Ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có những bước chuyển mình ấn tượng, đóng góp rất lớn vào GDP chung toàn ngành. Tuy vậy, hiện nay ngành này vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, đặc biệt là an toàn thực phẩm.
60% tổng đàn gia cầm của nước ta là từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khi an toàn sinh học ở các hộ chăn nuôi vẫn chưa được thực hiện tốt, tỷ lệ tiêm phòng thấp, việc quản lý, chăm sóc không đầy đủ khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm, dịch bệnh luôn tiềm ẩn.
Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến kháng kháng sinh
Phải tăng liều hay tăng số lần sử dụng thuốc để phòng trị bệnh cúm gia cầm tiềm ẩn nguy cơ tồn dư thuốc, đặc biệt là kháng sinh trong thực phẩm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vật nuôi mà còn nguy hại đến sức khỏe con người khi tiêu thụ thực phẩm, sản phẩm vật nuôi. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.
Một hộ chăn nuôi tại xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cho biết, trước đây, tiền thuốc kháng sinh chỉ hết khoảng 6 – 7 triệu/1.000 con gà nhưng đến bây giờ tiền thuốc kháng sinh dao động từ 10-12 triệu đồng. Chi phí cho thuốc phòng, điều trị bệnh tăng lên nhưng hiệu quả lại không cao như trước, do đó, phải dùng liều nặng hơn.
Theo ý kiến của Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, trong chăn nuôi gia cầm có rất nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác nhau. Hiện nay tại Việt Nam cơ bản có đầy đủ tất cả các loại vacxin. Đây là công cụ phòng bệnh rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Ở các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, điều kiện không đảm bảo, người chăn nuôi thường phải sử dụng kháng sinh trong quá trình chăm sóc vật nuôi, thậm chí là dùng để phòng bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.
Theo Cục Giám sát môi trường của Mỹ, trong chăn nuôi hay trồng trọt phải tuân thủ ba trục gồm: một là "sức khỏe, đất và môi trường"; hai là "nước, sức khỏe, cây trồng"; ba là "vật nuôi, sức khỏe, con người". Các quốc gia hành động xoay quanh các trục này.
Ở Việt Nam, có rất nhiều thành tựu về vacxin trong lĩnh vực thú y cũng như y học, nhưng chúng ta phải làm sao áp dụng được nó trong việc đảm bảo chăn nuôi an toàn sức khỏe con người.
Nhà báo Trịnh Bá Ninh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận định, nhiều hộ chăn nuôi cho rằng sử dụng kháng sinh của người cho vật nuôi hiệu quả cao hơn sử dụng kháng sinh thú y cho vật nuôi. Do đó, có hiện tượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường ra nhà thuốc mua kháng sinh để cho đàn gà có triệu chứng mắc bệnh uống, thay vì ra các đại lý thuốc thú y. Thói quen này dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh và để khống chế được vấn đề này là bài toán cực kỳ khó khăn.
‘Một sức khỏe’ là phương pháp chăn nuôi an toàn, hiệu quả
Theo kết quả nghiên cứu bước đầu của 1 dự án về sức khoẻ gia cầm, kháng sinh được phát hiện trong 82% mẫu thịt gà. Tỉ lệ thịt gà có dư lượng kháng sinh bằng hay vượt ngưỡng cho phép chiếm từ 7% đến 19%. Và trong 9 loại kháng sinh được phát hiện trong thịt gà có một loại kháng sinh nằm trong nhóm B. Đây là nhóm kháng sinh đặc biệt quan trọng nên hạn chế sử dụng cho động vật (theo xếp loại của Tổ chức Y tế thế giới). Qua đó cho thấy, nếu lạm dụng kháng sinh trong quá trình chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm vật nuôi tồn dư kháng sinh và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Hiện nay, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nước ta đang được đánh giá là có tốc độ phát triển khá nhanh trong toàn bộ cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất.
Từ thực tế đó, việc chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tiếp cận Một sức khỏe trong toàn bộ các khâu từ sản xuất, vận chuyển và tiêu dùng sẽ là giải pháp tối ưu giúp con người, động vật, môi trường, nền kinh tế và cả hệ sinh thái đều khỏe mạnh.