| Hotline: 0983.970.780

Che chắn, đốt lửa sưởi ấm cho ‘đầu cơ nghiệp’

Thứ Tư 23/02/2022 , 17:45 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Người dân vùng miền núi Quảng Bình dùng nhiều cách để bảo vệ đàn trâu, bò vượt qua giá rét.

Bắt đầu từ ngày 18/2, rét đậm, có nơi rét hại và mưa đã diễn ra tại tỉnh Quảng Bình, nhất là các vùng núi cao. Nhiều nơi ở vùng đá lèn các xã Thượng Hóa, Trung Hóa... (huyện Minh Hóa) nhiệt độ xuống mức 8 độ C. Giá lạnh tràn về làm ảnh hưởng lớn đến sức chống chịu của đàn gia súc.

Khu chuồng trại nuôi bò ở thôn Quyền (xã Thượng Hóa, Minh Hóa) được che kín bằng bạt. Ảnh: N.T.

Khu chuồng trại nuôi bò ở thôn Quyền (xã Thượng Hóa, Minh Hóa) được che kín bằng bạt. Ảnh: N.T.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở NN-PTNT Quảng Bình đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ bà con phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.

Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, đơn vị đã triển khai 4 đoàn làm việc, kiểm tra tại một số địa phương có nguy cơ vật nuôi chết do đói, rét cao.

Bà con còn dùng bạt che kín cửa ra vào khu chuồng trại. Ảnh: N.T.

Bà con còn dùng bạt che kín cửa ra vào khu chuồng trại. Ảnh: N.T.

“Các địa phương đã cử cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện công tác phòng, chống đói rét cho trâu bò”, ông Tám cho biết.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cử 8 cán bộ phụ trách địa bàn tại 8 địa phương trong tỉnh để trực tiếp hỗ trợ công tác phòng chống đói, rét trên đàn vật nuôi.

Dùng chăn cũ để che chắn gió, hạn chế gió lạnh cho vật nuôi. Ảnh: N.T.

Dùng chăn cũ để che chắn gió, hạn chế gió lạnh cho vật nuôi. Ảnh: N.T.

Xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) là địa phương có số lượng đàn trâu bò khá lớn. Do địa hình ở đây là những vùng đồng bằng xen lẫn dãy núi đá vôi nên giá lạnh bao phủ nhanh và đậm.

Ông Đinh Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết, toàn xã có tổng đàn trâu bò gần 2.000 con. “Cơ bản bà con đã làm chuồng trại chắc chắn để nuôi nhốt trâu bò. Chúng tôi đã nhắc nhở, vận động bà con mang chăn cũ, bạt che chắn cho trâu bò và đốt lửa sưởi ấm”, ông Giáo cho hay.

Hàng ngày, người dân đốt lửa ở khu vực chuồng trại để sưởi ấm cho đàn gia súc. Ảnh: N.T.

Hàng ngày, người dân đốt lửa ở khu vực chuồng trại để sưởi ấm cho đàn gia súc. Ảnh: N.T.

Nhà bà Cao Thị Hòa (thôn Quyền, xã Thượng Hóa) có 4 con trâu bò. Khi giá lạnh xuống, bà lấy tấm bạt rộng che quay kín hết khu chuồng trại để che chắn mưa gió tạt vào. Hàng ngày, bà đi xin trấu mang về để đêm xuống là đốt trong chồng cho đàn bò đỡ lạnh.

“Tôi cũng nhắc các con dùng cuốc khơi rãnh quanh chuồng để nước mưa không tràn vào và giữ cho nền chuồng bò được khô ráo”, bà Hòa nói thêm kinh nghiệm của mình.

Đàn bò được sưởi ấm trong giá lạnh. Ảnh: N.T.

Đàn bò được sưởi ấm trong giá lạnh. Ảnh: N.T.

Nhiều bà con ở trong thôn còn trữ bắp khô, vỏ bắp… để làm thức ăn cho đàn gia súc. Những ngày lạnh giá, đàn trâu bò được cho ăn tăng thêm để đủ no. Một số gia đình thấy nền chuồng ẩm ướt đã cho đàn trâu ra đường bê tông sạch sẽ, cho ăn thức ăn khô rồi mới lùa vào chuồng.

Trong mưa lạnh, bà con vẫn tranh thủ cắt cỏ trồng mang về làm thức ăn cho trâu bò. Ông Đinh Văn (xã Thượng Hóa) bảo với chúng tôi: “Ngoài thức ăn khô, cỏ tươi, bà con còn nấu cháo gạo loãng pha thêm muối cho trâu bò ăn để tăng thêm sức đề kháng. Những con bê được cho ăn tăng thêm khẩu phần”.

Trong giá lạnh, bà con tranh thủ cắt cỏ về làm thức ăn cho trâu bò. Ảnh: N.T.

Trong giá lạnh, bà con tranh thủ cắt cỏ về làm thức ăn cho trâu bò. Ảnh: N.T.

Nói rồi, ông Văn ôm mớ củi khô ở góc bếp ra trước cửa chuồng mấy con bò để nhóm lửa. Ngọn lửa bùng lên trong gió lạnh, tỏa hơi ấm như xua đi cái giá rét. Trong chuồng, mấy con bò lai đứng hếch mũi lên ngửi khói rồi đứng yên. “Mỗi ngày, tôi tranh thủ nhóm lửa hai lần cho bầy bò”, ông Văn nói thêm.

Đến chiều ngày 23/2, trên địa bàn xã Thượng Hóa đã có 18 con trâu bò bị chết rét. Con số thiệt hại của toàn tỉnh Quảng Bình là gần 40 con trâu bò.

Tăng thêm bữa ăn khô cho đàn trâu để chống rét. Ảnh: N.T.

Tăng thêm bữa ăn khô cho đàn trâu để chống rét. Ảnh: N.T.

Ông Đinh Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho hay năm nay mưa lạnh đột ngột và giảm sâu nên vẫn có trâu bò bị chết. “Chúng tôi đã tăng cường chỉ đạo các thôn, bản đến từng nhà dân nhắc nhở bà con tăng cường đốt lửa trong chuồng trại, cho ăn thêm thức ăn nhiều tinh bột để hạn chế thiệt hại nếu những ngày tới trời còn kéo dài rét đậm, rét hại”.

Tại Hà Giang, tính đến ngày 23/2, đã có 21 gia súc bị chết rét, trong đó có 3 con trâu và 18 con nghé bị chết.

Cùng với đàn gia súc bị chết, đợt rét đậm, rét hại lần này diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng khiến 2,8 ha lạc tại huyện Bắc Quang bị thiệt hại; 36,3 ha cây cỏ, rau màu, thảo quả tại xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ bị ảnh hưởng nặng.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.