| Hotline: 0983.970.780

Chè kho, chè lam, kẹo lạc… xếp hàng đánh giá, phân hạng OCOP

Thứ Bảy 18/11/2023 , 11:01 (GMT+7)

Mới đây, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng 28 sản phẩm OCOP trong đó có nhiều loại đặc sản nổi tiếng như chè kho, chè lam, kẹo lạc…

Trên địa bàn huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) có 50 làng nghề với khoảng 14.000 hộ sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 37.000 lao động trong và ngoài huyện. Riêng về ẩm thực, có làng nghề chè lam xã Thạch Xá và làng chè kho xã Đại Đồng. Chỉ bằng những nông sản quen thuộc nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của người nông dân, chè lam, chè kho, kẹo lạc đã trở thành món quà quê đầy hấp dẫn, khó có thể chối từ.

Hiện ở xã Đại Đồng có khoảng 40 hộ làm nghề chè kho, mỗi năm tung ra thị trường Thủ đô và một số tỉnh thành hàng trăm tấn sản phẩm. Các chủ thể đã mạnh dạn đưa chè kho đi đăng ký chương trình OCOP và được công nhận đạt 3 sao. Một trong những người góp phần tạo nên tiếng thơm ấy cho loại đặc sản này là bà Vũ Thị Quý - chủ thương hiệu chè kho Quý Trụ ở thôn Lươn Ngoài. Nhờ nồi chè mà bà xây được nhà cửa đàng hoàng, nuôi được các con ăn học đến nơi đến chốn.

Bà tâm sự, chè kho vốn là một nét văn hóa ẩm thực truyền thống quen thuộc với nhiều người dân Đại Đồng, tuy nhiên trước đây chúng thường chỉ xuất hiện trong những dịp lễ, Tết như một thứ ăn chơi chứ không thành hàng hóa.

Thời gian gần đây, bà cùng một số hộ đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, lập nhà xưởng để sản xuất chè kho đáp ứng nhu cầu của khách. Lúc đầu quy mô còn nhỏ, khách đặt thường là những người quen trong vùng hay đi làm dâu, làm rể ở nơi khác. Thế rồi người này ăn thấy ngon lại mách cho người kia, thị trường không chỉ bó hẹp quanh mấy huyện mà ra cả nội thành và đi các tỉnh khiến cho các xưởng lại phải thuê thêm lao động.

Bà Quý giới thiệu sản phẩm chè kho của mình. Ảnh: Vân Nga.

Bà Quý giới thiệu sản phẩm chè kho của mình. Ảnh: Vân Nga.

Cũng theo bà Quý, nhiều nơi có món chè kho nhưng cách làm của dân Đại Đồng rất khác biệt. Họ cầu kỳ từ khâu chọn đỗ đến các công đoạn như ngâm, xiết, đồ rồi đổ ra khuôn… Đặc biệt quan trọng là khi đồ đỗ phải vừa giữ lửa, vừa lấy đũa quấy đều, thọc sâu từ đầu nồi đến đáy nồi để không bị bén sẽ mất mùi thậm chí có mùi khê, khét. Đậu sau khi đồ phải đảm bảo quyện dẻo, mịn màng, sờ không dính tay.  

Để chuẩn hóa chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như tăng năng suất, giảm các công đoạn nặng nhọc, bà đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm các loại máy móc, thiết bị như nồi hơi, nồi cô đặc, máy xay, máy đóng gói…

Nhờ đó mà mỗi ngày xưởng xuất ra 200-300 kg, những dịp lễ, Tết còn tăng gấp đôi, gấp ba, làm từ sáng đến đêm mà khách nhiều khi vẫn còn ngồi đợi. Chè của bà nếu để trong ngăn mát tủ lạnh bảo quản được trên 10 ngày, còn trong điều kiện nhiệt độ bình thường để được 3-5 ngày.

Chúng trở thành món quà mộc mạc mà nghĩa tình gửi tặng cho người thân, nhất là những đứa con xa xứ nhớ về quê hương, nguồn cội. Thời gian gần đây, trước thị hiếu mỗi lúc một đa dạng của người tiêu dùng, ngoài món chè kho, dân Đại Đồng đã chế biến thêm  nhiều ẩm thực đồng quê như chè lam, kẹo lạc, bánh đúc, bánh tẻ…

Sản phẩm chè kho được công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Vân Nga.

Sản phẩm chè kho được công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Vân Nga.

Ông Nguyễn Kim Loan - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất khẳng định Chương trình OCOP thời gian qua của địa phương không chỉ bảo tồn, phát triển được nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Cũng qua việc tham gia chương trình, được cọ xát, giao lưu mà tư duy sản xuất của các chủ thể cũng đã được đổi mới, nhạy bén hơn.

Từ chỗ sản xuất theo kiểu hộ cá thể, nhỏ lẻ, manh mún họ đã biết mở rộng quy mô, đẩy mạnh hợp tác, cải tiến mẫu mã, minh bạch nguồn gốc xuất xứ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Nhờ đó mà chương trình OCOP đã đóng góp vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn mới ở các làng quê, thúc đẩy  kinh tế - xã hội trên địa bàn mỗi lúc một phát triển, tạo nên mức thu nhập bình quân đầu người cao. 

Theo Phó chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội, ông Ngọ Văn Ngôn thành phố luôn coi OCOP là một trong những giải pháp quan trọng để thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, không vì thế mà Hà Nội chạy theo số lượng và thành tích mà việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được nghiêm túc thực hiện từ cấp huyện đến cấp thành phố. Dự kiến trong tháng 11 này các quận, huyện, thị xã sẽ hoàn thành việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở cấp cơ sở, tháng 12 Hội đồng OCOP cấp thành phố sẽ thẩm định các sản phẩm OCOP 4 sao và OCOP tiềm năng 5 sao.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Ninh Bình có 7 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Cục Công thương địa phương có quyết định công nhận 126 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024. Tỉnh Ninh Bình có 7 sản phẩm.