| Hotline: 0983.970.780

Chị Lanh mua máy bay!

Thứ Hai 16/10/2023 , 08:45 (GMT+7)

Tin chị Lanh mua máy bay là thật chứ không còn là tin đồn. Môt cụ cao niên trong làng quả quyết: 'Nó mua rồi, mua thật. Không tin cứ vào nhà nó mà xem!'.

Cái tin chị Lanh mua máy bay khiến cả thôn Giáo Nghĩa xôn xao. Mấy bà cụ đang tách vỏ lạc ngoài chái hiên, bụm miệng cười ngằn ngặt: “Thái Bình nào đã làm gì có sân bay. Mà cái Lanh mua tầu bay về, thì nó lấy chỗ nào mà để?”. Một cụ hay chuyện nhất thì quả quyết: “Nó mua rồi, mua thật. Không tin cứ vào nhà nó mà xem”.

Chị Trần Thị Lanh bên chiếc máy bay phun thuốc trừ sâu vừa mua về. Ảnh: Kiên Trung.

Chị Trần Thị Lanh bên chiếc máy bay phun thuốc trừ sâu vừa mua về. Ảnh: Kiên Trung.

Cái máy bay giá trị ngang 1 lô đất

Chị Lanh mua máy bay là thật chứ không còn là tin đồn. Cho đến khi tôi và chị khệ nệ nhấc cái thùng các-ton vẫn còn thơm mùi giấy, nhấc lên một cách nhẹ nhàng, từ tốn không phải vì lớp xốp đệm bên trong nó mút chặt quá, mà vì tôi thấy chị Lanh mắt nhìn như dán vào thứ đang đựng bên trong tấm bìa, ánh nhìn vừa hồi hộp, vừa lo lắng nhưng cũng đầy háo hức. Cái máy bay đây chứ đâu!

Khi thùng giấy được nhấc lên hẳn, chiếc máy bay của chị Lanh - đúng là “vừa đập hộp”, to cỡ nửa chiếc bàn uống nước, dài gần một mét, rộng cỡ 60cm, sâu cũng khoảng ấy, đang yên vị bên trong lớp thùng xốp trắng muốt. Nổi bật là bộ khung thép sơn màu đen – một thứ sơn rất xịn xò, hai chiếc bình màu trắng treo bên trên, bốn xung quanh là cánh quạt (chong chóng) vẫn đang gấp gọn gàng, chồng lên nhau như cánh dế…

Đây là chiếc máy cày đỏ chót, có giá gần 500 triệu đồng. Ảnh: Kiên Trung.

Đây là chiếc máy cày đỏ chót, có giá gần 500 triệu đồng. Ảnh: Kiên Trung.

Chiếc máy bay T20 này có thể mang 20 lít thuốc trừ sâu, nặng lên tới nửa tạ mà bay lượn, vần vũ được trên những cánh đồng mẫu lớn giúp giải phóng sức người. Nó là biểu tượng của cơ giới hóa trong nông nghiệp – thứ mà những hộ đại điền ở quê hương Năm Tấn như chị Trần Thị Lanh (thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương) đang khát khao, ao ước. 3 ngày trước, nhóm đại điền Thái Bình gồm mấy anh em thân thiết, đã xoay trần uống trận rượu liên hoan linh đình cùng vợ chồng chị Lanh mừng chiếc máy bay mới…

Ở nông thôn, chiếc máy bay này là một gia tài, nó ngang một ô đất ở quê. Ô đất, nếu chưa đủ tiền thì người ta còn cố đi chạy vạy, giật chỗ này, mượn chỗ kia để mua, vì dẫu sao nó cũng là thứ cầm – nắm được, mà có để “quên” đi mấy năm cũng sẽ sinh lời. Còn cái máy bay, chưa biết như nào, nhưng muốn điều khiển được nó còn phải đi học chán, được cấp bằng, được cấp giấy phép bay thì mới bay lượn được, nói chung phức tạp lắm.

