Cử các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc chống rét
Tính đến hết ngày 21/2, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 29 gia súc bị chết do rét.
Những ngày qua, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng chống đói, rét cho gia súc, vật nuôi và cây trồng tại huyện Bình Liêu và huyện Ba Chẽ do ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT làm trưởng đoàn. Đây là những huyện có địa thế đồi núi cao và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đợt rét đậm, rét hại.
Hiện trên địa bàn huyện Bình Liêu có trên 5.000 con trâu, bò; trên 3.000 con lợn; trên 114.000 con gia cầm và hơn 2.000 con dê. Trong đó, riêng xã Đồng Văn có 820 con gia súc (trâu, bò), trên 10.000 con gia cầm, 719 con lợn và dê hơn 400 con.
Để không xảy ra tình trạng trâu, bò chết vì đói, rét, xã Đồng Văn đã bố trí các tổ công tác đến vận động các hộ nuôi đưa trâu bò về, ủ rơm, chuẩn bị thức ăn dự trữ, cấp bạt cho bà con gia cố lại chuồng trại; hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản.
Hộ gia đình ông Dường Cắm Lồng, thôn Khe tiền, xã Đồng Văn, hiện đang nuôi đàn trâu với 6 con. Do nhà nằm tại vùng núi cao, ý thức được sắp có đợt rét đậm, rét hại, gia đình đã chủ động lùa trâu từ bãi chăn thả về, thực hiện che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn nhằm giữ sức khỏe tốt nhất cho đàn trâu.
Huyện Ba Chẽ có gần 2.000 con trâu, bò; 1.864 con lợn và 88.803 con gia cầm. Ngay từ đầu mùa đông, người dân trên địa bàn đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi. Toàn huyện có 158 hộ tham gia chăn nuôi, đa số các hộ đã tích cực gia cố, che chắn chuồng trại, tránh mưa hắt, gió lùa vào chuồng, đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi. Ngoài ra, nhiều hộ dân chủ động dự trữ thức ăn xanh, thức ăn tinh cho gia súc, gia cầm để phòng thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài.
Qua kiểm tra, đoàn công tác của Sở NN-PTNT Quảng Ninh đánh giá cao cao công tác phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi của các địa phương. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương không chủ quan, lơ là trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại, kết hợp với người dân tập trung thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh để nâng cao nhận thức cho người dân chủ động phòng, chống đói, rét và phòng, chống dịch bệnh vật nuôi, cây trồng; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định.
Loa phát thanh cơ sở liên tục cảnh báo
Bên cạnh Quảng Ninh, Lạng Sơn cũng là địa phương chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại. Đáng chú ý, vào ngày 21/2, nhiệt độ tại vùng núi cao Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) giảm xuống còn âm 0,8 độ C, có mưa nhỏ, băng đang xuất hiện trên nhà cửa, cỏ cây, trời gió rét.
Để bảo vệ, chăm sóc cho đàn gia súc, bà con tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tích trữ thức ăn thô, thức ăn tinh đến bao che chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh được các hộ chăn nuôi.
"Mình phải che thêm mấy tấm bạt này nữa để chống gió lùa, giữ ấm cho trâu. Ba con trâu là tài sản lớn nhất của gia đình. Thiếu nó thì không biết lấy gì cày nương, bừa ruộng, nuôi sống gia đình", bà Triệu Tài Múi (Lạng Sơn) cho biết.
Bên cạnh đó, bà con chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả cũng đã tổ chức nuôi nhốt tập trung, quây bạt giữ ấm và chuẩn bị đủ thức ăn dự phòng như rơm khô, cỏ voi khi rét đậm, rét hại kéo dài.
Kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho trâu bò, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các xã tập trung sử dụng hiệu quả hệ thống loa phát thanh cơ sở và cập nhật thường xuyên diễn biến thời tiết để tuyên truyền, cảnh báo cho bà con có các biện pháp phòng chống đói rét cho trâu, bò.
Đội ngũ thú y viên cơ sở thường xuyên bám sát tình hình đàn vật nuôi để hỗ trợ bà con kịp thời trong việc bảo vệ, phát triển chăn nuôi khi rét đậm, rét hại xảy ra.
Các ngành chức năng cấp huyện cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho trâu bò và đàn vật nuôi tại các xã; tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu, bò, nhất là bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng.
Hiện, các tỉnh vùng núi phía Bắc đều đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc.
Các địa phương khẩn trương vận động nhân dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc; theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết để thông tin kịp thời tới người dân. Ðồng thời, khuyến cáo nhân dân, nếu thời tiết rét đậm, rét hại, kèm theo mưa và nhiệt độ dưới 12 độ C tuyệt đối không thả rông gia súc; bổ sung thức ăn tinh, sưởi ấm cho gia súc, nhất là bê, nghé và trâu, bò già yếu; kiên quyết không nhập gia súc non về nuôi trong thời gian này.