| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tập trung ở Hà Tĩnh: Không để hình thành điểm nóng

Thứ Ba 12/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

3 - 4 năm trở lại đây ngành chức năng Hà Tĩnh liên tục phát hiện nhiều cơ sở chăn nuôi lợn vi phạm pháp luật về môi trường, gây bức xúc cho người dân.

Nhan nhản vi phạm

Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Trước đây - giai đoạn đầu thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại bằng nhiều chính sách hỗ trợ.  

Nhìn nhận mặt tích cực, việc phát triển chăn nuôi trang trại đã giảm thiểu được ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, tăng GDP ngành chăn nuôi nói chung. Tuy nhiên, không ít cơ sở vì nguồn lực đầu tư hạn chế, ý thức của chủ trại trong xây dựng công trình bảo vệ môi trường chưa đến nơi đến chốn dẫn đến môi trường sống bị “đầu độc”, người dân bức xúc.

Thực trạng trang trại lợn xả thải trực tiếp ra môi trường xảy ra nhiều ở các huyện Kỳ Anh, Vũ Quang, Hương Sơn, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Lộc Hà. Ảnh: Thanh Nga.

Thực trạng trang trại lợn xả thải trực tiếp ra môi trường xảy ra nhiều ở các huyện Kỳ Anh, Vũ Quang, Hương Sơn, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Lộc Hà. Ảnh: Thanh Nga.

Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết không cấp phép xây dựng trang trại ở những nơi không đủ điều kiện, đầu nguồn nước, gần khu dân cư. Đặc biệt, yêu cầu các sở ngành, địa phương xử phạt “mạnh tay” với các hành vi vi phạm Luật bảo vệ môi trường.

Vào tháng 8/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định xử phạt trang trại chăn nuôi lợn của ông Phan Công Vũ, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh gần 285 triệu đồng vì không có giấy phép môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước mặt vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật 10 lần trở lên.

Bài liên quan

Trước đó, hàng trăm người dân ở thôn Đông Xuân, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh gửi đơn thư, cầu cứu trong các cuộc tiếp xúc cử tri về việc trang trại nuôi lợn của Hợp tác xã Hoàng Phát trên địa bàn liên tục xả thải, gây ô nhiễm. Cơ sở chăn nuôi tập trung này đi vào hoạt động từ năm 2014, quy mô 1.200 con lợn thịt và 250 con lợn nái.

Người dân địa phương cho biết, trại lợn này chưa đầy đủ các thủ tục, không thực hiện theo đúng các cam kết về bảo vệ môi trường và thường xuyên xả thải vào suối Cơn Chay làm nguồn nước ô nhiễm. Mùi hôi thối từ trang trại cũng khiến cuộc sống người dân đảo lộn.

Đặc biệt, trong quá trình cải trạo trang trại, chủ cơ sở là ông Phan Công Vũ đã làm bờ bao bị vỡ khiến một lượng nước bùn trong ao chứa chất thải chảy ra suối, gây cá chết hàng loạt. Người dân sinh sống xung quanh đã không chịu đựng được nên đã tập trung số đông, căng băng rôn phản đối để yêu cầu địa phương phải quyết liệt vào cuộc. Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngành chức năng của huyện Kỳ Anh lập đoàn liên ngành kiểm tra các thủ tục về sử dụng đất, bảo đảm vệ sinh môi trường của trang trại lợn.

Theo báo cáo của địa phương, quá trình kiểm tra đã phát hiện trang trại này có nhiều vi phạm về bảo vệ môi trường. Cụ thể, cơ sở này không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; chủ cơ sở chưa xây lắp công trình xử lý mùi hôi theo bản cam kết bảo vệ môi trường đã đăng ký với UBND huyện Kỳ Anh và gây ô nhiễm nguồn nước mặt đối với hàm lượng chất gây ô nhiễm có thông số vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật 10 lần trở lên.

Với những sai phạm này, ngoài bị xử phạt hành chính, trang trại chăn nuôi này còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong 60 ngày.

Mới đây nhất, trung tuần tháng 9/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục “mạnh tay” xử phạt đối với trang trại chăn nuôi tổng hợp tại vùng đập Cây Rễ, xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh do ông Trần Hữu Cần, trú tại phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Nhiều cơ sở không đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo đúng đánh giá tác động môi trường được duyệt. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều cơ sở không đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo đúng đánh giá tác động môi trường được duyệt. Ảnh: Thanh Nga.

Cơ sở này bị xử phạt số tiền 237,5 triệu đồng vì hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trên 10 lần.

Trước đó, kiểm tra thực địa, lực lượng chức năng phát hiện trang trại hộ ông Cần có nhiều hành vi vi phạm như: Lắp đặt đường ống nhựa PVC để thải chất thải chăn nuôi có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường và xử lý xác lợn con thải loại không đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường.

Cụ thể, tổng Coliform vượt 163,33 lần; tổng N vượt 23,73 lần; nhu cầu oxy sinh học (BOD5) vượt 24,25 lần; nhu cầu oxy hoá học (COD) vượt 13,15 lần và tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 6,26 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi.

Chấn chỉnh hoạt động các cơ sở chăn nuôi lợn

Theo báo cáo rà soát do Công an tỉnh Hà Tĩnh thực hiện vào tháng 7/2024, hoạt động của các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung thời gian qua đã tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Song bên cạnh mặt tích cực, nhiều cơ sở đã vi phạm các quy định trong hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự.

Các cơ sở này tập trung chủ yếu ở các huyện: Kỳ Anh, Vũ Quang, Hương Sơn, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Lộc Hà. Để kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động của các trang trại chăn nuôi lợn, không để hình thành “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn, ngày 6/8/2024, Sở NN-PTNN đã tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ngành chức năng; UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước, rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Người dân Kỳ Anh bức xúc tập trung tại khu vực trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Nga.

Người dân Kỳ Anh bức xúc tập trung tại khu vực trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Nga.

Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm về môi trường tại các trang trại chăn nuôi lợn. Đồng thời, tổ chức rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi. Hướng dẫn các cơ sở thực hiện đầy đủ hồ sơ, pháp lý và xây dựng hoàn thành các công trình xử lý chất thải đảm bảo đạt chuẩn; thực hiện cấp giấy phép môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi thuộc thẩm quyền, chỉ đạo, hướng dẫn việc đăng ký môi trường theo phân công, phân cấp. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi vi phạm.

Công ty CP Đầu tư phát triển Công thương miền Trung tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, bị xử phạt 71 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Nghĩa, chủ trang trại chăn nuôi giống lợn thương phẩm tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân bị xử phạt 50 triệu; các ông Lê Mạnh Hùng, chủ trang trại chăn nuôi lợn thịt tại xã Hương Trà, huyện Hương Khê và ông Nguyễn Hải Triều, chủ trang trại chăn nuôi lợn xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn bị xử phạt với số tiền 35 triệu đồng/cơ sở.

Đơn vị bị xử phạt số tiền lớn nhất đến nay là dự án Trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà tại xã An Dũng, huyện Đức Thọ của Công ty TNHH Khánh Giang với số tiền 1,25 tỷ đồng do có hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.