Lúc gặp tôi bên cánh đồng mẫu lớn trồng rặt giống lúa Đài thơm 8 của Công ty Giống cây trồng Việt Nam – Vinaseed, chị Lanh mặc chiếc áo vàng, đội mũ đồng phục, nhễ nhại mồ hôi, tôi cứ ngỡ đó là cán bộ kỹ thuật của công ty đang đi làm công việc thường ngày, kiểm tra lúa đang đỏ đuôi sắp thu hoạch. Gặp cửa cống tưới tiêu nội đồng chi chít dấu chân chuột, có những dấu chân còn hằn nguyên 3 cái móng vuốt sắc lẻm chém trên mặt đất ẩm, chị Lanh bảo anh Định, cán bộ khuyến nông xã Bình Minh: “Đàn này to đấy. Vụ tới, anh bảo anh em quản nông làm ống nhựa bắc ngang dẫn nước, có nắp lưới bít hai đầu, thế mới chặn đường đi của chuột đàn. Những cánh ruộng đang đổ rạp, nó mà vào làm tổ trong ấy, rồi sinh đàn sinh đống thì đến khi thu hoạch chỉ còn toàn rơm”.

Chị Trần Thị Lanh trong một buổi sáng đi thăm đồng.

Chị Trần Thị Lanh trong một buổi sáng đi thăm đồng.

10h trưa. Mặt trời lên cao chếch đỉnh đầu. Đã lập thu được già nửa tháng mà nắng vẫn như vốc lửa ném xuống. Trời tịnh không một tý gió, ắng như lúc chuẩn bị đổ cơn giông. Chị Lanh rủ tôi về nhà chơi, thăm hợp tác xã mà chị làm giám đốc, tôi mới giật mình: hóa ra “nữ tướng” làm đại điền sớm nhất, quy mô lớn nhất Thái Bình - Trần Thị Lanh là đây!

Cũng vì cơ duyên ấy tôi mới biết chị Lanh vừa mua “máy bay” – cái tin khiến cả xã Bình Minh xôn xao gần tuần nay, và là đề tài khiến mấy cụ bà đang nhẩn nha tách vỏ lạc bên chái hiên cứ bàn tán nãy giờ, rồi ngằn ngặt cười tới mức quên cả bóc lạc.

Nhưng chưa hết. Ngoài chiếc máy bay “trị giá bằng một lô đất”, chị còn sắm thêm một chiếc máy cày làm đất mới toe, sơn màu đỏ chót, nhìn xa có lẽ còn đỏ hơn cả con chuồn chuồn ớt. Chiếc máy cày cũng vừa “đập hộp”, nghễu nghện trong khuôn viên, bánh xe vẫn mới coóng chưa một lần lăn bánh; một chiếc máy cuốn rơm; một chiếc xe nâng, với chiếc máy bay đang để trong hộp kia, tổng tiền tròm trèm hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài đồng, lúa bắt đầu đỏ đuôi... Ảnh: Kiên Trung.

Ngoài đồng, lúa bắt đầu đỏ đuôi... Ảnh: Kiên Trung.

Anh Đỗ Văn Dân – Chủ tịch CLB những người cấy lúa lớn (hay còn gọi là “đại điền”) bảo tôi: “Vợ chồng Quang – Lanh (tên vợ chồng chị Lanh cũng đồng thời là tên HTX mà chị làm giám đốc – PV) ấy “ăn chơi” thật, sắm nguyên dàn máy mới hơn tỷ đấy. Thêm cái này, “cánh tôi” giờ có chục cái máy bay phun thuốc sâu rồi. Cứ đà này thì cơ giới hóa nông nghiệp xong cả rồi. Mấy hôm trước, anh em tôi cũng được mời xuống nhà cô ấy liên hoan”.

Ngoài đồng, lúa bắt đầu đỏ đuôi. Những ruộng trồng sớm, bà con đã thu hoạch về, thóc rải trên những tấm bạt, lưới… phơi đầy hai bên đường. Trưa, cơn mưa bất chợt đổ ụp, cả nhà lớn bé bỏ dở bát cơm, nháo nhào ra chạy thóc. Khung cảnh vừa tất bật, vừa vội vã. Một ống quần vẫn xắn móng lợn, xem chừng tức bực vì bữa cơm bỏ dở, đứng chống nạnh mắng inh cả lên, là “cớ sao ông giời lại nhè đúng lúc người ta đang đưa bát cơm lên miệng, lại phải bỏ đũa xuống?”.

