Những ngày này, anh Nguyễn Xuân Trường, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng đang tích cực chuẩn bị thức ăn bổ sung cho đàn bò đang trong giai đoạn vỗ béo. Do ảnh hưởng của mưa bão từ cơn bão số 3, 30 con bò trong trại không được đảm bảo dinh dưỡng trong khoảng một tuần. Dù đã chuẩn bị cả thức ăn xanh lẫn cỏ ủ, anh Trường cũng khó bề xoay sở khi tỉnh Bắc Giang mất điện trên diện rộng.
“Có cảm giác đàn bò bị stress, tốc độ tăng trưởng chậm lại”, người chăn nuôi tại thôn Ngọc Sơn nhận xét. Anh cũng cho biết thêm, rằng thời gian nuôi vỗ béo của lứa này nhiều khả năng kéo dài thêm so với 3-4 tháng thông thường.
Hai tuần tính từ lúc bão số 3 đổ bộ đất liền, trang trại của anh Trường cơ bản ổn định. Chuồng được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, đồng thời được tiêu độc khử trùng cẩn thận. Xung quanh khu chuồng nuôi, anh Trường còn rắc thêm vôi bột.
Cách trang trại của anh Trường không xa, anh Kim Văn Dự, xã Đức Giang cũng đang tích cực sửa chữa một số thiết bị liên quan đến điện bị hư hỏng do ngập nước. Theo lời anh, nhờ được chính quyền và cơ quan chuyên môn hướng dẫn sớm, đầy đủ nên trang trại hơn 200 bò thịt của anh đã chủ động các phương án ứng phó. Tổn thất do bão số 3 gây ra chủ yếu là cơ sở vật chất.
Vấn đề lo ngại nhất của cán bộ kỹ thuật này hiện nay là một số cá thể trâu, bò trong đàn bị ốm do chúng nằm ở khu chuồng bị ngập. Đây là khu vực mà hệ thống xử lý chất thải bị trục trặc do mất điện, nên nền chuồng không được rửa, lau dọn thường xuyên.
“Sau thiên tai thường đến dịch bệnh. Cơ sở của tôi sẽ tập trung tiêm nhắc lại vacxin cho toàn đàn, chẳng hạn như vacxin phòng bệnh tụ huyết trùng. Ngoài ra, khẩu phần ăn hàng ngày sẽ được bổ sung axit amin, khoáng chất, cùng một số loại vitamin để đàn trâu, bò tăng sức đề kháng”, anh Dự chia sẻ.
Thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT Bắc Giang, đợt mưa lũ vừa qua toàn tỉnh có khoảng 170.000 gia cầm, hàng chục gia súc bị thiệt hại. Sở đang tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với đàn vật nuôi.
Nhằm bảo đảm công tác tái đàn đạt hiệu quả cao, Sở NN-PTNT đề nghị người chăn nuôi chú trọng tiêm phòng vacxin và chủ động giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, kịp thời xử lý vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh...
Đặc biệt, người dân không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật mắc bệnh ra ngoài môi trường, đồng thời tuyệt đối không chăn thả ở những khu vực bị ô nhiễm.
Bà Lã Thị Chắt, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang lưu ý thêm, rằng người dân nên tập trung xử lý sớm xác động vật chết theo hướng chôn, đốt, hoặc xử lý nhiệt để diệt triệt để mầm bệnh. Khi rửa chuồng, cần sử dụng các chất sát trùng có hoạt phổ rộng.
“Nếu cần thiết, bà con có thể để trống chuồng một thời gian, nhất là với nhóm gia súc lớn. Ngoài ra, cần tăng cường sử dụng thức ăn xanh và cần tránh những thức ăn được lấy từ vùng vừa bị ngập nước. Để bổ sung dinh dưỡng, người dân nên tăng cường sử dụng tinh bột như thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, ngô nghiền, thóc nghiền cho đàn vật nuôi”, bà Chắt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Chắt khuyến cáo người dân nên có chế độ chăm sóc đặc biệt như bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng nhằm tăng cường quá trình hồi phục đối với những gia súc già yếu, con non. Người dân thực hiện tái đàn trên nguyên tắc bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, không tái đàn khi chuồng trại, khu vực chăn nuôi chưa bảo đảm các điều kiện trên.