| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 7] Không nóng vội tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh

Thứ Năm 26/09/2024 , 08:00 (GMT+7)

Hưng Yên Môi trường bị ô nhiễm sau mưa bão, ngành nông nghiệp Hưng Yên khuyến cáo các hộ chăn nuôi không nóng vội tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Theo ông Đào Văn Nhành, các hộ chăn nuôi gia súc đang khá lo lắng vì nguy cơ thiếu thức ăn xanh do nhiều diện tích cỏ bị ngập, chết. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Đào Văn Nhành, các hộ chăn nuôi gia súc đang khá lo lắng vì nguy cơ thiếu thức ăn xanh do nhiều diện tích cỏ bị ngập, chết. Ảnh: Trung Quân.

Nỗi lo bùng phát dịch bệnh vẫn canh cánh trong lòng

Nước ngập do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lũ rút đi cũng là lúc những hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thở phào nhẹ nhõm, tất bật quay trở lại dọn dẹp bùn đất, vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại để nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất trở lại trạng thái bình thường.

Có lẽ với những người chăn nuôi lâu năm tại khu vực ngoài đê thuộc các xã Thụy Lôi, Thiện Phiến (Tiên Lữ); Phú Cường, Hùng Cường (Kim Động)… sẽ không bao giờ quên trận ngập kinh hoàng vừa mới xảy ra. Mưa lớn kết hợp với nước sông Hồng, sông Luộc liên tục dâng cao, từng bước uy hiếp các cơ sở chăn nuôi. Nhiều trại ngay trong đêm phải di dời vật nuôi khẩn cấp.

Bà Hà Thị Đào, thôn Kệ Châu 3, xã Phú Cường (Kim Động) nhớ lại, gió to, mưa lớn làm trại lợn hơn 200 con của gia đình bị tốc 1 phần mái. Nước mưa như thác đổ trong khi nước sông Hồng liên tục dâng lên khiến việc tiêu thoát nước ra sông bị ngưng trệ.

Nhận thấy tình hình bất lợi, gia đình bà Đào đã huy động nhân lực, thuê mượn thêm người, phương tiện nhanh chóng di chuyển toàn bộ số lợn về nhốt tạm tại nhà tránh nguy cơ bị nước nhấn chìm. Đàn lợn phải di chuyển đột ngột, vội vã, lại bị nhốt tập trung nên tiếng kêu đinh tai, nhức óc. Chuồng nuôi ngập liên tục trong nước 3 ngày cũng là 3 ngày cả gia đình gần như không ngủ.

Thời tiết tạnh ráo trở lại, nước rút tới đâu, gia đình ngay lập tức quay lại chuồng nuôi dọn dẹp, đưa đàn lợn trở về. Phía trên khẩn trương sửa mái, phía dưới thu dọn bùn đất, phun thuốc tiêu độc, khử trùng.

Theo bà Đào, việc xử lý môi trường chuồng nuôi sau khi bị ngập gặp rất nhiều khó khăn, tiêu tốn công sức, chi phí. Nước ngập mang theo bùn, đất, rác thải, nước thải dưới các cống ngầm phủ kín chuồng, thời tiết nắng lên bốc mùi hôi khó chịu. Bà phải dùng các thuốc khử trùng, tiêu độc phun nhiều lần mà vẫn chưa an tâm.

Đặc biệt, 200 lợn may mắn thoát nạn nhưng dầm nước dài ngày, quen nuôi nhốt nên khi đột ngột thay đổi nơi ở, chế độ ăn nhiều con đã mắc bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp, gia đình đang phải vất vả chăm sóc để không ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển. Nguy hiểm hơn, trại lợn trước mưa bão được kiểm soát nghiêm ngặt để phòng ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch tả lợn Châu Phi nay đã mở toang. Nỗi lo mất trắng đàn lợn vẫn canh cánh trong lòng. 

“Mình giữ được đàn lợn là quá may mắn rồi. Xem trên tivi, mạng xã hội thấy nhiều trại không kịp chạy, mất trắng mà nổi cả da gà. Giờ chỉ mong các cấp hỗ trợ thêm thuốc khử trùng, tiêu độc để phun phòng chuồng trại và toàn bộ khu vực dân cư thì mới an tâm được phần nào”, bà Đào chia sẻ.

Theo Bà Hà Thị Đào, môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên lợn rất cao. Ảnh: Trung Quân.

Theo Bà Hà Thị Đào, môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên lợn rất cao. Ảnh: Trung Quân.

Nguy cơ thiếu hụt thức ăn xanh cho gia súc

Cũng may mắn đưa đàn vật nuôi thoát khỏi cơn lũ dữ, gia đình ông Đào Văn Nhành, thôn Tân Mỹ 1, xã Phú Cường đang tranh thủ từng giờ để dọn dẹp chuồng nuôi, đưa bò, lợn trở về.