Nhưng với “cánh đại điền” thì khác. Họ không thể nghĩ thế, làm thế được, không thể thu hoạch cả trăm ha lúa về rồi chất đống chờ đến lúc trời nắng mới mang ra phơi, hay vội vàng, hấp tấp “bán lúa non”, lúa tươi ngay tại chân ruộng cho tư thương được. “Như thế là chết em ạ. Người ta nói “ngày mùa” chứ không ai nói “tháng mùa” bao giờ. Nếu không chủ động được, bị lệ thuộc thì không chỉ bị ép giá, thóc lên mầm, lên mộng vì không kịp phơi, chỉ đổ cho chuột ăn. Cái đó gọi là ‘mất mùa tại nhà’ đấy” – chị Lanh nói với tôi.

'Nữ tướng' HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Lanh Trần Thị Lanh. Ảnh: Kiên Trung.

"Nữ tướng" HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Lanh Trần Thị Lanh. Ảnh: Kiên Trung.

Qua rồi thời “nhất sỹ, nhì nông”

Chị Trần Thị Lanh sinh năm 1977, giám đốc HTX Quang Lanh chuyên về sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ở Thái Bình. Chị cũng là trưởng thôn Giáo Nghĩa (xã Bình Minh), là một trong 14 gương mặt phụ nữ điển hình, xuất sắc nhất của Thái Bình được đi dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam năm 2022. Bức ảnh 14 “chị Hai năm tấn” xúng xính áo dài đỏ tân thời, chị nào cũng tươi như hoa chụp ảnh cùng với ông Bí thư tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải được chị treo trang trọng trong phòng làm việc. Nhiều ảnh lưu niệm, nhiều bằng khen, giải thưởng khác… mà chị nhận được cũng đang treo hết ở phòng này càng khiến căn phòng 20m2 – “sở chỉ huy” của HTX Quang Lanh trở nên chật chội.

Hiện chị Lanh đang cấy 100ha lúa – diện tích thuộc loại lớn nhất trong số các đại điền ở Thái Bình. Nhưng, ít ai ngờ, 15 năm trước, vợ chồng chị vẫn là tiểu nông, sở hữu vỏn vẹn 3 sào ruộng được chia theo đầu người, canh tác vẫn theo truyền thống xưa cũ, mạnh ai nấy làm…

“Khi ấy, vợ chồng cũng chưa có ý định làm đại điền đâu. Lúc đó cũng chỉ mua sắm máy tuốt, máy cày, máy bừa làm dịch vụ cho bà con trong làng, ăn theo công sản hoặc tính theo sào. Cái máy tuốt kéo lê khắp đường thôn ngõ xóm, nhọc lắm mà cũng chả đủ công. Năm 2008, tôi mua cái máy gặp đập liên hoàn, nghĩa là ba trong một: đằng trước gặt, giữa tuốt lúa, phun rơm tại chỗ, phía sau thì tuồn thóc ra bao, bà con chỉ việc nhận thóc ngay tại bờ. Cả làng kéo ra xem, đông lắm, bảo: “Sao lại có cái máy nó tài thế”.

Chị em phụ nữ vừa bóc lạc vừa bàn tán xôn xao câu chuyện 'chị Lanh mua máy bay' về làng. Ảnh: Kiên Trung.

Chị em phụ nữ vừa bóc lạc vừa bàn tán xôn xao câu chuyện "chị Lanh mua máy bay" về làng. Ảnh: Kiên Trung.

Nhưng cũng không ít người nghi ngại, bảo: máy to như thế chỉ làm được chân ruộng lớn, chân ruộng nhỏ thì chịu chết thôi; người thì bảo, gặt đập tại bờ như này, thóc nó rơi vãi, hao hụt, còn gì mà ăn… Phải giải thích cho bà con rằng, cái máy đã được bao nhiêu cơ quan nghiên cứu, thẩm định rồi mới cho ra ngoài đồng mà làm, nên nếu có hao hụt thì cũng ở mức chấp nhận được. Bà con xem, một ca thóc vãi xạ kín cả sào ruộng, thì hạt rơi, hạt vãi khi thu hoạch cũng là chuyện bình thường, và chấp nhận được. Xong, rồi đâu cũng vào đấy” – chị Lanh kể.

