| Hotline: 0983.970.780

Chặt tỉa củ treo, cây già cỗi để tăng năng suất măng tre Bát Độ

Thứ Năm 14/12/2023 , 10:44 (GMT+7)

YÊN BÁI Việc chú trọng chặt tỉa củ treo, củ nổi, lựa chọn cây mẹ, bón phân... sẽ giúp cho măng tre Bát Độ sinh trưởng tốt, măng ra sớm hơn, tăng năng xuất, chất lượng.

Tre măng Bát Độ được đưa vào trồng ở huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) từ năm 2003, đến nay đã trở thành cây chủ lực giúp làm giàu cho hàng nghìn hộ dân ở các xã vùng cao, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trấn Yên như các xã Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh…

Tổng diện tích tre măng Bát Độ toàn huyện hiện có hơn 4.200ha, sản lượng măng thương phẩm thu hoạch hàng năm đạt trên 30.000 tấn, giá trị thu nhập gần 200 tỷ đồng.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân chăm sóc vườn tre măng Bát Độ. Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân chăm sóc vườn tre măng Bát Độ. Ảnh: Thanh Tiến.

Tuy nhiên hiện nay, năng suất, sản lượng măng chưa đạt được so với tiềm năng. Nguyên nhân bởi nhiều diện tích người dân chỉ khai thác mà không đầu tư thâm canh, diện tích được bón phân hàng năm không đáng kể. Đặc biệt, việc khai thác măng và chăm sóc, dọn tỉa vệ sinh vườn tre chưa áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật nên năng suất ở những diện tích trồng lâu năm đang có chiều hướng giảm dần.

Bà Trần Thị Hoàn Liên – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết, thời gian qua, huyện luôn quan tâm mở rộng diện tích tre măng Bát Độ ở các xã có nhiều đất lâm nghiệp; đồng thời chú trọng thâm canh, chăm sóc và cải tạo những diện tích tre già cỗi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có hàng nghìn ha chưa được thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật, tình trạng để nhiều cây mẹ, củ treo, củ nổi khiến khóm tre không còn khoảng trống để sinh măng mới.

Nhiều diện tích tre bà con để nhiều cây mẹ già cỗi làm ảnh hưởng đến năng suất măng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều diện tích tre bà con để nhiều cây mẹ già cỗi làm ảnh hưởng đến năng suất măng. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc chặt tỉa tay tre, vệ sinh khóm tre cũng bị hạn chế, các hộ dân chưa làm tốt khâu vệ sinh, làm cỏ nên năng suất măng không cao. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân không bón phân cho tre dẫn tới tình trạng măng nhỏ, mỏng, làm giảm năng suất và chất lượng.

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tre măng Bát Độ, tiếp tục duy trì ổn định, bền vững vùng nguyên liệu, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên đã phối hợp với các địa phương tập trung hướng dẫn kỹ thuật, vận động bà con chú trọng thâm canh chăm sóc vườn tre.

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, các hộ dân được cán bộ khuyến nông hướng dẫn trực tiếp cách chăm sóc, chặt tỉa củ treo, củ nổi, kỹ thuật lựa chọn cây mẹ, bón phân, thu hoạch.

Cán bộ khuyến nông vừa làm vừa hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ khuyến nông vừa làm vừa hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Sổng A Sông ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca chia sẻ, gia đình anh có hơn 2ha tre Bát Độ được trồng từ năm 2012, mỗi năm thu được khoảng 50 triệu đồng, 2 năm gần đây giá măng thương phẩm tăng cao nên thu được gần 100 triệu đồng. Toàn bộ diện tích này cứ thu hoạch xong lại bỏ không để chờ mùa vụ sau chứ không chăm sóc chặt tỉa, bón phân. Vì vậy có khóm tre mọc thành bụi dày đặc, sản lượng măng ít dần.

Năm 2023, anh được cán bộ khuyến nông xuống tận vườn tre huớng dẫn kỹ thuật dọn tỉa, chặt bớt cây mẹ già cỗi, đào bỏ củ nổi và bón phân cho khóm tre. Gia đình anh Sông đã huy động cả gia đình và đổi công với hàng xóm để vệ sinh, chăm sóc vườn tre.

Việc chăm sóc, dọn tỉa và bón phân sẽ giúp cho năng suất măng Bát Độ tăng cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc chăm sóc, dọn tỉa và bón phân sẽ giúp cho năng suất măng Bát Độ tăng cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Chị Phạm Thị Đông ở thôn Phương Đạo, xã Lương Thịnh có hơn 1ha tre Bát Độ được trồng từ năm 2015. Vườn tre là nguồn thu nhập ổn định hàng năm của gia đình chị nhờ thường xuyên áp dụng các biện pháp thâm canh, chăm sóc.

Theo chị Đông, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình chị tập trung nhân lực lên đồi vệ sinh, chặt tỉa cây mẹ, làm cỏ, bón phân nên khóm tre phát triển tốt, cho măng ổn định và rất thuận tiện trong vụ thu hoạch. Mỗi năm gia đình chị Đông thu được hơn 10 tấn măng tươi, giá bán 6.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 60 triệu đồng.

Theo đánh giá của các xã vùng trọng điểm trồng tre Bát Độ ở huyện Trấn Yên, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh tre đã có tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng măng như: Tre sinh trưởng tốt, măng ra sớm hơn, tăng số lượng măng/khóm, tăng số lứa thu hoạch trong năm, hạn chế sâu bệnh… Do đó, song song với việc mở rộng diện tích, bà con cần quan tâm chăm sóc, cải tạo, thâm canh những diện tích hiện có để có nguồn thu nhập ổn định và lâu dài.

Bên cạnh phát triển mở rộng diện tích, huyện Trấn Yên quan tâm vận động người dân thâm canh chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm măng tre Bát Độ. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh phát triển mở rộng diện tích, huyện Trấn Yên quan tâm vận động người dân thâm canh chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm măng tre Bát Độ. Ảnh: Thanh Tiến.

Mỗi ha măng Bát Độ người dân có thu nhập trên 50 triệu đồng, thâm canh cao có thể đạt 70 – 80 triệu đồng. Cây tre còn cho thu nhập từ lá, cành và thân để làm đồ mỹ nghệ, phục vụ nguyên liệu cho ngành giấy và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.