| Hotline: 0983.970.780

Chật vật giữ nghề biển trăm tuổi và điều ước bao giờ 'đến ngày xưa'

Thứ Ba 21/11/2017 , 15:16 (GMT+7)

Khó có thể tin là cư dân sống trên hòn đảo tiền tiêu, ngó ra ngó vào đều thấy biển, ngó trước ngó sau cũng thấy biển, vậy mà người dân ở đây lại không sống được với nghề biển. 

Sự thật này đang làm đau lòng những ngư dân ở xã đảo Nhơn Châu, nơi còn có tên gọi khác là đảo Cù Lao Xanh thuộc TP Quy Nhơn (Bình Định).
 

Lộc biển còn đâu?

Đi dọc bãi biển Cù Lao Xanh có hình cong như nét mày thiếu nữ, dưới bóng hàng dừa mọc san sát, hình ảnh những chiếc thuyền nan nằm úp sấp giương những đôi mắt ngơ ngác nhìn ra biển, trên lưng đội những tàu dừa khô trông rất lạ lẫm. Hỏi thăm thì biết, đó là những chiếc thuyền chuyên hành nghề lưới đăng cá thu mà chỉ có ở làng chài Cù Lao Xanh, chúng đang “ngủ đông” vì đã qua mùa đánh bắt.

09-34-19_1
Những chiếc thuyền chuyên hành nghề lưới đăng cá thu đang “ngủ đông” trên bãi cát Cù Lao Xanh

Ngư dân Trần Ở, theo cha đi biển từ năm 15 tuổi nên năm nay mới 55 tuổi mà ông Ở đã có đến 40 năm làm nghề lưới đăng.

“So với các bậc cao niên trên đảo, tuổi của tôi thuộc hàng hậu bối nhưng tính tuổi trong nghề lưới đăng thì tôi là 1 trong những người có thâm niên bậc nhất không chỉ ở thôn Trung mà còn cả ở Cù Lao Xanh này”, vừa dắt tôi đi dạo dọc bãi cát, ngư dân Trần Ở vừa trò chuyện.

Ông Ở nhớ lại: Từ xa xưa, người dân ở đảo Cù Lao Xanh có miếng cơm manh áo là nhờ vào những chiếc thuyền nan và nghề lưới đăng cá thu. Thương người dân trên đảo quanh năm vật lộn với khốn khó, biển ban cho cái “lộc” là hàng năm, từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 4 âm lịch, từng đàn cá thu di trú từ ngoài khơi kéo về quần tụ ở khu gành đá phía trước đảo.

Vậy là nghề lưới đăng cá thu ra đời. Lưới đăng ở Cù Lao Xanh không như lưới đăng ở các làng chài khác, lưới ở đây mắt thưa, độ vây bọc rộng, viền lưới được gắn hàng trăm cục đá nhằm tạo sức nặng, để khi bủa đá kéo lưới xuống sát đáy biển. Thuyền hành nghề lưới đăng là thuyền nan, không gắn động cơ, mỗi khi ra biển ngư dân phải chèo. Chẳng tốn công sức gì mấy, vì ngư trường đánh bắt cá thu của nghề lưới đăng ở trong lộng, cách bờ chỉ vài ba trăm mét.

Nghề lưới đăng cá thu thường đi thành từng cặp thuyền, 1 thuyền tới và 1 thuyền lui, đó là cách gọi của dân đảo để phân biệt nhiệm vụ của mỗi chiếc thuyền khi hoạt động. Mỗi cặp thuyền đi bình quân 15 - 16 bạn thuyền. Khi bủa lưới, thuyền tới chạy hình vòng cung, ngư dân thả từng cục đá xuống để lưới dựng thành tường dưới đáy biển đón cá. Thuyền tới bủa lưới thành hình vòng cung, còn chừa lại một khoảng trống dưới đáy biển làm cửa cho cá đi vào. Thuyền lui chở theo giàn lưới nhỏ hơn, gọi là lưới bửng.