Nông nghiệp không đủ ăn, bà con bỏ ruộng, chuyển nghề mỗi năm một nhiều. Chót đầu tư máy cày, máy bừa làm dịch vụ, xót ruộng, anh chị cứ cày bừa tràn hết cả những cánh ruộng bỏ hoang, rồi gieo cấy một lèo. Chủ ruộng có ý kiến, anh chị nhận trả thóc sản thay chủ, giúp họ giữ ruộng. Cứ thế, cứ thế, chị Lanh “dấn chân” thành đại điền từ khi nào…

“Năm 2012 chia lại ruộng đất, đầu tiên bà con vẫn giữ ruộng, bám ruộng lắm, nhưng rồi nông nghiệp không hiệu quả, các công ty về quê lại ngày mỗi nhiều, thanh niên bỏ ruộng đi làm công nhân hết, ruộng lại càng để hoang. Tính tôi xót ruộng, tiếc đất, mà máy móc mình đầu tư không khai thác hết công suất, để nó nhàn rỗi thì cũng không đành. Thế là từ một vài ha lên đến 5 – 7ha, rồi vài chục ha, giờ là 100ha. Thế là thành đại điền” – chị Lanh kể.

Mất mùa... trên bờ!

Tôi hỏi chị Lanh: “Vụ mùa năm nay, các đại điền Thái Bình có được mùa không?”. Câu trả lời của chị khiến tôi cứ ngỡ chị đang đánh trống lảng, không muốn tiết lộ “thiên cơ” hay nói ra doanh thu từ nông nghiệp khiến thiên hạ sinh lòng đố kỵ, “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” mà cạnh tranh với những đại điền đang “tung hoành” trên đất Kiến Xương… Nhưng không phải!

Những cánh đồng mẫu lớn ở Thái Bình. Ảnh: Duy Học.

Những cánh đồng mẫu lớn ở Thái Bình. Ảnh: Duy Học.

“Năng suất bây giờ nó không quyết định nhiều đâu em. Điều mà chúng tôi lo nhất, đó là giá. Nếu chỉ nhỉnh lên vài giá, người trồng lúa có thể bớt mất ăn mất ngủ về khoản đầu tư đầu vào, phân bón, thuốc sâu, giống má… Giá, nó quyết định tất cả. Nếu không làm chủ được về giá, thì mình bị mất mùa ngay trên bờ, mất mùa ngay tại nhà chứ không phải mất mùa trên đồng, mất mùa vì thiên tai, thời tiết đâu”.

“Mất mùa trên bờ” – một cụm từ mà với tôi là rất mới, rất lạ, và rất trúng, nó khiến tôi phải mở sổ để ghi lại ngay vì sợ quên. Nhưng, nó có thể thú vị với người viết lách, còn với người làm đại điền, những người ném “tiền tươi thóc thật” đánh bạc với đồng đất, cụm từ ấy lại là nỗi lo thường trực.

“Các bác chuyên gia thường đưa ra nhiều quy trình, nghiên cứu, lý thuyết, và yêu cầu phải tuân theo đúng quy trình ấy, cách thức ấy. Nhưng, làm nông nghiệp nó khó lắm. Cũng vẫn quy trình ấy nhưng xuống vùng đồng này nó khác, vùng đồng kia nó lại khác, vì chất đất nó khác nhau. Một ha lúa, nếu không để mắt đến, chỉ một đêm ốc nó ăn hết sạch. Mà các cụ đã nói, “cấy đi không bằng dặm lại”, đã để lúa chết, đi dặm lại, làm đất cấy lại thì cầm chắc mất mùa năm ấy rồi”.

Câu chuyện đang vào hồi thì chị Lanh có điện thoại. Một đại điền khác trong CLB gọi điện hỏi chị việc đồng ruộng. Bỏ ngang chừng vài phút, trở lại, chị vẫn không quên niềm đau đáu của người sống chết với hạt thóc, cây lúa…

Chị Trần Thị Lanh (thứ 2 từ trái sang) -  một trong 14 gương mặt xuất sắc đại diện cho chị em phụ nữ tỉnh Thái Bình dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam năm 2022. Ảnh: NVCC.

Chị Trần Thị Lanh (thứ 2 từ trái sang) -  một trong 14 gương mặt xuất sắc đại diện cho chị em phụ nữ tỉnh Thái Bình dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam năm 2022. Ảnh: NVCC.

“Năm 2018, hai cơn bão liên tục đổ vào. Lúa vừa thu hoạch bị mưa bão ủ cho cả tuần, thế là mọc mầm, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Thế là lại trắng mắt. Bài học lớn, đau đớn quá. Vậy là phải đi mày mò học hỏi làm xưởng sấy lúa. Sấy được lúa sẽ giữ được thóc, giữ được thóc sẽ giữ được giá, làm chủ được thị trường chứ không để bị chèn ép giá nữa”.