Ông Nhành cho biết, chuồng nuôi của gia đình nằm ngoài khu vực đê bối, vị trí thấp nên khi mưa lớn, nước sông ngoài lại dâng cao không thể tiêu úng nên toàn bộ chuồng ngập sâu 1m. Thật may nơi ở của gia đình trong đê, cách chuồng nuôi không xa nên khi nước dâng đã nhanh chóng đưa toàn bộ 20 con bò và gần 80 con lợn lên nơi cao lánh nạn.

Khi nước rút, ông phải huy động toàn bộ nhân lực dọn dẹp liên tục trong 3 ngày, phun nhiều lần thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh mới cơ bản lấy lại được hiện trạng ban đầu. Nhưng thật không may, 10 con lợn mới tách mẹ chưa lâu, khi nhốt dồn trên sân nhà bị cảm lạnh, tiêu chảy bị chết, số còn lại bắt đầu cũng có biểu hiện bệnh. Đàn bò vốn nuôi nhốt, đưa ra nơi ở lạ hoảng sợ, bỏ ăn nên gầy sụt nhanh.

Nhiều diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi của người dân Hưng Yên bị chết trắng. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi của người dân Hưng Yên bị chết trắng. Ảnh: Trung Quân.

Hiện tại, tình hình đã tạm ổn, nhưng nỗi lo mới lại xuất hiện. Toàn bộ 6 sào cỏ làm thức ăn xanh cho đàn bò của gia đình bị ngập nước, chết trắng, trong khi đó mỗi ngày đàn bò tiêu tốn khoảng 4-5 tạ cỏ tươi. Gia đình đang phải dùng tới lượng rơm khô dự trữ cho bò ăn để giảm bớt áp lực thức ăn xanh. Tuy nhiên, với sức ăn 4-5 cuộn rơm/ngày (giá mỗi cuộn 40.000 đồng) việc duy trì trong thời gian dài là vấn đề rất nan giải.

“Chẳng phải mình nhà tớ đâu, nhiều hộ có cỏ chết đều phải xoay đủ cách để duy trì. Đi khắp làng trên xóm dưới hễ thấy nhà nào có dư là hỏi mua ngay. Đồng thời, tận dụng những thân chuối bị gãy đổ còn tươi để làm thức ăn cho bò. Tuy nhiên, nếu không sớm có hạt giống để gieo lại các diện tích cỏ các hộ sẽ khó duy trì đàn được lâu”, ông Nhành đánh giá.

Đồng bộ nhiều giải pháp để sớm ổn định hoạt động chăn nuôi

Ông Hoàng Văn An, Phó Chi Cục trưởng Phụ trách Chi cục Thú y Hưng Yên cho biết: mưa lũ khiến môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, khả năng sinh trưởng, phát triển và sức đề kháng của vật nuôi bị giảm sút, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh, lây lan.

Bên cạnh đó, để nhanh chóng khôi phục sản xuất, nhu cầu con giống tái đàn của người dân tăng cao, đây là cơ hội cho những con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y trà trộn, làm tăng nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi…

Để nhanh chóng khôi phục sản xuất và chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi, xử lý môi trường sau mưa lũ, Chi cục Thú y tỉnh, các địa phương đang khẩn trương triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt II năm 2024 (từ 10/9-10/10) và triển khai hiệu quả công tác tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông để đảm bảo miễn dịch quần thể.

Chi cục Thú y Hưng Yên khuyến cáo người dân không nóng vội tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trung Quân.

Chi cục Thú y Hưng Yên khuyến cáo người dân không nóng vội tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, Chi cục đã cung ứng, phân bổ 21.000 lít hóa chất khử trùng, tiêu độc hỗ trợ các địa phương triển khai, thực hiện. Đến ngày 23/9, các địa phương đã triển khai phun được hơn 9.300 lít hóa chất khử trùng (đạt gần 45%).

Đồng thời, cung ứng, phân bổ hơn 27.000 liều vacxin tụ huyết trùng trâu, bò; hơn 241.000 liều vacxin dịch tả lợn, hơn 241.000 liều vacxin tụ huyêt trùng lợn để các địa phương thực hiện tiêm phòng. Đến ngày 23/9, các địa phương đã triển khai tiêm phòng được hơn 7.000 liều vacxin tụ huyết trùng trâu, bò;  hơn 61.000 liều vacxin dịch tả lợn, hơn 61.000 liều vacxin tụ huyết trùng lợn.

Ông Hoàng Văn An cũng lưu ý, người chăn nuôi khi tái đàn cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định. Không nóng vội tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Trồng bưởi đạt chuẩn GlobalGAP, ong mật dập dìu về làm tổ

BÌNH PHƯỚC Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, những vườn bưởi của HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp thu hút rất nhiều ong mật về làm tổ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.