên và một quỹ đen, bơm tiền bất hợp pháp cho các ứng cử viên tổng thống. Vụ việc thổi bùng lên một cuộc chiến pháp lý đầy căng thẳng kéo dài hàng chục năm.

Vụ việc kết thúc 4 năm trước đây khi Tòa án tối cao kết tội nghị sỹ Roh và tước bỏ tư cách nghị sỹ của ông một cách đầy sỉ nhục. Mặc dù luật pháp bảo vệ những gì các nghị sỹ nói tại quốc hội, tòa án phán quyết rằng quyền này không được áp dụng trên internet.
 

“Quá lớn để sụp đổ”

Quyền lực của chaebol, các tập đoàn kinh tế vốn giúp đưa Hàn Quốc từ một trong những nước nghèo nhất châu Á trở thành một trong bốn nền kinh tế lớn nhất châu Á chỉ trong vài chục năm, trở thành vấn đề nóng bỏng trong các cuộc bầu cử quốc gia.

15-47-35_smsung_hedqurters
Trụ sở của Samsung (Ảnh: Wikipedia)

 

Ứng cử viên cánh tả Moon Jae-in từng đe dọa tước bỏ quyền lực của các “triều đại” kinh doanh ở Hàn Quốc như Samsung, LG hay Hyundai. Người thắng cử, bà Park Geun-Hye cũng bắt đầu chiến dịch tranh cử bằng chiến thuật như thế nhưng khi gần đến ngày công bố kết quả bầu cử đã có vẻ rút khỏi những cam kết “chắc như xi-măng” trước đó về việc xử lý các chaebol. Khi bà ngồi vào ghế tổng thống, giới tinh hoa ở Hàn Quốc đều tin rằng nước này vẫn nằm trong tay giới tài phiệt như thủa nào.

Trong khi đó, chaebol hàng đầu, Samsung, gặt hái thành công rực rỡ với các dòng điện thoại Galaxy và Galaxy Note, mang doanh thu gấp đôi so với đối thủ LG. Thế lực của Samsung thể hiện ngay trên con đường dẫn từ sân bay về cửa tây thủ đô Seoul với các khối trụ sở đồ sộ, chằng chịt các tấm “lưới mắt cáo” bê tông và cửa kính vươn qua con sông Hàn. “Tô điểm” vào bức tranh đó là các tòa cao ốc của tập đoàn.

“Thành phố Samsung” bao trùm toàn khu vực kinh doanh của thủ đô. Công ty này còn điều hành Công viên chủ đề Samsung, một trong những công viên lớn nhất thế giới, Bảo tàng nghệ thuật Samsung và nhiều địa chỉ văn hóa hấp dẫn khác.

Samsung quan trọng với nền kinh tế Hàn Quốc đến mức công ty này được đánh giá là “lớn đến mức không thể sụp đổ”. Samsung chiếm tỷ phần lớn trong việc thực hiện các công trình hạ tầng ở Hàn Quốc, từ cầu cống tới các tòa cao ốc. Công ty đóng góp 13% giá trị xuất khẩu toàn quốc, tạo ra 1/5 GDP, theo các nhà phân tích.

Nhiều năm qua, giới chỉ trích chứng kiến một cách đầy lo lắng sự gia tăng quy mô của “đế chế” Samsung. Họ nói tiền và sự ảnh hưởng sâu rộng của Samsung đang làm xói mòn nền dân chủ vốn đã rất khó khăn mới đạt được ở Hàn Quốc.

Thuật ngữ “chaebol” được ghép từ hai từ có nghĩa là “giàu có” và “dòng tộc”. Nó được gắn cho các tập đoàn gồm nhiều công ty con và thường nằm trong quyền quản lý của một gia đình giàu có. Hàn Quốc có nhiều chaebol, ngoài Samsung, Hyundai hay LG, còn có Hanjin, Kumho, Lotte, và SK.

Chaebol thường gồm nhiều công ty con. Ví dụ như LG sản xuất điện thoại thông minh, tivi, linh kiện điện tử, phân bón và hóa chất. Hãng này còn sở hữu các đội bóng chày và bóng rổ ở Hàn Quốc. Hyundai là nhà sản xuất các loại ô tô nhãn hiệu Hyundai và Kia rất phổ biến. Tập đoàn này cũng sản xuất thang máy, cung cấp dịch vụ kho vận, điều hành chuỗi khách sạn và siêu thị.

 

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.