Chuyện của chị Lanh khiến tôi nhớ tới câu chuyện của anh Đỗ Văn Dân – một “đại điền” chất phác, hào sảng cũng ở Kiến Xương, thuộc xã Vũ Quý, hàng xóm của vợ chồng chị Lanh. Vụ lúa tháng 5 mới rồi, xưởng sấy lúa của anh Dân bị chập điện, cháy, thiệt hại mất hàng trăm triệu đồng. Giai đoạn ấy, cả trăm tấn thóc đóng bao vừa gặt từ ngoài đồng về, anh Dân phải chất đống trên rệ đường, kéo dài vài trăm mét. Ông chủ tịch xã đi qua, gặp anh Dân, sốt ruột thay: “Ngần ấy thóc để qua đêm ngoài đường, không sợ người ta lấy à?”. Sợ, thì cũng biết làm sao được khi không có kho xưởng, không có lò sấy - anh Dân thật thà bảo.

Giờ, thì anh Dân đang bắt tay sửa lại cái lò sấy. Hai thợ cơ khí cùng anh có mặt mấy ngày nay để sửa lại cái giàn đảo thóc. Đống than kíp lê chất đống ngay đầu lò. “Sấy nhiệt, chú ạ. Sấy điện thì chết tiền. Làm nông, phải tính toán từng khoản một” – anh Dân đứng trên tầng 2 của dây chuyền sấy thóc, vừa đu người lên tay đòn cộng lực vặn con ốc ở giàn sấy, vừa ngoái đầu nói chuyện với tôi.

Cuộc sống êm đềm trên quê lúa Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Cuộc sống êm đềm trên quê lúa Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

“Đại điền” – một phong trào đang lên ở quê lúa Thái Bình, thực ra không có gì to tát cả: họ vẫn là những người nông dân một nắng hai sương, cấy lúa quy mô lớn hơn về diện tích canh tác, dám đầu tư tiền trăm, tiền tỷ vào nông nghiệp… Nhưng, họ khác những ông bà nông dân truyền thống cũ của ta, mà hiện nay những người ấy vẫn còn tồn tại khi tư duy chưa có sự đổi khác, ấy là họ biết đi cùng nhau, họ có tình yêu đất đai, cây lúa, hạt thóc… nhiều hơn so với những người khác.

“Nói thật, nhìn đồng đất bỏ hoang, cỏ mọc cao lút đầu, rồi rắn rết, chuột bọ trú ngụ, làm đàn làm tổ…, tôi tiếc lắm. Thế là cứ cố mà làm thôi. Nhưng mà không tham. Tôi cũng chỉ làm trong phạm vi xã mình, xã bạn, chứ bảo tôi đi huyện khác, tỉnh khác đầu tư đại điền, tôi không nhận. Thứ hai, mình biết gì, hiểu gì thì chia sẻ với anh em chứ không giữ riêng cho mình. Không ai nắm tay được hết cả ngày cả. Ngay như máy móc, thiết bị nông nghiệp, tôi mua về để phục vụ nhu cầu sản xuất của mình, sau đó giúp bà con trong thôn, trong xã, tôi thấy vui lắm. Nếu bà con tự mình lo cấy hái, từ khâu làm đất, gieo mạ, xuống giống…, chi phí tạm tính cỡ trên 300 ngàn đồng/sào. Nếu để chúng tôi hỗ trợ, bà con không phải bỏ tiền mua giống, khoán trắng, chỉ việc nhận thóc đầu bờ, chi phí mới chỉ 270 ngàn đồng/sào. Tôi không muốn được mùa một mình, mà cả làng được mùa, vậy mới thích”, chị Lanh thật thà bảo.

Tôi chào chị Lanh ra về nhưng không quên cùng chị đậy lại nắp thùng cac-ton chiếc máy bay mà chị vừa nhận. Vụ lúa tới đây, bà con xã Bình Minh sẽ được tận thấy một chiếc máy bay không người lái vần vũ trên cánh đồng lớn của quê hương - hiện thực hóa giấc mơ cơ giới hóa nông nghiệp.

  • Làng Nủ trước ngày khánh thành
    Phóng sự 14/12/2024 - 21:19

    40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.

  • Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’
    Phóng sự 14/12/2024 - 10:15

    Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.