| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 3] Lũ đi qua, dịch bệnh ở lại

Thứ Hai 23/09/2024 , 06:04 (GMT+7)

YÊN BÁI Những chuồng trại chăn nuôi trống rỗng, xác gà, lợn rải rác khắp nơi, đó là những thứ còn lại sau cơn lũ dữ tràn qua tỉnh Yên Bái.

Sau mưa lũ nhiều người chăn nuôi trắng tay, nợ chồng chất. Ảnh: Thanh Tiến. 

Sau mưa lũ nhiều người chăn nuôi trắng tay, nợ chồng chất. Ảnh: Thanh Tiến. 

Mất trắng rồi anh ạ!

Vòng vèo qua mấy cây số đường bê tông đầy bùn đất, gần trưa trưa ngày 18/9 chúng tôi mới đến nhà anh Nguyễn Trường Xuân ở thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc thành phố Yên Bái.

Ngôi nhà xây chưa kịp hoàn thiện bị ngập sâu vẫn còn đầy bùn đất, vẻ mặt thất thần chưa kịp hoàn hồn sau đợt lũ bão kinh hoàng vừa qua. Chị Nguyễn Thị Ninh (vợ anh Xuân) bê chậu nước nhỏ lau rửa những chiếc máng cho gà ăn vừa mới vớt lên trong đống bùn lầy.

Mất trắng rồi anh ạ! Giờ chỉ còn cái chuồng không thôi, anh Xuân rơm rớm nước mắt nói với tôi.

Đi qua trái nhà, thăm khu chuồng nuôi gà rộng 500m2 trống trơn vừa được 2 vợ chồng cào bùn, xịt rửa để giảm ô nhiễm môi trường. Ngay phía bên ngoài, những con gà chết nằm rải rác khắp nơi đầy ròi bọ. Dưới ao, cả đàn gà hàng trăm con chết nổi lềnh phềnh kết lại thành bè nhìn thật khủng khiếp.

Trại gà 5.000 con của anh Xuân bị chết do ngập úng. Video: Thanh Tiến.

Anh Xuân giãi bày trong sự xót xa, 10 ngày trước, cả chuồng gà chật kín với 5.000 con, trọng lượng trung bình 1,7 kg/con. Mặc dù đã tính toán mực nước sẽ dâng cao như mức lũ kỷ lục năm 2008, trại gà được lắp đặt sàn trên cao, nếu nước lên gà sẽ đậu trên sàn. Cơn lũ về quá nhanh, nước sông Hồng chảy cuồn cuộn, dâng cao trên báo động 3 gần 4 mét, không kịp trở tay nên đàn gà chết chìm trong dòng nước đục.

Trại gà của anh Xuân nuôi toàn bộ giống gà H’Mông xương đen, thịt đen, đến nay được 3 tháng, khoảng 1 tháng nữa sẽ xuất bán, với giá ký kết hợp đồng 86.000 đồng/kg, dự kiến sẽ thu được gần 800 triệu đồng. Sau cơn lũ, giờ chỉ còn lại những xác gà chết với món nợ gần 600 triệu đồng.

Sau lũ anh Xuân chỉ còn lại đống gà chết và đống nợ chồng chất. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau lũ anh Xuân chỉ còn lại đống gà chết và đống nợ chồng chất. Ảnh: Thanh Tiến.

“Đến giờ cũng không biết bắt đầu lại từ đâu, bởi số nợ còn chồng chất, tiền làm chuồng trại chưa trả hết, rồi tiền giống, cám, vacxin… đều đợi bán gà mới trả các đại lí. Mong muốn tỉnh và Trung ương sẽ có chính sách hỗ trợ vốn để người chăn nuôi bị thiệt hại do ngập lụt có thể phục hồi, tái sản xuất”, anh Xuân nói.

Cách cơ sở nuôi gà của gia đình anh Xuân khoảng 1km là khung cảnh tan hoang tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Hòa Bình Minh ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái. Những chiếc ô tô tải ngập nước nằm ở cổng trang trại, cột điện, cây cối đổ ngổn ngang cho thấy sự hung tàn của con lũ vừa qua.

