Đây là nhận định của tác giả Alexander Freud trên tờ DW (Đức).
Nói một đằng, làm một nẻo
Trên bình diện thế giới, Mỹ thậm chí đang dần đánh mất vai trò của một siêu cường, đồng thời không kiềm toả được Trung Quốc như các nỗ lực trước đó của người tiền nhiệm Barack Obama, người tương đối thành công với chiến lược “xoay trục” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump trong chuyến thăm Bắc Kinh, Trung Quốc |
Theo DW, những gì ông Trump làm được trong 12 tháng cầm quyền chỉ là một chuyến công du dài ở châu Á và các dòng “tweet” đếm không hết về CHDCND Triều Tiên. Ông trở thành đối tượng hấp dẫn đối với giới truyền thông, nhưng không chuyển hoá thành “đầu ra” có ý nghĩa nào trong việc gia tăng ảnh hưởng cũng như thắt chặt mối quan hệ của Mỹ với thế giới.
Công việc đầu tiên của ông Trump là ban hành sắc lệnh hạn chế đối với người nhập cư và tị nạn vào Mỹ từ các quốc gia Hồi giáo. Mục tiêu hướng tới của ông Trump là nhằm đảm bảo nước Mỹ trở nên an toàn hơn. Tuy nhiên, sắc lệnh này, kèm theo quyết định mới đây công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, chỉ khiến thế giới Hồi giáo, trong đó gồm nhiều quốc gia ở châu Á, chống lại Mỹ. Chưa kể theo DW, trong khi áp đặt lệnh trên với Iran, ông Trump lại “để lọt” Saudi Arabia và Pakistan, vốn bị chỉ trích không ít vì liên quan đến khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như cũng không có chiến lược cụ thể trong mối quan hệ với Pakistan và đặc biệt là Afghanistan. Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ rút lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan nhanh nhất có thể, nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại.
Tình hình tương tự đối với Bắc Triều Tiên, khi ông Trump, ngoài việc viết “tweet” liên miên đã không đưa ra được sách lược cụ thể giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo này. Các vòng cấm vận quốc tế do Mỹ đặt ra không đủ ngăn Triều Tiên tiếp tục tham vọng tên lửa và vũ khí hạt nhân. Nga và Trung Quốc trong khi đó chỉ miễn cưỡng “vỗ tay” hoan nghênh các nỗ lực của Mỹ, nhưng lại không cho thấy sự sẵn sàng sát cánh trong vấn đề này.
Sự trỗi dậy của Nga, Trung
Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump theo đánh giá của DW, cũng thất thế so với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập sau Đại hội 19 Trung Quốc đã quyền lực “không có giới hạn” tại Trung Quốc để có thể thoải mái theo đuổi các tham vọng. Kế hoạch “Vành đai, con đường” do ông Tập vạch ra đang ngày càng khiến Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Trung Quốc có một chiến lược dài hạn, trong khi ông (Trump) vẻ như chỉ hứng thú với Twitter”-một nhận xét đầy mỉa mai đối với ông Trump. Mỹ đã không ngăn được Trung Quốc trỗi dậy để trở thành một siêu cường trên thế giới.
Trong khi đó Nga cũng không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở các khu vực chiến lược. Trong năm 2017, cả Mỹ và châu Âu đều ám ảnh bởi bàn tay can thiệp của Moscow vào một loạt sự kiện chính trị ở cả hai châu lục. Cho tới lúc này, nhiều người Mỹ đều tin rằng có tác động của Nga đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, với chiến thắng của ông Trump trước cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton. Washington thay vì thắt chặt quan hệ với các đồng minh châu Âu, lại va chạm trong một loạt vấn đề, từ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đến mối quan hệ trong NATO. Hiếm có đời Tổng thống nào của Mỹ lại phải hứng chịu nhiều nhận xét thiếu tích cực từ các đồng minh như ông Trump. Thậm chí ở quy mô nhỏ hơn như nhóm G-7, Mỹ đã có lúc bị tách biệt ra riêng một mình vì những khác biệt với phần còn lại.
Trở lại với châu Á, theo DW thì trên mọi phương diện, năm 2017 không mấy tốt đẹp đối với cả Mỹ lẫn châu lục.