| Hotline: 0983.970.780

Chất thải của Formosa chôn lấp trong rừng không nguy hại!?

Thứ Tư 13/07/2016 , 09:43 (GMT+7)

Tối ngày 12/7 trả lời báo chí ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Cty CP tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Cty môi trường Kỳ Anh) một mực khẳng định “chất thải chôn lấp không nguy hại”.

Mặc dù kết quả phân tích chất thải của Formosa chôn lấp tại khu vực phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chưa có. Tuy nhiên, tối ngày 12/7 trả lời báo chí ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Cty CP tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Cty môi trường Kỳ Anh) một mực khẳng định “chất thải chôn lấp không nguy hại”.

Mập mờ chủ đất?

Để rộng đường dư luận, tối muộn ngày 12/7, PV NNVN đã có buổi làm việc với ông Lê Quang Hòa. Tại đây, trả lời báo chí về thông tin, khu vực đất chôn lấp khoảng 100 tấn chất thải (10 xe tải) của Formosa thuộc quyền sở hữu của ai?, vị Giám đốc nói rằng: “Trước khu vực này (năm 2002) tôi làm trang trại nuôi ba ba, đến năm 2008 tôi chuyển nhượng cho anh trai Lê Thanh Hải, trú phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh. Hiện đất này không thuộc quyền quản lý của tôi nữa”.

Ông Hòa cho cho biết, việc chuyển nhượng có văn bản. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận văn bản chuyển nhượng ông Hòa bảo sẽ cho anh em chuẩn bị, gửi các nhà báo sau.

Trái ngược với trả lời của ông Hòa, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng TN-MT lại khẳng định: Đó là trang trại của ông Hòa, GĐ Cty môi trường Kỳ Anh, chứ không phải là của anh Hải. Ông Hùng cũng cho biết, các cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ Cty môi trường Kỳ Anh thì phát hiện không có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp.

09-26-56_2
09-26-56_3
Vụ việc Cty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh chôn chất thải rắn của Formosa đang khiến dư luận hết sức bức xúc

 

“Sở TN-MT đã ban hành danh mục các đơn vị được xử lý chất thải công nghiệp, không có Cty này. Và việc ông Hoà phát ngôn rằng không nguy hại nên cho sử dụng chôn lấp để trồng cây là không đúng. Các chất thải này phải được xử lý theo quy định, Cty ông Hoà không có chức năng vận chuyển, xử lý, nên việc có chôn lấp tại bãi xử lý của Cty cũng không được”, ông Hùng nói...

Chất thải Formosa để trồng cỏ, trồng chuối

Liên quan đến việc chất thải chôn lấp tại phường Kỳ Trinh nguy hại hay không nguy hại?, ông Lê Quang Hòa phân trần, Cty chỉ ký hợp đồng vận chuyển, xử lý bùn thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp không nguy hại. Trước đó, Formosa đã mời Sở TN-MT vào lấy mẫu gửi cơ quan chức năng kiểm tra xem có phải chất thải nguy hại không, sau đó cơ quan chức năng có kết quả trả lời tại văn bản 07/CCMT-KSON, ngày 18/1/2016 của Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Tĩnh).

09-26-56_9
Cơ quan chức năng Hà Tĩnh làm việc với Formosa chiều 12/7

 

09-26-56_4
Các cơ quan chức năng vào hiện trường khu vực trang trại chôn chất thải điều tra vụ việc

 

Theo đó, văn bản này thông báo kết quả phân tích 2 mẫu bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp có giá trị thấp hơn và nằm trong ngưỡng chất thải nguy hại tính theo hàm lượng tuyệt đối cơ sở, H (ppm) quy định tại QCVN 50:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước.

2 mẫu bùn than lò cốc và tro than cốc tại xưởng luyện cốc của Formosa đều có giá trị thấp hơn và nằm trong ngưỡng chất thải nguy hại tính theo hàm lượng tuyệt đối cơ sở, H (ppm) quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại. Có nghĩa 4 mẫu chất thải rắn trên là chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Tuy nhiên, vấn đề dư luận đặt ra hiện nay là khoảng 100 tấn chất thải mà Cty Môi trường Kỳ Anh chôn khu vực phường Kỳ Trinh liệu có phải là “bùn ép” đã được kiểm nghiệm hay là các chất thải độc hại khác của Formosa?!.

09-26-56_7
Khu vực xử lý chôn lấp xã Kỳ Tân

 

Ông Hòa lý giải tiếp, đáng lẽ chất thải trên phải được Cty chở về để xử lý nhưng một trang trại có nhu cầu xin để trồng cỏ, trồng chuối chăn nuôi nên Cty cho trang trại này chứ không phải cố ý đưa lên chôn lấp. Ông này còn đưa ra dẫn chứng: “Một số địa phương như Bình Dương, các tỉnh miền Nam họ xin cái này (bùn sinh hoạt) làm phân bón để trồng cao su (!)”.

Vậy hợp đồng Cty ký với Formosa có điều khoản chất thải được phép cho người dân hay không?, ông Hòa nói: “Trong hợp đồng không có, cái này phát sinh đổ đó là để trồng cây. Theo quy định chất thải này chở về khu xử lý ở xã Kỳ Tân để chôn lấp bằng lót vải địa và hóa chất”.

PV một tờ báo đặt câu hỏi: Trong trường hợp chất thải của Formosa nguy hại thì phía Cty có tính đến việc khởi kiện Formosa hay không?, ông Hòa trả lời: Cái này tạm thời tôi chưa trả lời vì Cty ký với Formosa trên cơ sở chất thải không nguy hại.

09-26-56_8
Tiếp tục lấy mẫu bùn thải công nghiệp trong Formosa để làm đối chứng

 

Về giá trị hợp đồng ký với Formosa, ông Hòa cho hay, mỗi kg chất thải tính bằng 800 đồng và từ khi ký hợp đồng đến nay Cty chưa thu đồng nào của Formosa.

Được biết, hợp đồng Cty môi trường Kỳ Anh ký với Formosa có hiệu lực từ tháng 4/2016 và 100 tấn chất thải trên được chở lên phường Kỳ Trinh từ tháng 5/2016.

09-26-56_6
Vụ việc thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan báo chí

Ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thông tin: Trong cuộc họp chiều nay giữa cơ quan chức năng Hà Tĩnh với phía Formosa, bước đầu nghe báo cáo của các đơn vị liên quan cho thấy, hợp đồng Formosa ký với Cty môi trường Kỳ Anh bắt đầu từ tháng 4/2016 đến nay...

“Có thể bùn thải công nghiệp thông thường và bùn thải sinh hoạt mức độ nguy hại không cao nhưng đều phải được đưa về xử lý tại khu vực đã được quy hoạch. Đơn vị xử lý chất thải này phải đủ điều kiện mới được hoạt động. Quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh là phải làm rõ ràng vấn đề sớm”, ông Thắng nhấn mạnh.

 

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.