| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi dê, cừu Ninh Thuận trước thách thức mới [Bài 1]: Đồng cỏ thu hẹp, đầu ra bấp bênh

Thứ Hai 16/10/2023 , 06:33 (GMT+7)

Chăn nuôi dê, cừu tại Ninh Thuận chủ yếu là nhỏ lẻ thiếu tính liên kết, trong khi đồng cỏ ngày càng thu hẹp nên việc chăn thả gặp nhiều khó khăn.

Ninh Thuận là một trong những tỉnh nuôi nhiều dê, cừu nhất ở nước ta. Ảnh: Mai Phương.

Ninh Thuận là một trong những tỉnh nuôi nhiều dê, cừu nhất ở nước ta. Ảnh: Mai Phương.

Đồng cỏ chăn thả thu hẹp

Ninh Thuận là địa phương có khí hậu nắng nóng và khô hạn, lượng mưa hằng năm thấp, chỉ kéo dài khoảng 3 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, địa phương này còn có diện tích đồng cỏ tự nhiên lớn, thích hợp cho việc chăn nuôi dê, cừu.

Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thý y Ninh Thuận cho biết, dê, cừu có đặc tính dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cỏ và cây bụi. Chúng có thể ăn được nhiều loại cây cỏ, kể cả cây xương rồng trong thiên nhiên hoang dã. Bên cạnh đó, những vật nuôi này thích nghi tốt với mọi địa hình từ đồng bằng đến vùng đồi núi, do vậy việc chăn thả rất đơn giản. Các loại dịch bệnh trên dê, cừu cũng rất ít xả ra.

Theo thống kê, Ninh Thuận là một trong những tỉnh nuôi nhiều dê, cừu nhất ở nước ta. Tính đến tháng 9/2023, tổng đàn dê toàn tỉnh đạt 127.200 con, đàn cừu 98.000 con. Số lượng đàn dê, cừu đều giảm từ 7 - 9% so với năm 2022.

Đối với dê, sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 đạt 2.206 tấn, tăng 26% so năm 2018 và tăng trưởng bình quân 4,7%/năm. Đối với cừu, sản lượng năm 2022 đạt 2.009 tấn, tăng 4% so năm 2018 và tăng trưởng bình quân 0,79%/năm. Điều này chứng tỏ, tuy tổng đàn giảm từng năm nhưng năng suất sản lượng thịt hàng năm được nâng lên.

“Những năm gần đây, người chăn nuôi dê, cừu ở Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao, giá bán thời gian gần đây lại giảm. Trong khi đó, diện tích đồng cỏ ngày càng thu hẹp, đầu ra sản phẩm dê, cừu bấp bênh khiến thu nhập của người nuôi giảm đi rất nhiều”, ông Phan Đình Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, hiện đa số người dân chăn nuôi dê, cừu theo phương thức quảng canh, bán chăn thả. Nguồn thức ăn chủ yếu dựa vào đồng cỏ kết hợp với phụ phẩm từ trồng trọt như rơm rạ, thân ngô, lá táo, lá nho… Việc chăn nuôi dê, cừu tập trung ở những huyện có đất lâm nghiệp, đất gò đồi, đất chưa sử dụng để tận dụng làm bãi chăn thả.

Tuy nhiên, hiện do các hộ dân mở rộng đất canh tác trồng trọt, quy hoạch ưu tiên cho các dự án năng lượng, du lịch... do đó, diện tích đất tự nhiên làm bãi chăn thả bị thu hẹp rất nhiều, ước tính trên toàn tỉnh còn khoảng 17.600ha. Vào mùa khô, thời tiết nắng nóng nhiều, đất thiếu độ ẩm, một số diện tích cỏ bị chết, khô cằn hoặc cỏ không thể mọc được dẫn đến nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm.

Hiện, đa số người dân Ninh Thuận chăn nuôi dê, cừu phương thức quảng canh bán chăn thả. Ảnh: Phương Chi.

Hiện, đa số người dân Ninh Thuận chăn nuôi dê, cừu phương thức quảng canh bán chăn thả. Ảnh: Phương Chi.

Để chủ động nguồn thức ăn cho dê cừu, các hộ chăn nuôi đã đầu tư trồng cỏ voi, đến nay toàn tỉnh người dân đã trồng được 1.200ha để làm thức ăn phục vụ chăn nuôi, trong đó có dê, cừu. Đồng thời, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch như rơm, rạ, thân cây bắp, cây, đậu… để dự trữ, chế biến làm thức ăn cho gia súc đồng thời bổ sung thêm thức ăn tổng hợp cho dê, cừu.

Đối với các vùng núi nơi có người dân tộc thiểu số sinh sống, chăn nuôi dê, cừu thường nhỏ lẻ, phân tán, lạc hậu. Người dân ở đây chỉ chăn thả ở trên rẫy cao, dưới tán rừng, đất gò đồi, đất lâm nghiệp, việc dự trữ thức ăn đa phần là không thực hiện.