Trong đội thuyền có một ngư dân đảm nhận nhiệm vụ dò cá, nằm xoải người trên phao, mang kính lặn, thường xuyên “cắm” mặt xuống biển để theo dõi đàn cá. Khi thấy cá đã vào đầy lưới, người dò cá ngước lên hô to “khép cửa”, ngay lập tức những ngư dân trên thuyền lui kéo tấm lưới bửng “đóng” kín khoảng trống. Cùng lúc, ngư dân trên thuyền tới bắt dây, cho thuyền vừa chạy vừa tóm giàn lưới lại, sau đó “nhổ” (kéo) lưới lên thu hoạch cá.

09-34-19_2
Bãi biển Cù Lao Xanh rộn rã mỗi chiều chuẩn bị cho những chiếc thuyền đánh bắt gần bờ xuất bến

“Hồi xưa, khi lực lượng tàu cá đánh bắt xa bờ còn ít, nguồn lợi thủy sản còn phong phú, hàng năm cá thu vào gành Cù Lao Xanh còn nhiều nên ngư dân trên đảo làm ăn khấm khá lắm. Mỗi đêm bủa lưới từ 4 giờ chiều đến 4 giờ sáng mỗi đôi thuyền kiếm ít nhất 2 - 3 lằm (mỗi lằm là 100 con cá), khá hơn thì 6 - 7 lằm, gặp lúc cá nhiều kiếm cả thiên (1.000 con cá). Cá khi ấy cũng khá to, 3 - 4 kg/con, nếu bán giá bây giờ kiếm vài ba trăm triệu bạc như chơi”, ngư dân Trần Ở nhớ lại.

Bây giờ chuyện ấy đã là “chuyện đời xưa”! Hiện ngư dân trên đảo Cù Lao Xanh vẫn giữ nghề lưới đăng cá thu nhưng còn rất ít. Nghề thì còn đó nhưng cá ngày càng vắng đi nên để kiếm được miếng ăn ngư dân phải chật vật lắm.
 

Giữ nghề truyền thống

Cù Lao Xanh hiện có gần 500 hộ dân, gần 2.000 nhân khẩu, 70 - 80% dân số trên đảo sống tựa vào nghề biển. Vậy mà theo ông Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội ngư dân, hiện toàn đảo Cù Lao Xanh chỉ có 56 phương tiện có công suất kha khá có thể đi đánh bắt xa bờ và 5 cặp thuyền nan chuyên hành nghề lưới đăng cá thu cùng một số phương tiện chuyên đánh bắt cá nhỏ gần bờ. Sản lượng đánh bắt của những tàu xa bờ cũng rất “hẻo”, năm nào cao nhất cũng chưa đạt tới 1.000 tấn, có năm 3 - 4 trăm tấn. Nghề đánh bắt gần bờ còn thảm hơn, làm chủ yếu để kiếm ngày công.

Ngư dân Trần Ở tâm sự: “Nghề lưới đăng cá thu có mặt trên đảo Cù Lao Xanh từ khi các bậc tiên tổ trôi dạt vào đây sinh sống, cha truyền con nối, từ đó đến nay đã có đến vài trăm năm. Do đó, tuy hiện nay làm nghề không còn ăn uống gì, nhưng một số ngư dân trên đảo vẫn cố gắng bó với những chiếc thuyền nan, với tấm lưới cũ kỹ để giữ nghề như giữ của gia bảo tổ tiên để lại”.

Trước đây, khi những đàn cá thu xanh mướt chưa thật sự xa lánh các gành đá phía trước đảo Cù lao Xanh thì trên đảo còn được 10 cặp thuyền lưới đăng hoạt động theo kiểu “công-xi”, nghĩa là nhiều người hùn lại làm ăn chia. Bây giờ, khi đàn cá vắng bóng, chỉ những người tâm đắc lắm mới còn giữ được nghề, chủ yếu là trong họ hàng. Hiện ở Cù Lao Xanh có 2 sở thuyền làm nghề lưới đăng cá thu. Sở Hòn Khô có 2 cặp thuyền và sở Lăng Bà có 3 cặp.

09-34-19_3
Ngư dân Cù Lao Xanh lên đường mở chuyến biển đánh bắt cá trong lộng

Để sống được với nghề, 5 cặp thuyền lưới đăng cá thu hiện nay ở Cù Lao Xanh phải chia nhau chút “lộc biển” hiếm hoi. Tuy “bất thành văn”, nhưng lịch đánh bắt của các cặp thuyền lưới đăng ở đây được ngư dân rất tuân thủ.

