| Hotline: 0983.970.780

Châu Âu loay hoay chống Covid-19: Khủng hoảng Covid-19 ở Italia chưa dừng lại

Thứ Sáu 20/03/2020 , 06:35 (GMT+7)

Italia đang bước vào tuần thứ 4 của dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng quốc gia tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II và chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Hơn 60 triệu người đang sống trong lệnh phong tỏa được thắt chặt hơn mỗi ngày. Các cửa hàng đang đóng cửa sớm hơn thường lệ và cảnh sát tuần tra trên đường phố với nhân lực khổng lồ, yêu cầu những người ra ngoài đi dạo quay trở về nhà, đồng thời đảm bảo rằng không ai ra ngoài mà không có lý do chính đáng.

Dù vậy, số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Italia vẫn tăng. Tính đến ngày 19/3, Italia ghi nhận hơn 35.000 ca nhiễm và gần 3.000 người chết.

Bệnh viện rơi vào trạng thái quá tải và bắt đầu xuất hiên nhiều bác sĩ, y tá bị nhiễm bệnh vì không có đầy đủ trang bị bảo hộ.

Không ít người tự hỏi bao giờ tình trạng này sẽ kết thúc và cái giá nền kinh tế phải trả vì lệnh phong tỏa liệu có xứng đáng.

Italia hiện có hơn 2.000 người phải chăm sóc đặc biệt do nhiễm virus, hầu hết tập trung ở vùng Lombardy, nơi dịch bùng phát từ ngày 23/2.

Dù vậy, giới chuyên gia lo ngại sẽ nổi lên những ổ dịch mới ở phía nam, nơi cơ sở vật chất vốn yếu kém hơn và người dân còn chưa tuân thủ triệt để lệnh phong tỏa.

Cảnh sát đã phát cảnh báo tới gần 200.000 người trên khắp đất nước và họ thông báo sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn bắt đầu từ cuối tuần này nếu người dân vẫn tiếp tục phớt lờ các biện pháp hạn chế.

Bác sĩ Giorgio Palù, Cựu chủ tịch Hiệp hội Virus học châu Âu và Italia, giáo sư về virus và vi trùng học tại Đại học Padova, cho biết ông mong muốn những dấu hiệu dịch bệnh thuyên giảm đầu tiên sẽ xuất hiện sau một tuần phong tỏa toàn quốc nhưng tất cả vẫn chỉ là hy vọng.

Theo ông, nhìn vào số lượng các trường hợp mới trên biểu đồ, độ dốc của đường cong vẫn tăng lên, cho thấy biên pháp phong tỏa chưa thực sự phát huy hiệu quả ở thời điểm hiện tại.

Palù tin rằng các biện pháp phong tỏa nên được thực hiện rộng rãi hơn, nghiêm ngặt hơn và sớm hơn thay vì chỉ tập tủng vào 11 cộng đồng ở “khu vực đỏ”.

“Chúng ta nên thực hiện nhiều xét nghiệm chẩn đoán hơn ở ổ dịch Lombardy. Không có ý nghĩa gì khi cố đi siêu thị mỗi tuần một lần. Bạn cần giới hạn thời gian ra ngoài, cách ly là chìa khóa của vấn đề”, ông nhấn mạnh.

Alessandro Grimaldi, trưởng khoa truyền nhiễm tại bệnh viện Salvatore ở L'Aquila, đã điều trị cho Chiara Bonini, một bác sĩ 26 tuổi đến từ Bergamo. Hai tuần sau khi Bonini nhiễm nCoV từ bạn trai, một bác sĩ làm việc tại bệnh viện ở Brescia, cô giờ đây đã có xét nghiệm âm tính với virus. Nhưng Bonini vẫn tự cách ly chờ đến khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính lần hai. Lúc đó, cô sẽ có thể trở lại làm việc.

“Tại Lombardy, nơi tôi đến, hệ thống y tế đang sụp đổ”, cô nói với CNN và thêm rằng các bác sĩ ở đây đang phải lựa chọn bệnh nhân để điều trị. “Không có đủ thiết bị. Họ chọn những người trẻ, quy tăc là cố gắng cứu những người có khả năng sống cao hơn”.

Bác sĩ Grimaldi cho hay cách duy nhất giúp hệ thống y tế không bị sụp đổ hoàn toàn là gia tăng các nguồn lực.

“Có lẽ chính phủ nên nghĩ đến tình cảnh này sớm hơn, chuẩn bị tốt hơn”, ông nói. “Nhưng nếu bạn không nhìn thấy tình huống cấp bách ngay trước mắt mình, bạn sẽ tìm cách cắt giảm”.

Theo ông, nếu không có thêm nguồn lực, các bác sĩ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong nỗ lực chiến đấu chống dịch.

“Italia giờ đây nằm trong tay các y bác sĩ”, Grimaldi khẳng định. “Chúng tôi là những chiến binh đang chiến đấu bảo vệ quốc gia. Nếu chúng tôi có thể dập dịch ở Italia, chúng tôi sẽ có thể dập dịch ở châu Âu và trên toàn thế giới”.

Ông đồng tình cho rằng cách duy nhất giúp biện pháp phong tỏa phát huy hiệu quả là thực thi nó một cách triệt để.

“Đối đầu với một kẻ thù như thế này thực sự khó khăn với tất cả mọi người. Trung Quốc đã cho chúng ta thấy cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt”, Grimaldi bình luận.

Biện pháp phong tỏa đã gây ra tác động lớn tới xã hội Italia. Người dân đang lo lắng và nền kinh tế đang trong tình trạng khó khăn. Lễ Phục sinh, theo truyền thống là dịp lễ mở đầu mùa du lịch của Italia, đã bị hủy bỏ, khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khốn đốn.

Nhiều doanh nghiệp nói họ sẽ không thể mở cửa trở lại. Khi người dân, kể cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp, không thể trả các khoản vay, ngân hàng sẽ cần giúp đỡ.

Hiệu ứng domino của cuộc khủng hoảng lịch sử này sẽ kéo dài rất lâu kể cả sau khi Italy không còn ghi nhận các ca nhiễm mới, chuyên gia đánh giá.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.