| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 6] Nước rút đến đâu, vệ sinh chuồng trại đến đó

Thứ Tư 25/09/2024 , 10:48 (GMT+7)

Bắc Giang Trên tinh thần 'nước rút đến đâu, tiêu độc khử trùng, tái đàn vật nuôi' tới đó, cán bộ khuyến nông chủ động thêm nhiều nội dung thiết thực vào bài giảng sau mưa bão.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang kiểm tra và đánh giá thực tế các mô hình bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang kiểm tra và đánh giá thực tế các mô hình bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh.

Ít ngày sau khi nước rút, những lớp học kỹ thuật theo kiểu hội nghị đầu bờ lại được Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang tổ chức tại các địa phương chăn nuôi trọng điểm của tỉnh.

Ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang cho biết, những hoạt động hỗ trợ người dân đã được triển khai từ trước, trong và sau khi bão số 3 đổ bộ đất liền. Theo đó, hệ thống khuyến nông phối hợp UBND cấp huyện và HTX theo từng khu vực thành lập các nhóm Zalo, sau đó liên tục cập nhật thông tin mưa bão, cũng như hướng dẫn kỹ thuật, phổ biến quy trình ứng phó, khắc phục do mưa bão.

“Mưa bão nên mọi người khó di chuyển, nhưng nhu cầu về thông tin không thể ngừng”, ông Vinh nói và thông tin thêm, rằng ngoài kênh Zalo, cán bộ khuyến nông nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung còn giải đáp thắc mắc của người dân qua fanpage, website của Sở NN-PTNT Bắc Giang.

Trên tinh thần “nước rút đến đâu, tiêu độc khử trùng, tái đàn vật nuôi” tới đó, cán bộ khuyến nông tại Bắc Giang đã chủ động thêm một số nội dung thiết thực liên quan việc khắc phục hậu quả mưa bão, như cách đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi, công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, chế độ bổ sung dinh dưỡng khi đào tạo cho người dân.

Trực tiếp đứng lớp hướng dẫn về nuôi bò vỗ béo ở nhà văn hóa thôn Ngọc Sơn, huyện Yên Dũng sáng thứ Sáu 20/9, chị Nguyễn Thị Gấm, cán bộ phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản nói, do ảnh hưởng của mưa lũ, ngoài nhu cầu về kỹ thuật như trước, người dân rất quan tâm đến việc tìm mua giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, tiêm phòng đầy đủ.

Thời điểm này, người chăn nuôi đang tích cực vào đàn, nhất là lợn và gà để bán vào dịp trước, trong và sau Tết. Tuy nhiên, qua đánh giá sơ bộ, nguồn cung thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Người dân Bắc Giang tập trung tái đàn vật nuôi ngay sau bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh.

Người dân Bắc Giang tập trung tái đàn vật nuôi ngay sau bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Ngọc Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty CP Giống gia súc Hà Nội cho biết, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để nắm bắt nhu cầu thực tế của các địa phương, cũng như có kế hoạch phân bổ, sản xuất con giống kịp thời, phục vụ nhu cầu tái thiết sau mưa lũ.

Theo ông Kiên, với gia cầm và thủy cầm, đơn vị có thể nhanh chóng tạo nguồn sản xuất giống trong vòng 1-2 tháng. Nhưng với nhóm gia súc lớn như trâu, bò, hoặc động vật đơn thai, thời gian sản xuất giống khá dài.

“Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, địa phương cũng cần có kế hoạch tái thiết sớm. Công ty chúng tôi cam kết chuyển giao giống nhanh chóng, kịp thời, trong đó chú trọng những con giống có hiệu quả kinh tế cao cho bà con, nhất là khu vực miền núi phía Bắc”.

Chị Nguyễn Thị Nhung, xã Mỹ An nằm trong số ấy. Khu vực nhà chị bị úng ngập khá nặng. Trong giai đoạn bão số 3, gia đình đã chủ động di dời 200 con lợn tới vùng cao. Cuối tuần trước, đàn lợn được chuyển về chuồng trại chăm sóc, đảm bảo thời điểm xuất bán đúng vào đợt những tháng cuối năm.

Dù một số chuồng trại còn bị ngập, tốc mái, chị Nhung vẫn mạnh dạn tái đàn vật nuôi. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe đàn lợn, chị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, tăng cường sức đề kháng. Chẳng hạn, bình thường khoảng 15 ngày chị phun khử trùng một lần nhưng giờ rút ngắn xuống khoảng 7-10 ngày, đồng thời đổi thuốc thường xuyên, tránh tình trạng vi khuẩn “nhờn thuốc”.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.