| Hotline: 0983.970.780

Chi cục Kiểm lâm vùng IV nỗ lực bảo vệ rừng: Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn

Thứ Ba 16/05/2023 , 11:30 (GMT+7)

Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã phối hợp với ngành chức năng địa phương thực hiện tốt quản lý bảo vệ rừng, nhưng hiện nay còn một số khó khăn cần tháo gỡ.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công ty lâm nghiệp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ 100% diện tích rừng hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng tự nhiên; Đảm bảo cơ cấu 3 loại rừng hợp lý; Nâng cao năng suất, chất lượng rừng; Duy trì độ che phủ rừng ổn định từ 42% đến 43% theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Đại hội Đảng khóa XIII (toàn vùng là 48,75%).

Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp với các đơn vị trong khu vực để hoàn thành tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Ảnh: Quang Yên.

Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp với các đơn vị trong khu vực để hoàn thành tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Ảnh: Quang Yên.

Tăng cường năng lực thực thi pháp luật về lâm nghiệp, phấn đấu số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại giảm từ 10%-20% so với năm 2022; Thực hiện đồng bộ các chính sách về tài chính, đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác quản lý, tác bảo vệ và phát triển rừng; Tập trung nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới; Tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là công nghệ GIS, ảnh viễn thám và thiết bị bay trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng; Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; Điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và theo dõi diễn biến rừng…

Cũng theo ý kiến của ông Bùi Sanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV, mặc dù đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trong phạm vi hoạt động của vùng IV quản lý, nhưng hiện nay còn một số khó khăn cần tháo gỡ, cụ thể:

Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang gánh vác khối lượng công việc khá nặng, phải hoạt động ở môi trường xa xôi, địa hình hiểm trở, làm việc không có giờ giấc, chế độ chính sách còn quá thấp. "Đây là nguyên nhân khiến trong nhiều năm trở lại đây có rất nhiều công chức, viên chức làm công tác quản lý bảo vệ rừng tại các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các địa phương xin nghỉ việc", ông Sanh chia sẻ.

Cùng với đó, đa số diện tích đất rừng bị lấn chiếm để làm nương rẫy là của người dân tộc thiểu số nên gặp khó khăn trong việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm được người dân sản xuất nương rẫy ổn định, lâu đời và trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều... diện tích đất rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy nằm rải rác, đan xen trong rừng; việc xâm canh từ nơi khác tới khó khăn cho công tác thống kê, rà soát, xác định chủ thể sử dụng đất. Chính vì vậy việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Việc bố trí kinh phí chưa kịp thời từ ngân sách Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, Nghị định số 118/2014/ NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ, để các công ty có nguồn kinh phí triển khai các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại rừng đang diễn ra nghiêm trọng; Quan tâm, giải quyết các nội dung nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường để giảm sức ép vào rừng, đất rừng;

Để giải quyết những tồn, tại khó khăn trên, theo ông Bùi Sanh chúng ta cần nhiều giải pháp. Cụ thể Chính phủ cần ban hành cơ chế đặc thù trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với địa phương có diện tích rừng lớn để có nguồn lực thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo thu nhập cho người dân sống gần rừng, liền rừng. Cùng với đó là nghiên cứu ban hành Nghị định về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp, nhất là các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện này ngành kiểm lâm còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để phát triển. Ảnh: Quang Yên.

Hiện này ngành kiểm lâm còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để phát triển. Ảnh: Quang Yên.

Bổ sung các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên, phụ cấp độc hại nguy hiểm và các chế độ ưu đãi khác. Bên cạnh đó là điều kiện làm việc để cải thiện thu nhập, đảm bảo đời sống cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ. Có như vậy mới thu hút và níu chân được lực lượng này gắn bó tâm huyết với công việc lâu dài.

Tăng thẩm quyền trong việc trấn áp các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt, đối với các đối tượng có hành vi chống đối, có khả năng gây thương tích, nguy hiểm đến tính mạng cho lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Theo đó, cần trang bị cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng các loại công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị chuyên dùng có tính năng trấn áp khi đối mặt với các đối tượng xâm hại rừng có hành vi manh động, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện vi phạm.

“Đã đến lúc cần quan tâm, đảm bảo chế độ tiền lương, phụ cấp, nghỉ ngơi đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng, đề xuất được hưởng một số chế độ, chính sách như lực lượng vũ trang. Đảm bảo đầy đủ trang thiết bị và các điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, cố gắng tạo điều kiện cho công chức, viên chức, người lao động công tác gần nhà để họ yên tâm công tác ổn định, lâu dài”, ông Bùi Sanh chia sẻ.

“Ghi nhận những kết quả đạt được trong những năm qua, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2019), Cờ thi đua của Bộ NN-PTNT năm 2019, Bằng khen Bộ NN-PTNT (năm 2016, 2018, 2019) và nhiều Giấy khen của Tổng cục Lâm nghiệp, Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk…”.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.