Theo phòng Kinh tế quận Đồ Sơn, triển khai nghị quyết số 20 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng liên quan đến việc quyết định những khu vực không được phép chăn nuôi, quận Đồ Sơn đã tổ chức rà soát, thống kê và ký cam kết hoặc di dời cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.
Theo đó, đến nay trên địa bàn có 28 cơ sở (tất cả đều ở phường Vạn Hương) thuộc khu vực không được phép chăn nuôi, trong đó có 12 cơ sở đã chấm dứt hoạt động chăn nuôi, 15 cơ sở đang hoạt động đã ký cam kết chấm dứt hoặc di dời hoạt động chăn nuôi đến khu vực phù hợp.
Ông Ngô Việt Đông, Trưởng Phòng Kinh tế quận Đồ Sơn cho biết, quận Đồ Sơn hiện có 603 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 9 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 8 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và không trang trại quy mô lớn. Người dân chủ yếu nuôi lợn với số lượng hơn 7.000 con và nuôi gia cầm với số lượng gần 40.000 con, các loại vật nuôi khác như trâu, bò, dê,… đều không đáng kể.
Thực hiện Nghị quyết số 20 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, bên cạnh việc rà soát các cơ sở chăn nuôi, việc tuyên truyền cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong chăn nuôi, từng bước chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Việc tuyên truyền được thực hiện thông qua tất cả các kênh có thể như xen kẽ vào những chương trình phát thanh, hệ thống loa truyền thanh của địa phương, thông qua các hội nghị, cuộc họp, cuộc sinh hoạt cộng đồng tổ dân phố.
Với một số cơ sở, việc vận động được thực hiện thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội để phổ biến nội dung cơ bản của nghị quyết và các văn bản liên quan cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.
“Theo lộ trình đến ngày 1/1/2025 thì tất cả các cơ sở chăn nuôi ở khu vực phường Vạn Hương đều phải chấm dứt hoạt động hoặc phải di dời đến những nơi phù hợp. Hiện tại, quận Đồ Sơn chỉ còn 1 cơ sở không ký cam kết ngừng hoạt động hoặc di dời, chúng tôi sẽ tiếp tục có giải pháp để tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện đúng thời hạn”, ông Đông chia sẻ.
Hải Phòng là thành phố Cảng trọng điểm nhưng những năm qua, chăn nuôi vẫn đóng vai trò quan trọng trong cung cấp thực phẩm cho toàn thành phố và các tỉnh lân cận, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập cho các hộ nuôi.
Dù vậy, theo lộ trình chăn nuôi cần được phát triển bền vững, không ảnh hưởng đến yếu tố xung quanh như môi trường, dân cư, kinh tế… Do đó, sau khi ban hành quy định về khu vực không được phép chăn nuôi ở các khu vực đô thị đã được các địa phương và nhân dân ủng hộ.
Hiện tại, Hải Phòng đang có hơn 600 cơ sở, hộ gia đình trong khu vực đô thị có hoạt động chăn nuôi, theo nghị quyết số 20 của HĐND thành phố, ngoài quận Đồ Sơn, hàng loạt các khu vực đô thị khác cũng không được phép tổ chức chăn nuôi cũng, điều này được ghi rõ.
Cụ thể, tại quận Ngô Quyền, quận Lê Chân, quận Hồng Bàng và quận Hải An, các phường đều không được phép chăn nuôi. Tại quận Kiến An có 6 phường gồm: Ngọc Sơn, Trần Thành Ngọ, Lãm Hà, Quán Trữ, Bắc Sơn và Nam Sơn, tại quận Dương Kinh có phường Anh Dũng.
Tại các huyện, các thị trấn gồm thị trấn Núi Đèo, thị trấn An Lão, thị trấn An Dương, thị trấn Núi Đối, thị trấn Tiên Lãng; thị trấn Vĩnh Bảo; thị trấn Cát Bà và thị trấn Cát Hải cũng thuộc diện không được phép chăn nuôi.
Sau khi nghị quyết số 20 có hiệu lực, các địa phương đều ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện và đến nay đã có hiệu quả bước đầu, tuy vậy cũng có những khó khăn khiến việc triển khai ở một số nơi chưa đạt kết quả như mong muốn.
Đối với các phường, thị trấn không thuộc phạm vi nói trên, tổ chức, cá nhân được phép hoạt động chăn nuôi theo quy mô hiện có nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện chăn nuôi theo quy định hiện hành và không xây mới, không mở rộng quy mô chăn nuôi.
Còn các khu dân cư gồm: khu đô thị, khu chung cư, khu tập thể, khu tái định cư nằm trên địa bàn thành phố được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.