| Hotline: 0983.970.780

Những người không có tết:

Chật vật mưu sinh!

Thứ Hai 01/02/2021 , 10:28 (GMT+7)

Dịch Covid-19 đã khiến 1,3 triệu lao động mất việc, hơn 32 triệu lao động khác bị ảnh hưởng.

Ngược xuôi tìm việc

Tại TP.HCM, hàng trăm ngàn công nhân mất việc vẫn cố gắng trụ lại, chờ cơ hội tìm được việc làm ở công ty cũ hay một công ty mới cần lao động. Họ phải xoay xở bằng đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống. Một số lượng lớn công nhân mất việc khác thì quyết định khăn gói rời thành phố. Họ về quê hoặc tìm đến một địa phương khác có mức sống thấp hơn như Bình Phước, Tây Ninh, hay lên tận Tây Nguyên để tìm việc làm.

Tháng 10/2020, trong chuyến công tác lên vùng biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, tôi tình cờ gặp chị Trần Minh Tuyết, 32 tuổi, quê Quảng Ngãi, nguyên là công nhân công ty Giày da Huê Phong, quận Gò Vấp, TP.HCM, bị công ty cắt giảm lao động từ tháng 6/2020, họ lên đây làm việc trong một cơ sở chế biến hạt điều. Chị Tuyết đang trông mấy đứa trẻ là con các công nhân trong nhóm, vì hôm nay người trông trẻ thuê có việc gia đình. 

Chị Trần Minh Tuyết đang trông mấy đứa trẻ con công nhân trong nhóm trong căn nhà gỗ tạm bợ. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Trần Minh Tuyết đang trông mấy đứa trẻ con công nhân trong nhóm trong căn nhà gỗ tạm bợ. Ảnh: Phúc Lập.

“Sau khi công ty cắt giảm lao động, tụi em cũng trụ lại TP được 2 tháng, nhưng tìm việc cả tháng trời không được. Không làm ra tiền, có ít tích trữ thì hao hụt mỗi ngày. Một bạn trong nhóm tụi em có người quen ở trên này, nó gọi nhờ tìm việc, nghe người bạn đang làm công nhân trong công ty chế biến hạt điều nói trên này cũng dễ tìm việc, nhưng lương không cao. Tụi em nghe vậy quyết định đi luôn. Giờ có việc làm là mừng rồi. Sau đó cả nhóm gần 2 chục đứa bắt xe lên Đồng Xoài, rồi chia nhỏ nhóm qua Bình Long, Lộc Ninh. Nhóm tụi em 6 đứa, lên Bù Gia Mập làm điều, nhưng chỉ có 3 đứa vào công ty, công việc tương đối chuyên nghiệp, còn 3 đứa vào cơ sở nhỏ làm thủ công, lương thấp. Nhưng dù sao cũng có đồng ra đồng vào. Với lại ở đây thực phẩm rẻ hơn TP nhiều, lại không tốn tiền thuê nhà, nên cũng dễ sống”, chị Tuyết nói.

Tôi hỏi “Đi vậy chồng con thì sao?”. Tuyết đáp: “Nhóm lên Bình Phước tụi em có mấy cặp vợ chồng. Còn lại đứa độc thân, có đứa ly dị. Vợ chồng em có 2 cháu, cháu lớn học lớp 4 ngoài quê, đứa nhỏ mới 5 tuổi, tụi em dẫn theo luôn”. “Thế thu nhập khá không?”. Chị Tuyết: “Mới vào là lương có 3 triệu thôi anh ạ. 2 vợ chồng cũng được 6 triệu. Còn hơn ở Sài Gòn lang thang cả ngày chẳng có việc làm. Nhưng mà không tốn tiền phòng trọ, chỗ làm có mấy nhà bỏ trống, nó kém hơn phòng trọ ở Sài Gòn chút xíu, nhưng rộng rãi, thoáng mát”. Tôi thắc mắc: “Thế đi làm gửi con cho ai?”. Chị đáp: “Ban đầu em cũng lo chuyện đó, nhưng khi vào xin việc, cơ sở họ giới thiệu một gia đình người địa phương chuyên giữ trẻ con cho công nhân, tháng triệu rưỡi 1 trẻ. Ăn 1 bữa trưa. Em đến tham quan, thấy bà trông trẻ nhìn có vẻ phúc hậu, chất phác, nên cũng tạm thời yên tâm gửi cháu ở đây. Một thời gian nếu thấy không ổn thì tính tiếp”.

