| Hotline: 0983.970.780

Chỉ đạo một đằng, nuôi một nẻo!

Thứ Sáu 14/11/2014 , 10:04 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, địa phương, nhất là người nuôi không tuân thủ đúng quy trình khiến tôm dịch bệnh nặng.

17-39-31_dscf1626
Ông Dương Tiến Thể

Theo báo cáo của Cục Thú y, 10 tháng đầu năm 2014, tổng diện tích tôm bị bệnh đốm trắng ở các tỉnh ĐBSCL lên tới trên 21 nghìn ha, tăng gần gấp đôi so với 10 tháng đầu năm 2013 (khoảng hơn 12 nghìn ha).

Nghiêm trọng nhất là Sóc Trăng với gần 11 nghìn ha tôm mắc bệnh (so với 657 ha 10 tháng đầu năm 2013), trong đó riêng tôm thẻ hơn 7.500 ha (so với 10 tháng đầu năm trước là 237 ha); Cà Mau 7.465 ha (so với cùng kỳ năm trước 137 ha).

Bên cạnh đó, bệnh hoại tử gan tụy nhiều địa phương vẫn không thuyên giảm. Cụ thể 10 tháng đầu năm 2014, đã có hơn 5.200 ha tôm bị bệnh (so với cùng kỳ năm trước khoảng 5.600 ha).

Trong đó, Bạc Liêu là tỉnh có diện tích tôm bị bệnh hoại tử gan tụy lớn nhất với 1.578ha; Trà Vinh 1.095ha.

Nhiều tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là Sóc Trăng, cho biết tôm bị dịch bệnh rất nghiêm trọng, ông đánh giá thế nào về tình hình dịch bệnh năm nay?

So với mọi năm thì năm nay tình hình dịch bệnh trên tôm ở ĐBSCL nhìn chung không gay gắt như trước. Sóc Trăng họ nuôi tới hơn 40 nghìn ha, bị bệnh có mấy nghìn ha chưa phải quá lớn!

Vậy Cục Thú y đã xác định được nguyên nhân tôm bị bệnh chưa?

Nguyên nhân đã rõ rồi. Quy trình nuôi thế nào hiện đã có hết rồi, vấn đề là thử hỏi dân xem có bao nhiêu hộ làm theo hướng dẫn?

Sóc Trăng bây giờ họ chuyển sang nuôi thâm canh, một ha thu được 10 tấn tôm thì cũng thải ra ao hơn 10 tấn thức ăn dư thừa, nhưng nuôi lại không đúng quy trình.

Đầu tư hạ tầng cho 1 ha tôm nuôi thâm canh tốn rất nhiều tiền, nhưng dân không có đầu tư gì, không có sục khí, thả nuôi không đúng hướng dẫn.

Ví dụ lấy nước vào ao từ kênh mương phải qua bể trung gian, để mấy ngày cho ấu trùng dịch hại nở hết, xử lí dịch hại xong mới cho vào ao nuôi nhưng dân vẫn cứ lấy thẳng nước vào. Hoặc dùng hóa chất diệt dịch hại trong ao, nhưng tồn lưu thuốc để lại khiến tôm chết, xử lí đáy không đúng quy trình, không xử lí hết tồn lưu thức ăn.

Đặc biệt là thả nuôi không đúng mùa vụ, thả giống vào giao mùa lúc bệnh đốm trắng xuất hiện...

Ông nói quy trình nuôi đã có từ lâu, nhưng dân vẫn không làm theo quy trình. Phải chăng không ai phổ biến cho dân?

Sao lại không! Quy trình, kỹ thuật nuôi năm nào chúng tôi chả có hướng dẫn cho các địa phương.

Nhưng phổ biến cho dân là trách nhiệm của khuyến nông, của địa phương. Địa phương có cả hệ thống chính trị, có cả huyện, xã cơ mà, chứ Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản có mấy người, làm sao mà đi hướng dẫn cho từng người được.

Cái này địa phương làm quá kém, tôi đã báo cáo Bộ, Bộ đã chỉ đạo Cục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tổng cục Thủy sản tăng cường, chúng tôi cũng mới làm tờ rơi và video hướng dẫn khuyến cáo để đăng đài truyền hình rồi.

Nhiều địa phương nuôi tôm nói tỉ lệ thả nuôi đến giờ chỉ mới đạt 40% do dịch bệnh, và năm nay khó mà đạt 60% diện tích. Liệu năm nay diện tích sản lượng tôm sẽ tụt mạnh không?

Đạt 40% là nói tới tôm vụ 2 thôi, thả giống xuống là chết nên họ không thả nữa nên mới thấp như thế, chứ tôm vụ 1 xuống giống đầu năm họ vẫn nuôi nhiều chứ.

Cái này từ cuối năm 2013 chúng tôi đã có lịch nông vụ gửi cho các tỉnh, khuyến cáo chỉ nên thả 1 vụ/năm đối với tôm thẻ chân trắng, còn lại nuôi các đối tượng khác.

Thế nhưng nhiều nơi họ vẫn nuôi 2, 3 vụ/năm, thậm chí chưa dọn ao đã thả ngay. Như thời điểm này đang là giao mùa, bắt đầu vào mùa mưa ở miền Nam, người nào thả giống thì tôm chết thôi.

Nhưng mỗi năm họ đầu tư lớn như vậy, làm sao bảo họ nuôi mỗi một vụ?

Cái này phải nói dân nhiều nơi mới trúng được một vụ, thu hàng tỉ đồng thì họ sướng quá, lại đổ xô vào nuôi ngay, bất chấp rủi ro và khuyến cáo.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Cây mía Cù Lao Dung tìm lại thời vàng son

Sóc Trăng Giá mía khởi sắc, niềm tin của chính quyền và người dân, sự quyết tâm của doanh nghiệp tạo điều kiện đưa cây mía Cù Lao Dung về lại thời vàng son.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.