Đến hết tuần qua, nước này ghi nhận hơn 2,8 triệu người nhiễm, cao hơn bất kỳ nước nào khác ở châu lục đang bị biến thể Delta tấn công, ngoại trừ Ấn Độ.
Wirawan là nhân viên cứu hỏa tại Jakarta, nhưng khoảng 1 năm nay anh không phải tham gia một đợt chống giặc lửa nào mà thay vào đó công việc hàng ngày của anh cùng 7 đồng nghiệp khác là sáng khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, đến từng nhà để gói ghém tử thi và chuyển đi nhà xác rồi đưa ra nghĩa địa chôn cất.
Rất nhiều người chết, như anh kể là chết một mình, hoặc do họ không được chuyển cấp cứu kịp thời hoặc bị bệnh viện từ chối tiếp nhận. “Thường là có hàng xóm gọi đến đường dây nóng thông báo, họ không nhìn thấy nạn nhân đã nhiều ngày kể từ khi có lệnh giãn cách xã hội hay tự cách ly. Đó là tình huống chúng tôi gặp hàng ngày, đã lâu rồi”, Wirawan nói.
Trước làn song dịch đang hoành hành, mỗi ngày Wirawan sắp xếp 2 đến 3 tang lễ. Còn đôi ba tuần nay, có ngày anh được nhóm điều phối yêu cầu lo đến 24 lễ tang, việc quay như chong chóng.
Tình hình dịch bệnh ở Indonesia chuyển hướng xấu đột ngột từ sau lễ Eid truyền thống của người theo Hồi giáo hồi đầu tháng 5. Trong lễ Eid, cơ quan chức năng Indonesia ước tính ít nhất 1,5 triệu người đã vi phạm lệnh cấm đi lại và tụ tập đông người của chính quyền.
Thêm vào đó, các quy định cách ly với người nhập cảnh quá lỏng lẻo càng khiến mầm bệnh thêm lan rộng. Indonesia không đóng cửa hàng không quốc tế và đến thời điểm cách đây ít ngày mới tăng thời gian cách ly từ 5 lên 8 ngày.
Các chuyên gia y tế trong nước nói rằng họ không thể kiểm soát được dịch bệnh chừng nào biên giới còn mở cửa. Tuần qua, con số người chết vì Covid-19 ở Indonesia đã vượt 70.000 người và riêng trong tuần thì mỗi ngày có hơn 1.000 người tử vong.
Hệ thống bệnh viện ở Indonesia đã bị quá tải và hầu như ở đâu cũng có cảnh bệnh nhân Covid vạ vật ở hành lang hay các lều dựng dã chiến ngoài sân. Từ tháng 6, giới chức thừa nhận có ít nhất 450 người chết ở nhà do không được nhập viện.
Java, tỉnh đảo đông dân nhất Indonesia hiện là tâm dịch. Và cả những người có may mắn nhập viện được thì cũng có thể tử vong như thường do tình trạng thiếu ôxy đã rộng khắp.
“Bình thường một bệnh viện cần 3 tấn ôxy trong 3 đến 7 ngày tùy thời điểm, nay lượng đó chỉ đủ trong 1 ngày”, Lia Gardenia Partakusuma - Tổng thư ký Tổng hội bệnh viện toàn Indonesia cho biết.
Hội các chuyên gia y tế công Indonesia đánh giá, việc thiếu nguồn ôxy chứng tỏ chính quyền đã đánh giá không sát diễn biến dịch ở trong nước, dù đó là bài học nhiều nước khác đã vấp phải.
Bệnh viện không bán ôxy như mặt hàng tự do thì đã có hệ thống ngầm trám chỗ. Trên các mạng xã hội ở nước này đầy rẫy ảnh xếp hàng chờ nạp ôxy và không ít người bị quả lừa. Một người dân tên Shani Budi nói với BBC rằng, anh đặt hàng trên mạng và được yêu cầu chuyển 2,2 triệu rupiah (khoảng 170 USD) để mua 5 bình ôxy, nhưng tiền chuyển rồi mà hàng không thấy và đầu mối bán hàng cũng lặn mất tăm. Rất may, mẹ vợ anh đã hồi phục.
“Nếu giờ chúng ta nhắc đến con số 60.000 người mỗi ngày, thậm chí cao hơn nữa thì tình hình vẫn có thể kiểm soát được. Chỉ mong (số bệnh nhân) đừng đến 100.000 người, dù có vậy thì chúng ta cũng đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”, Bộ trưởng Bộ Đầu tư và Điều phối hoạt động hàng hải Luhut Pandjaitan tuyên bố trong một cuộc họp báo trực tuyến cuối tuần qua.
Do tình hình dịch bệnh cực kỳ phức tạp ở Indonesia, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa nước này vào danh sách cấm đi lại, như UAE, Oman, Đài Loan, Hong Kong, 26 quốc gia khu vực đi lại tự do Schengen. Riêng Philippines cấm nhập cảnh cả những người từng có lịch sử qua lại Indonesia trong 2 tuần gần đây.
Trong khi nhân viên y tế căng mình ngày đêm chống dịch và hệ thống y tế quá tải, nhiều quan chức bị chỉ trích đã vô cảm trước những khó khăn trong nước. Trong số này có Bộ trưởng Bộ An ninh tư pháp và các vấn đề chính trị Mahfud MD, khi ông này viết trên Twitter: “PPKM (hạn chế hoạt động công cộng trong tình huống khẩn cấp) cho tôi cơ hội được thưởng thức vở kịch nghệ Ikatan”.