Chị Trần Thu Hà, công nhân Khu Chế xuất Linh Trung, TP.Thủ Đức cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp, nhưng vẫn phải vay nợ để đóng tiền học cho con. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Trần Thu Hà, công nhân Khu Chế xuất Linh Trung, TP.Thủ Đức cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp, nhưng vẫn phải vay nợ để đóng tiền học cho con. Ảnh: Phúc Lập.

Khi đó, một đồng nghiệp trong cơ sở chế biến hạt điều của chị Tuyết tên Thu, (46 tuổi, quê Phú Yên), cũng trong nhómcông nhân Huê Phong từ TP.HCM lên, kể: “Lúc công ty cắt giảm lao động, tôi nhờ người chở đi xin việc khắp nơi, cả tháng trời không có chỗ nào nhận. Cuối cùng tôi xin vào làm chân rửa chén trong quán phở. Làm quần quật từ sáng sớm đến khuya, mà tiền công mỗi ngày có 100 ngàn, làm ngày nào nhận lương ngày đó. Tôi vào Sài Gòn hơn 20 năm, làm qua nhiều công ty, cuộc sống tuy vất vả, không có dư, nhưng chưa bao giờ khổ như lúc này”.

Tôi hỏi, cuối năm có có tính về quê ăn tết rồi tìm việc ở quê không? Chị Thu cho biết: “Ở quê tôi chẳng còn ai, cha mẹ không còn, ruộng nương không có, về quê biết làm gì? Quê tôi ở ven biển, đàn ông đi biển, đánh bắt hải sản, phụ nữ chạy chợ. Tôi xưa giờ chỉ biết làm may, về quê nếu không chạy chợ được, biết làm gì?. Còn tết ư? Giờ tụi tôi chỉ mong có việc làm ổn định, chẳng ai quan tâm đến tết cả”.

Mới đây, khi viết loạt bài này, tôi gọi điện thoại hỏi thăm tình hình, chị Tuyết cho biết, mọi thứ khá ổn, lương đã tăng thêm một chút sau 2 tháng làm việc. “Mấy chị có định lập nghiệp ở Bình Phước luôn không?”, chị Tuyết ngập ngừng: “Thực ra, cuộc sống ở đây yên bình lắm, nếu chỉ có bản thân thì có lẽ ở luôn cũng được. Nhưng còn chuyện học hành, con cái. Nên tạm thời cứ ở đây, nếu tình hình ở TP ổn, công ty có việc, họ gọi thì quay lại”.

Xoay xở đủ nghề

Đến các khu vực gần khu công nghiệp như Linh Trung, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Chánh, rất dễ dàng tìm thấy những nhóm công nhân mất việc đang vất vưởng mưu sinh.

Từ nửa năm nay, anh Đỗ Văn Quang, 44 tuổi, công nhân một công ty ở Khu công ngiệp Tân Bình, TP.HCM, sau khi công ty cắt giảm lao động, anh rơi vào cảnh bế tắc ngày một trầm trọng hơn. Vợ chồng anh đều là công nhân, thu nhập mỗi tháng của cả 2 khoảng 15 triệu. Chi tiêu dè xẻn cũng đủ cho 2 vợ chồng, 2 con nhỏ. Nhưng từ hơn nửa năm nay, cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp, làm đủ thứ việc.

Hai nữ công nhân sau khi mất việc vì covid-19 đã hùn vốn mua giày dép về bày bán trên lề đường. Ảnh: Phúc Lập.

Hai nữ công nhân sau khi mất việc vì covid-19 đã hùn vốn mua giày dép về bày bán trên lề đường. Ảnh: Phúc Lập.