Những năm qua giá sản phẩm chăn nuôi hầu như không tăng, thậm chí còn biến động giảm. Bên cạnh đó, đầu ra sản phẩm chăn nuôi khó khăn trong tiêu thụ, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi không liên kết với công ty, dẫn đến người dân đầu tư chăn nuôi thường thua lỗ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, trên địa bàn tỉnh chưa hình thành các HTX phát triển chăn nuôi, các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi chưa được thực thi có hiệu quả, chưa đi vào thực tiễn sản xuất chăn nuôi ở địa phương. Chưa có doanh nghiệp đầu tàu liên kết giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm dê, cừu để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định.

Liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi mới chỉ dừng ở một số hộ chăn nuôi hoặc các mô hình do thiếu vốn và các đối tác trong liên kết chưa thực sự hợp tác, chia sẻ, thường phá vỡ hợp đồng. Trong khi đó, việc đầu tư trang trại để liên kết với các công ty chăn nuôi đòi hỏi phải có đất và vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá lớn, nông dân thường không đủ khả năng, nên rất khó thực hiện. Điều này gây ra những khó khăn cho việc phát triển ngành cho ngành chăn nuôi dê, cừu ở Ninh Thuận.

Đa số các hộ nuôi ở Ninh Thuận chủ yếu theo quy mô manh mún, nhỏ lẻ làm cho khả năng cạnh tranh thấp, đầu ra bấp bênh. Ảnh: Phương Chi

Đa số các hộ nuôi ở Ninh Thuận chủ yếu theo quy mô manh mún, nhỏ lẻ làm cho khả năng cạnh tranh thấp, đầu ra bấp bênh. Ảnh: Phương Chi

Áp lực cạnh tranh từ thịt nhập khẩu

Theo ông Thịnh, hiện một số tỉnh ở nước ta cũng đã phát triển nuôi dê đạt hiệu quả nên nguồn cung rất dồi dào. Cùng với đó, tình hình kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng thời kỳ hậu Covid, các cuộc xung đột ở một số nước trên thế giới kéo dài, làm cho giá dầu tăng, gây suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Điều này kéo theo nguồn nguyên liệu đầu tư cho chăn nuôi luôn tăng, trong khi đó thu nhập của người dân giảm nên kéo sức tiêu thụ các sản phẩm từ dê, cừu giảm.

Theo phân tích của ông Lê Ngọc Hướng, thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu, hộ có 2 trang trại nuôi dê, cừu với khoảng 500 con, những năm gần đây, giá các loại vật nuôi như heo, gia cầm trên thị trường không ổn định, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh hầu như không có lãi, do đó người dân chuyển qua chăn nuôi dê, cừu nhiều dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu.

Đa số các hộ nuôi dê, cừu ở Ninh Thuận chủ yếu theo quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Điều này dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp, sản phẩm thịt dê, cừu vẫn phải bán qua thương lái, giá cả bấp bênh, đời sống người nuôi dê, cừu gặp nhiều khó khăn.

“Sản phẩm thịt dê, cừu mặc dù là một trong những sản phẩm đặc thù, thế mạnh của địa phương chúng tôi, nhưng hiện chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong những quán ăn, nhà hàng, quán nhậu của địa phương và các tỉnh, thành trên cả nước, chưa phải là thực phẩm phổ biến trong bữa cơm gia đình hàng ngày”, ông Hướng nói và cho biết thêm, các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu thời gian gần đây vắng khách, dẫn đến sản lượng tiêu thụ thịt dê, cừu phục vụ cho lĩnh vực này đều giảm mạnh trên cả nước.

Cũng theo ông Hướng, giá dê, cừu bắt đầu giảm từ tháng 3/2023 đến nay. So với thời điểm đầu năm, thương lái tới thu mua với giá từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, nay chỉ dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi không có lãi, một số hộ chăn nuôi cố duy trì đàn để chờ giá tăng trở lại.

Các sản phẩm dê, cừu nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp hơn thị trường trong nước, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm trong nước gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Phương Chi.

Các sản phẩm dê, cừu nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp hơn thị trường trong nước, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm trong nước gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Phương Chi.

Theo ông Phan Đình Thịnh, mặc dù dê, cừu là một trong những sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận nhưng những năm gần đây, người chăn nuôi dê, cừu trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Một trong những khó khăn lớn nhất của người chăn nuôi dê cừu là thị trường tiêu thụ, bởi sản phẩm phải cạnh tranh với các sản phẩm dê, cừu nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp hơn thị trường trong nước. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Ông Thịnh cho biết, việc tìm ra những giải pháp để phát triển ngành chăn nuôi dê, cừu phát triển bền vững ở Ninh Thuận là rất cần thiết nhằm giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả có giá trị kinh tế cao đến năm 2030 của tỉnh Ninh Thuận, mục tiêu phát triển đàn dê đến năm 2025 đạt 130.000 con và định hướng đến năm 2030 đạt 160.000 con, phát triển đàn cừu đến năm 2025 đạt 150.000 con và định hướng đến năm 2030 đạt 220.000 con.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.