| Hotline: 0983.970.780

Chạy theo thành tích, Bắc Ninh 'ôm nợ' nông thôn mới 1.600 tỷ đồng

Thứ Năm 07/07/2016 , 13:15 (GMT+7)

Bắc Ninh tuy là tỉnh nhỏ, nhưng công nghiệp - dịch vụ phát triển, nguồn thu ngân sách lớn. Những tưởng đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng NTM, song Bắc Ninh lại đang giữ “kỷ lục” về nợ đọng với hơn 1.600 tỷ đồng.

Vung tay quá trán

TX Từ Sơn (Bắc Ninh) được coi là đầu tàu kinh tế của tỉnh khi hàng loạt khu công nghiệp, dịch vụ mọc lên sau chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh. Ngoài ra, nhiều làng nghề, xã nghề của TX Từ Sơn cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngân sách.

Những tưởng rằng với số thu ngân sách lớn, việc xây dựng NTM ở đây phải diễn ra suôn sẻ và không có chuyện nợ đọng. Nào có ai ngờ!

Với mục tiêu đưa 2 xã cuối cùng của TX Từ Sơn đạt chuẩn NTM, chính quyền TX đã quyết định làm một cuộc đột phá trong đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, trụ sở cơ quan hành chính... cho 2 xã này.

Bởi thế, thông qua hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT), tỉnh đồng ý cho Cty CP Xây dựng thương mại Cao Đức (đại diện liên danh Cty CP Xây dựng và thương mại Cao Đức và Cty TNHH Cao Nguyên) đầu tư xây mới, cải tạo một số công trình tại 2 xã như nhà văn hóa thôn, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, hội trường…

Điều đáng nói là tổng mức đầu tư quá lớn, hơn 700 tỷ đồng. Vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và huy động của nhà đầu tư. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác giá trị quyền sử dụng đất các khu đất tại 2 xã này.

Tuy nhiên, với những tiêu chí đã đạt được trước khi dự án trên được triển khai, trong năm 2015, xã Hương Mạc đã được công nhận đạt chuẩn NTM, còn Tam Sơn chỉ còn 3,3km đường trục thôn đã được rải cấp phối cần bê tông hoá và 5,7km đường chính nội đồng lầy lội vào mùa mưa dự kiến sẽ được xử lý trong năm nay để đưa TX Từ Sơn hoàn thành đạt chuẩn NTM.

ntm3160953506
Làm đường giao thông nông thôn

 

Bởi thế, số tiền hơn 700 tỷ đồng theo diện “đổi đất lấy hạ tầng” trên của chính quyền TX được cho là “vung tay quá trán”, lãng phí lớn.

Phản hồi về thông tin được trên, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND TX Từ Sơn vẫn chối, cho rằng, không có chuyện hai xã Hương Mạc và Tam Sơn nợ 700 tỷ đồng xây dựng NTM.

“Đến nay, xã Hương Mạc đã được công nhân xã NTM, còn xã Tam Sơn đang hoàn thành một số chỉ tiêu để cuối năm nay xét công nhận đạt xã NTM theo quy định”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, tỉnh Bắc Ninh mới chỉ có quyết định phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, kết cấu hạ tầng giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước trên địa bàn hai xã Hương Mạc và Tam Sơn với tổng đầu tư dự kiến hơn 700 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư mới đang đang quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Tuy nhiên, trong các quyết định, văn bản, thì rõ ràng lời ông Thanh giải thích chỉ là biện pháp đối phó tình thế. Bởi lẽ, từ ngày 30/12/2015, ông Nguyễn Tiến Nhường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký Quyết định số 1695/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, kết cấu hạ tầng giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước trên địa bàn 2 xã Hương Mạc và Tam Sơn của TX Từ Sơn.

14-47-33_ntm-tm-son
Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Tam Sơn

 

Một số công trình được nêu trong văn bản trên tại hai xã này như nhà văn hóa thôn, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, hội trường… với tổng mức đầu tư dự kiến 701,509 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác giá trị quyền sử dụng đất các khu đất trên địa bàn hai xã này.

Rõ ràng, về bản chất, đây chính là việc đổi đất lấy hạ tầng, đang thực hiện để có tiền đầu tư cho NTM.

Nợ đọng hơn 1.600 tỷ đồng

Thời gian qua, các địa phương, ban ngành của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện xây dựng NTM. Theo đó, năm 2014, tỉnh Bắc Ninh mới chỉ có có 7 xã đạt chuẩn thì năm 2015 đã có 28 xã được công nhận NTM.

Để có được kết quả này, cần đến hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước cũng như đóng góp của người dân đổ vào. Cũng vì đẩy nhanh tiến độ “đạt chuẩn” nên Bắc Ninh hiện trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về số tiền nợ (tổng kinh phí nợ đọng lũy kế đến 31/1/2016 là hơn 1.600 tỷ đồng).

ntm6160953900
Ảnh: Văn Ngọ

 

Bước sang năm 2016, mặc dù nợ nhiều như vậy, nhưng để phấn đấu đưa 25 xã, đặc biệt là 3 đơn vị cấp huyện là TX Từ Sơn, huyện Tiên Du và TP Bắc Ninh đạt chuẩn NTM nên tổng số vốn huy động để thực hiện vào khoảng 1.220,9 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách Trung ương chiếm 1,01% (12,380 tỷ đồng); ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) khoảng 896,543 tỷ đồng; vốn tín dụng khoảng 305,040 tỷ đồng; vốn cộng đồng dân cư chừng 5,897 tỷ đồng và vốn khác chiếm 1,050 tỷ đồng.

Không thể phủ nhận việc triển khai thực hiện nông thôn mới đã làm đổi thay bộ mặt nhiều làng quê Kinh Bắc. Tuy nhiên vấn đề đặt ra, dù là tỉnh có số thu ngân sách lớn và thực tế nhiều địa phương cơ bản vốn rất khá giả, nhưng tại sao Bắc Ninh lại dẫn đầu cả nước về số nợ lớn như vậy?

Một số ý kiến trong đoàn kiểm tra nợ đọng NTM của Bộ NN-PTNT làm việc tại Bắc Ninh mới đây cho rằng, hiện tượng chạy đua làm nhà văn hoá, hội trường, làm đường… để được công nhận NTM là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ đọng.

Tại Bắc Ninh, nhiều xã đã đạt chuẩn NTM hiện có số nợ vượt quá khả năng thanh toán. Đó chính là hệ quả của việc chạy theo thành tích.

Ngoài ra, khi quy hoạch xây dựng NTM ở các xã, đa số các công trình xây dựng được quy hoạch theo hướng đô thị hóa nên các xã đã triển khai xây dựng nhiều công trình với quy mô lớn hơn quy định. Trong khi đó, nguồn vốn Trung ương cấp ít, nguồn vốn đầu tư của tỉnh, của xã và huy động trong dân những năm qua gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, nhiều địa phương hiện nay còn để nợ đọng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng NTM khá lớn. Đồng thời, khi xây dựng đề án NTM chỉ căn cứ vào quy hoạch mà không căn cứ vào nguồn lực sẵn có, nên xác định thời gian hoàn thành và các công trình cần xây dựng thiếu tính khả thi.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong khoảng hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng NTM, cần phân tích kỹ từng trường hợp, không cào bằng.
“Anh nào cố tình vẽ ra, công trình này, dự án kia mà không hiệu quả, không phù hợp với thực tiễn thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Xử lý để không làm ảnh hưởng đến phong trào chung cả nước”, Phó Thủ tướng nói.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.