“Hai tháng đầu nghỉ việc, tôi đi khắp nơi tìm việc nhưng không được. Nghe bạn bè giới thiệu, tôi tìm đến một người môi giới việc làm ở Q.12, khi tôi đến đã thấy có cả hơn chục người ngồi đợi. Họ nói làm công nhân ở Bình Dương, có xe đưa đón. Mỗi người đóng 200 ngàn tiền phí môi giới. Đóng tiền xong về đợi họ gọi. Tôi về đợi hoài không thấy ai gọi. Gọi vào số máy người môi giới thì không có chuông. Lúc đó tôi biết là bị lừa, nên cũng chẳng buồn đến kiểm tra. Rồi "đói đầu gối phải bò", tôi đụng việc gì làm việc nấy, miễn kiếm được đồng tiền chân chính. Từ phụ hồ, khuân vác, chở thuê, chạy xe ôm, dọn nhà. Cố gắng lắm thì mỗi ngày cũng kiếm được trên dưới trăm ngàn.

Vợ tôi ũng mất việc, cô ấy mua rau củ quả mỗi loại một ít, chất trên 2 sọt đặt lên yên xe, bán rong. Được đâu tuần thì lỗ, phải bỏ. Vì không có kinh nghiệm, không biết chỗ cần đến bán, rau củ bán không hết trong ngày, mang về không biết bảo quản nên hôm sau héo quắt, chẳng ai mua”, anh Quang kể.

Từ nhiều tháng nay, chị Lê Hồng Chuyên, 30 tuổi, và nhóm bạn công nhân thất nghiệp rủ nhau ra chợ đầu mối mua rau củ quả về chất lên xe đạp đi rao bán rong tại các khu trọ. Riêng chị Chuyên may mắn khi kiếm được chỗ ngồi lề đường tương đối thuận tiện ngay gần phòng trọ để bày bán, không phải đi bán rong.

Ngoài bán rau củ quả, chị Lê Hồng Chuyên còn làm thêm sữa bắp, yaout bán kiếm thêm. Ảnh: Phúc Lập.

Ngoài bán rau củ quả, chị Lê Hồng Chuyên còn làm thêm sữa bắp, yaout bán kiếm thêm. Ảnh: Phúc Lập.

“Tôi làm công ty Pou Yuen Việt Nam cũng gần chục năm, chồng tôi làm thợ hồ, thu nhập 2 vợ chồng cũng tạm đủ sống, đủ lo cho con gái ăn học. Tháng 6 vừa rồi tôi bị công ty cắt giảm lao động. Cả 2 vợ chồng tôi chới với, bao đêm tôi thức trắng, lo trắng đầu về việc làm. Cuối cùng vẫn không thể lo được”, chị Chuyên tâm sự.

“Bán rau thu nhập được không chị?”, tôi hỏi. Chị đáp: “Ăn thua gì đâu anh. Ngày kiếm vài chục, may thì được trăm ngàn. Nhưng đỡ cái là không phải đi bán rong vất vả như mấy chị em khác. Trong xóm trọ, nhiều chị còn phải đi bán vé số, cực lắm. Mỗi tội lâu lâu lại phải dẹp gọn khi có xe ô tô đi vào. Bác tổ trưởng dân phố cũng nhắc nhở hoài, nhưng biết hoàn cảnh tôi nên cũng chỉ nhắc nhẹ là để gọn gọn, đừng ảnh hưởng đến người đi lại, bán xong phải dọn dẹp vệ sinh. Một ngày cũng kiếm được vài chục, trăm ngàn”.

Nói về một cái tết buồn hơn mọi năm, chị Chuyên tư lự: “Buồn thì cũng buồn đấy, nhưng hết tết là hết buồn thôi. Công việc ổn định mới là nỗi lo lớn của những người như chúng tôi, chứ còn tết nay không về quê thì sang năm về, tết nay không có tiền sắm sửa thì tết sau sắm”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có hơn 32 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bao gồm người bị mất việc, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, hơn 69% lao động giảm thu nhập, gần 40% lao động giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.