“Riêng sở Hòn Khô có 2 cặp thuyền thì 1 cặp được đánh bắt suốt mùa từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 4 âm lịch hàng năm tại vùng biển sâu, 1 cặp đánh theo “lịch” của sở Lăng Bà, là mỗi cặp thuyền luân phiên nhau 5 ngày đánh 1 chuyến biển cho đến hết mùa. Nếu cả 5 cặp thuyền đánh bắt cùng lúc thì cá mắm đâu mà đánh. Vả lại, cá đã vắng mà đánh bắt ào ạt cá sẽ hoảng, đến mùa không kéo về nữa thì những người làm nghề chỉ có đói. Do vậy, dù chẳng có gì ràng buộc nhưng người làm nghề lưới đăng trên đảo đều một mực tuân thủ lệ làng”, ngư dân Trần Ở giải bày.

Do không còn làm theo kiểu “công-xi” nên hiện nay khi đến mùa đánh bắt, chủ các cặp thuyền lưới đăng phải thuê bạn thuyền đi làm trả công 150.000 đ/người/ngày. Mỗi cặp thuyền cần đến 15 - 16 bạn thuyền viên, nửa đi trên ghe lui, nửa đi trên ghe tới. Đánh bắt có hay không có cá, các bạn thuyền vẫn có tiền rủng rỉnh trong túi. Hôm nào đánh bắt được, 2 - 3 bạn thuyền được chủ ghe “tặng” 1 con cá thu, chặt ra chia đều mang về cho vợ con làm bữa; hôm trúng cá, chủ ghe hào phóng tặng mỗi người 1 - 2 con.

Trong 2 năm gần đây, không hiểu sao, đến mùa là cá thu kéo về nhiều hơn những năm trước, nụ cười xuất hiện trở lại trên gương mặt những ngư dân còn bám nghề. Ngư dân Trần Ở phấn khởi khoe: “Mùa cá năm nay, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 4 âm lịch, cặp thuyền của 3 cậu cháu tôi có tổng thu nhập được 90 triệu đồng. Có đêm đánh được đến 200 con, trọng lượng bình quân 2 kg/con, vị chi đạt sản lượng 400kg cá. Cá thu hiện được thu mua tại đảo giá 140.000 đ/kg, vậy là chuyến biển ấy cặp thuyền của ba cậu cháu tôi kiếm được đến 28 triệu đồng. Chuyến nào về thuyền trống thì cũng không sợ lỗ tổn, bởi chỉ cần đánh bắt được 10 - 15 con cá là kiếm đủ tiền trả công cho bạn thuyền”.

09-34-19_4
Ngư dân Cù Lao Xanh thu hoạch mớ cá nhỏ làm thức ăn chạy bữa hàng ngày

Hết mùa cá thu, những ghe lưới đăng lại chuyển nghề sang đánh lưới 2 làm cá cơm săn, cá nục, cá rựa, cá hố, cá ngân, cá liệt… ở vùng biển gần bờ. Đánh bắt các loại cá nói trên không phải tuân theo lệ làng nên rảnh đâu ngư dân làm đó. Tuy kiếm không được nhiều nhưng cũng đủ đắp đổi qua ngày.

“Mùa biển động thì nghề làm cá lộng lại đạt. Mới rồi, ghe của tôi đánh được 2 giác lưới các loại cá gần bờ, bán cũng kiếm được 1,5 triệu đồng, vợ con phấn khởi quá cỡ”, trước khi chia tay ngư dân Trần Ở chia sẻ niềm vui.

Xem thêm
Đại tướng Nguyễn Quyết qua đời ở tuổi 102

Đại tướng Nguyễn Quyết từ trần vào hồi 21 giờ 09 phút ngày 23/12 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

6 người thương vong do tự chế pháo

Ngày 24/12, Công an tỉnh Tây Ninh đã thông tin chính thức về vụ nổ khiến 6 người thương vong xảy ra tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên.