| Hotline: 0983.970.780

Chạy đua bảo tồn cá heo không vây Dương Tử

Thứ Bảy 14/09/2019 , 13:10 (GMT+7)

Trên một nhánh sông ngắn của dòng Dương Tử, ba chú cá heo xám béo tốt đang ngụp lặn trong dòng nước pha bùn mờ đục gần thành phố Nam Kinh.

Chúng được bảo vệ cách ly khỏi đám tàu thuyền, xà lan qua lại trên sông bằng một hàng phao màu vàng.

09-05-43_1
Cá heo không vây sông Dương Tử.

Chỉ còn khoảng 1.000 cá thể sống sót, loài cá heo không vây sông Dương Tử trở thành một biểu tượng cho sự tàn phá đối với dòng sông dài nhất Trung Quốc, trong hàng chục năm con người tìm cách khống chế lũ lụt, mở rộng đất trồng trọt và công nghiệp hóa các vùng đất dọc hai bên dòng sông.

Lời kêu gọi phát triển bền vững ở “vành đai kinh tế Dương Tử” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm dấy lên hy vọng rằng loài thú có vú duy nhất còn sống sót của dòng sông có thể trở thành biểu tượng của việc khôi phục môi trường ở Trung Quốc.

“Nay việc này đã được chứng minh về mặt khoa học, rằng cá heo sông Dương Tử là loài sinh vật đặc hữu”, Khương Manh, người đứng đầu một nhóm giám sát khu bảo tồn cá heo tại Nam Kinh, nói với phóng viên Reuters.

“Nếu chúng không được bảo vệ tốt, chính phủ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực”, Khương, tổng thư ký của Hiệp hội Bảo tồn cá heo không vây sông Dương Tử Nam Kinh, nói.

Khu vực an toàn được bố trí tại một khu vực gọi là “vạch đỏ sinh thái”. Ở đây cấm các hoạt động xây dựng trong phạm vi 88km2 dọc theo bờ sông Dương Tử.

Nhiều lồng bè nuôi cá của nông dân đã bị buộc phải di dời, thay vào đó là các đầm phá trồng sen tạo sinh cảnh cho chim di trú. Hoạt động đánh bắt cá bị cấm, tàu bè buộc phải tránh xa khu vực. Khu bảo tồn được các lực lượng chức năng giám sát hằng ngày.

“Chúng tôi đuổi họ đi nơi khác. Đây là vùng lõi bảo tồn vì thế chúng tôi không để họ đánh cá ở đây”, Trương Kim Long, từng là ngư dân, nay trở thành nhà bảo tồn, nói.

Năm 2017, cơ quan chức năng Trung Quốc thống kê được có 1.012 con cá heo sông Dương Tử, giảm nhiều nếu so với con số 2.500 con ở thời điểm năm 1991 và mỗi năm dân số cá heo Dương Tử giảm thêm 10%, theo giới chức.

Tuy nhiên ông Khương nói vẫn có thể bảo tồn loài cá heo Dương Tử. “Số lượng cá giảm xuống nhưng tốc độ giảm đã chậm lại”, Khương nói.

09-05-43_2
Một chú cá heo không vây được nuôi trong bể kính ở Vũ Hán.

Quá trình này đã được thực hiện thành công với nhiều loài khác, theo lời các nhà hoạt động vì môi trường. Những nỗ lực bảo tồn kéo dài nhiều thập kỷ đã cứu được loài gấu trúc khổng lồ, biểu tượng quốc gia của Trung Quốc, khi chúng trên bờ vực tuyệt chủng. Ngày nay có khoảng 1.900 con gấu trúc, và dân số của chúng đang gia tăng.

“Có thể là hơi muộn quá, nhưng những gì họ làm là chưa từng có”, Todd Robeck, tác giả một công trình nghiên cứu mới đây về loài cá heo sông Dương Tử, nói về nỗ lực cứu loài có vú này.

“Họ đang có những bước đi đúng để giúp loài cá heo Dương Tử thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng”, Robeck, phó chủ tịch phụ trách bảo tồn của tập đoàn Công viên Thế giới biển và Giải trí ở Florida, Mỹ, nói.
 