Trang trại chăn nuôi với 10 dãy chuồng, 16 công nhân, quy mô 5.000 con, nay chỉ còn sự vắng lặng, đổ nát. Gần 50 con lợn sống sót bán vớt vát được vỏn vẹn 55 triệu đồng. Hơn 4.800 con trôi theo dòng lũ dữ, hàng trăm con chết rải rác khắp cánh đồng.

Khu vực chăn nuôi đổ nát ngổn ngang, tường gạch phủ đầy bùn đất, những chiếc quạt thông gió méo xẹo đầy rác. Thiệt hại ước tính gần 40 tỷ đồng.

Cảnh trang trại lợn 5.000 con tan hoang sau lũ. Video: Thanh Tiến.

Vẫn còn thất thần sau những thiệt hại lớn, chị Phạm Thị Phương Vinh, Giám đốc chăn nuôi Công ty Hòa Bình Minh trần tình, sau thiệt hại, Báo Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị đầu tiên đến chia sẻ và thông tin, sau đó Công ty được một số doanh nghiệp gọi điện động viên và hỗ trợ trang thiết bị, thuốc khử trùng để vệ sinh chuồng trại.

Hiện, Công ty đang tập trung khắc phục, vệ sinh các khu vực chăn nuôi, chỗ nào đỡ đổ nát dọn dẹp trước, chỗ nào cần máy móc thì sẽ tiến hành khắc phục sau. Cả đàn lợn đã xóa xổ rồi, chỉ mong các cấp chính quyền sẽ có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có thể gượng dậy được.

Chị Vinh xót xa bên trang trại đổ nát. Ảnh: Thanh Tiến.

Chị Vinh xót xa bên trang trại đổ nát. Ảnh: Thanh Tiến.

Cần chính sách hỗ trợ đặc thù để người chăn nuôi gượng dậy

Theo số liệu báo cáo của Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Yên Bái, báo số 3 đã làm ngành chăn nuôi của tỉnh thiệt hại hơn 7.000 con gia súc và gần 350.000 con gia cầm các loại.

Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa lớn kéo dài, mưa lũ diễn ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại năng nề cho sản xuất nông nghiệp, người chăn nuôi rơi vào cảnh điêu đứng.

Để khôi phục sản xuất chăn nuôi sau bão số 3, ngày 13/9 Chi cục đã ban hành công văn số 218 về việc chủ động phòng chống dịch bệnh, khôi phục, bảo vệ đàn vật nuôi sau mưa lũ.

Đơn vị phối hợp với các địa phương thành lập đoàn đến các xã, phường, thị trấn để đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh xử lý môi trường sau mưa lũ. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho người chăn nuôi các biện pháp đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Việc xử lí môi trường rất quan trọng trước khi tái đàn. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc xử lí môi trường rất quan trọng trước khi tái đàn. Ảnh: Thanh Tiến.

Xây dựng phương án hỗ trợ con giống, hóa chất xử lý môi trường, tiêu hủy động vật chết, thuốc và vacxin phòng trị bệnh…

Đặc biệt, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch và tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.

Đối với những cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do mưa lũ sẽ được hỗ trợ theo nghị định số 02/2017 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Cần có những chính sách đặc thù để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Cần có những chính sách đặc thù để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, Sở NN-PTNT cũng đang đang nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù để trình UBND tỉnh nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra.

Ngày 19/9, đoàn công tác của Cục Chăn nuôi vừa đi kiểm tra thực tế thiệt hại do bão số 3 và chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trong chuyến làm việc  đoàn đã đi thực tế tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái và một số trang trại để đánh giá cụ thể về tình hình thiệt hại của các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. 

Trên cơ sở những thông tin thu thập được và những kiến nghị của các chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đoàn công tác Cục Chăn nuôi sẽ có những tham mưu về việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị ảnh hưởng do bão lũ phù hợp với điều kiện thực tế ở cơ sở.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.