| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn sinh học - Giải pháp phòng dịch hiệu quả

Thứ Ba 26/11/2019 , 09:29 (GMT+7)

Hiện tại, dịch tả heo châu Phi trên toàn quốc đã giảm đến mức độ thấp nhất về chu kỳ phát triển, hơn 60% số xã qua 30 ngày dịch không trở lại.

Áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH là giải pháp bảo vệ đàn heo trước dịch tả và là cơ sở tái đàn.

Đây là tín hiệu vui và là cơ sở để tái đàn. Tuy nhiên, không tái đàn ồ ạt, mà phải nắm vững và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH). Đó là giải pháp được các chuyên gia, doanh nghiệp và hộ chăn nuôi chia sẻ tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp vừa diễn ra tại Bình Phước.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện số lượng các trang trại, mô hình chăn nuôi lợn ATSH đang tăng lên. Nếu như năm 2016, cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn ATSH, chiếm 18,3%, tổng đầu con trên 2,1 triệu con, thì sang năm 2017 tăng lên gần 2.500 trang trại với tổng đàn 2,8 triệu con; năm 2018 là hơn 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, tổng đàn trên 2,82 triệu con, chiếm 9,9% tổng đàn lợn cả nước.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai 9 dự án khuyến nông chăn nuôi ATSH với kinh phí 22,5 tỷ đồng. Theo đó, đã có 46 mô hình được triển khai với quy mô 164.325 con gia súc, gia cầm (trong đó: 2.041 con bò, 354 con lợn trong mô hình lợn sinh sản, 9.000 con lợn trong mô hình chăn nuôi an toàn kiểm soát dịch bệnh, 80.930 con gia cầm…), với tổng số 936 hộ và 3 đơn vị quân đội tham gia.

Hầu hết các chương trình, dự án đều áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi… nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi đã áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH, VietGAHP. Người chăn nuôi tham gia mô hình dự án được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi ATSH, quy trình vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

20-34-01_nh_2
Đoàn công tác thăm cơ sở chăn nuôi heo 2.000 con ở ấp 5, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, Bình Phước, nhưng chỉ được đứng ngoài cổng nghe chủ trại (áo xanh, bìa phải) thuyết minh.

Theo ông Mai Thế Hào, Phó văn phòng Cục Chăn nuôi phía Nam, theo Quyết định của Bộ NN-PTNT, thì điều kiện để tái đàn là khi địa phương không còn ổ DTHCP đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Ban đầu chỉ nên tái đàn 10%, sau 1 tháng xét nghiệm âm tính với virus dịch bệnh thì mới mở rộng quy mô.

Việc tái đàn phải đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học. Cụ thể, phải kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực chăn nuôi. Chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh, như chuột, chim, ruồi…

Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, lợn nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Thức ăn và nước uống bảo đảm chất lượng. Có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Đặc biệt, người chăn nuôi cần lưu ý, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi lợn. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển. Chất thải phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hoá chất, hoặc xử lý bằng biện pháp sinh học phù hợp.

Trong khi DTHCP xảy ra trên toàn bộ các xã, phường của TX. Bình Long, Bình Phước từ tháng 7/2019, thì đàn heo 50 con nái và 1.000 heo thịt của gia đình ông Phùng Văn Bảo ở phường An Lộc, TX. Bình Long, vẫn bình yên vô sự.

Ông Bảo chia sẻ: "Trại heo của tôi tuân thủ nghiêm quy định: “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trước tiên, tôi mua lưới che kín xung quanh trại để ngăn côn trùng, vật trung gian truyền bệnh, tiêm vacxin đầy đủ, tăng cường dinh dưỡng, mua thêm loại men sinh học cao cấp nhập khẩu từ Mỹ với giá 1 triệu đồng/kg để tăng sức đề kháng cho đàn heo. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn thức ăn, nước uống, nguyên liệu đầu vào, cách ly tất cả dụng cụ, con người, phương tiện... ra vào trại. Vì sức khỏe đàn heo, vợ, chồng, con cái cũng bị “cách ly”, chỉ nói chuyện với nhau qua điện thoại. Hằng ngày xịt sát trùng, rải vôi đúng kỹ thuật, liều lượng ở tất cả lối đi, nhà kho, xe vận chuyển heo, cám, vệ sinh, khử trùng sạch sẽ các dụng cụ...

20-34-01_nh_3
Muốn vào trại heo lúc này, phải qua nhiều lớp tiêu độc, khử trùng, bắt đầu từ cổng trại.
“Về vấn đề tái đàn, chỉ những cơ sở, trang trại đủ các điều kiện chăn nuôi ATSH mới nên tái đàn thời điểm này, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư tuyệt đối không nên nuôi trở lại. Thực tế đã có nhiều nơi dịch bệnh tái phát do người dân tự ý tái đàn”, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.