Hoạt động của con người

Từ thượng nguồn, nơi có những dòng sông băng ở cao nguyên Tây Tạng tới vùng đồng bằng ở Thượng Hải trên bờ biển phía đông, con sông Dương Tử dài 6.500km cung cấp nước cho 1/3 dân số hơn 1,3 tỷ người của Trung Quốc.

Trên con sông này đã diễn ra bao nhiêu thay đổi môi trường mang tính hủy diệt sâu sắc trong vòng 70 năm qua, gây ra không chỉ bởi các hoạt động xây dựng đại công trường, ví dụ đập Tam Hiệp, mà còn là các chiến dịch thời Mao chủ tịch nhằm rút nước khỏi một số hồ và đầm lầy, biến khu vực thành vùng canh tác.

Bên cạnh đó, trong suốt nhiều thập kỷ, hệ thống sinh thái phức tạp của dòng sông vĩ đại bị đem ra làm vật hy sinh cho cuộc đua hối hả phát triển kinh tế.

“Bạch kỳ đồn” hay cá heo vây trắng, loài anh em với cá heo không vây nhưng có kích thước lớn hơn, đã bị thông báo là “tuyệt chủng” từ năm 2006. Loài cá tầm Trung Quốc cũng đang trên bờ vực tiêu vong, khi dân số giảm tới 90% trong vài thập kỷ qua.

Nhiều con cá heo không vây đã bị chết khi va đập với thuyền bè mà nguyên nhân là bởi ô nhiễm tiếng ồn đã tác động đến khả năng định vị bằng âm thanh của chúng. Môi trường xuống cấp, nước bị ô nhiễm khiến chúng dễ mắc các bệnh mang tính lây lan.

09-05-43_3
Cá heo được trông thấy ở đoạn sông gần Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.

Một kế hoạch hành động kéo dài 10 năm của chính phủ Trung Quốc công bố năm 2016 đã cho rằng “ các hoạt động cường độ cao của con người” là nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm số lượng cá heo không vây và những nỗ lực bảo tồn trước đó đã không đủ để ngăn chặn sụt sụt giảm dân số của loài cá quý hiếm này.

Tuy nhiên, kế hoạch hành động này bị hạn chế ở quy mô và mục tiêu, chỉ nhắm tới việc “củng cố” dân số của loài cá heo Dương Tử, cải thiện việc theo dõi, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nghiên cứu sâu hơn về gen và tế bào.
 

Vùng an toàn

Nam Kinh được coi là một khu vực bảo tồn hình mẫu và khoảng 30 triệu nhân dân tệ (gần 100 tỷ đồng) đã được chi ra cho việc bảo tồn kể từ khi vùng bảo tồn này hình thành từ năm 2014. Đó là số tiền cho cho các thiết bị giám sát cũng như trả lương cho đội bảo tồn làm việc toàn thời gian, gồm 20 người.

Ở một nơi khác: giới chức hồi tháng trước đã ban hành lệnh cấm đánh cá trong 10 năm, bắt đầu từ năm 2021 ở Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc và cũng là một “ngôi nhà” của các heo không vây. Lệnh cấm này được cho là tác động tới sinh kế cuart 100.000 ngư dân, theo bản tin của Tân Hoa Xã.

Và ở một nhánh sông Dương Tử dài 64km ở An Khánh, tỉnh An Huy, đã được công bố là khu bảo tồn cá heo, cấm các hoạt động đánh cá. “Chúng tôi lạc quan bởi nhà nước đã ưu tiên việc bảo tồn”, Trần Thủ Văn, một nhà bảo tồn thuộc Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh An Huy nói.

(Kiến thức gia đình số 37)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Nga phá âm mưu của Ukraine nhằm cướp trực thăng tác chiến điện tử

Quân đội Nga đã ngăn chặn một nỗ lực của tình báo Ukraine nhằm cướp một máy bay trực thăng tác chiến điện tử, một phi công và một nguồn tin an ninh cho biết.