Những kỳ vọng từ các địa phương
Để xây dựng chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL, giải quyết được những tồn tại về cơ giới hóa đồng bộ đang hiện hữu trong vùng, sớm đưa Trung tâm đi vào vận hành là vấn đề rất khó. Vì thế, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL đã đặt ra nhiều tâm huyết và kỳ vọng.
Theo quan điểm của ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, thực tiễn sản xuất nông nghiệp hiện nay ở ĐBSCL đang có xu hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, sản xuất theo quy mô lớn. Do đó, nhu cầu cơ giới hóa trở thành bức thiết trong giai đoạn tới.
Hơn nữa, trình độ sử dụng cơ giới hóa của một bộ phận lao động vẫn còn hạn chế, phần lớn các tổ đội cơ giới hóa được huấn luyện theo kinh nghiệm, chỉ dẫn là chính. Một số thiết bị yêu cầu kỹ thuật cao cần phải có kỹ năng sử dụng phù hợp để phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, lĩnh vực cơ khí nông nghiệp ở TP Cần Thơ còn hạn chế, các thiết bị, đặc biệt là những thiết bị hiện đại trong quá trình vận hành, hư hỏng, sửa chữa còn rất khó khăn.
Do đó, ông Nghiêm kỳ vọng, mong muốn Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL ra đời sẽ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp Thành phố thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Đồng thời, Trung tâm sẽ tạo ra không gian đào tạo, hỗ trợ huấn luyện cho lực lượng làm dịch vụ cơ giới hóa và nghiên cứu, đề xuất các chính sách để Thành phố vận dụng thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trên địa bàn. Ngoài ra, Trung tâm sẽ là nơi trình diễn, bảo trì, sửa chữa các thiết bị cơ giới, đặc biệt là những thiết bị hiện đại, phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy hải sản.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Đáng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng kiến nghị nên sớm thành lập Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL. Bởi Trung tâm sẽ là nơi cung cấp trang thiết bị, máy móc phục vụ cơ giới hóa cho cả vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, ông Đáng cho rằng, đề án thành lập Trung tâm cần quan tâm đến những chính sách đôi bên cùng có lợi để thu hút các HTX, doanh nghiệp tham gia vào. Theo ông Đáng, các chuyên gia cần nghiên cứu kỹ về từng vùng đất, địa hình của các địa phương trong vùng, từ đó đưa ra những sản phẩm phù hợp, mang tính thích nghi.
Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến việc thành lập Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL. Song song với việc thành lập Trung tâm, hướng tới Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng sẽ thành lập trung tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận và ứng dụng cơ giới hóa. Và Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp của vùng ĐBSCL sẽ là môi trường để tỉnh có cơ sở đưa lực lượng tham gia đào tạo.
“Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền để bà con nông dân, HTX nâng cao nhận thức, từng bước áp dụng cơ giới hóa một cách đồng bộ, từng bước chuyển sang tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp”, ông Đáng nêu định hướng.
Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng đang đặt kỳ vọng, Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ là nơi nghiên cứu, phát triển nhiều ứng dụng về cơ giới hóa phục vụ cho sản xuất. Từ đây, bà con nông dân sẽ có cơ hội được đào tạo, tập huấn kỹ thuật vận hành, bảo quản, sử dụng các thiết bị cơ giới hoá. Trung tâm cũng là nền tảng để các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, tạo động lực để hình thành các HTX dịch vụ cơ giới hóa trong từng khâu sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang mong muốn, trong đề án thành lập Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL, các chuyên gia cần tính toán, tạo ra không gian học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa nhà nghiên cứu và nông dân, là cơ sở để cơ quan quản lý đề xuất chính sách nông nghiệp phát triển cơ giới hoá. Đối với các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cần thiết thực và phù hợp với đồng ruộng vùng ĐBSCL, quan trọng nhất là giá thành phù hợp, được nông dân chấp nhận và mạnh dạn ứng dụng. Trung tâm cũng có thể đóng vai trò là nơi kiểm soát, giám định chất lượng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Thời cơ đã "chín muồi"
GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ thống nhất với quan điểm và đề xuất xây dựng đề án thành lập Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL của Bộ NN-PTNT. Hiện nay, phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ đặt tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) có diện tích trên 100ha. Lợi thế của phân hiệu này là nằm ở trung tâm sản xuất nông nghiệp của vùng, rất thích hợp nếu xây dựng một trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp. GS.TS Hà Thanh Toàn ngỏ ý, Trường Đại học Cần Thơ có thể dành khoảng 5ha đất tại phân hiệu này để phục vụ việc xây dựng Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Công ty TNHH Máy Nông Nghiệp Yanmar Việt Nam (Yanmar Việt Nam) - một trong những doanh nghiệp lớn sản xuất và cung ứng các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp đã từng khảo sát đất, với mong muốn thành lập một trung tâm để thực hiện công tác chăm sóc, bảo dưỡng cho hệ thống máy móc của Yanmar. Thấy rõ được ý nghĩa của việc thành lập Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCl, lãnh đạo của Yanmar Việt Nam đã từng có những trao đổi sâu về vấn đề thành lập Trung tâm. Trong đó, doanh nghiệp mong muốn nắm rõ các tiêu chí, chủ trương, nội dung hoạt động của Trung tâm và sẵn sàng đồng hành tham gia cùng với Bộ NN-PTNT để thành lập Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Ông Trương Chí Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu nông nghiệp Yanmar Việt Nam cho rằng, không chỉ riêng Yanmar Việt Nam mà có rất nhiều đơn vị trong và ngoài nước mong muốn đồng tình, đóng góp để thành lập bằng được Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL. Về phía Yanmar Việt Nam, doanh nghiệp đã từng tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu máy móc, thiết bị với Trường Đại học Cần Thơ, vì thế có rất nhiều thuận lợi để hỗ trợ cho hoạt động của Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Ông Thành nhấn mạnh, Trường Đại học Cần Thơ có nhiều lợi thế để tham gia thành lập trung tâm. Bởi ngay tại Trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ có các cán bộ nòng cốt ngành cơ khí nông nghiệp, từng tiếp cận với các mô hình trung tâm cơ giới hóa trên thế giới. Các cán bộ này rất tâm đắc, mong muốn tại Việt Nam sẽ hình thành được một trung tâm như vậy.
Trước đó, tỉnh Hậu Giang cũng mong muốn đồng hành cùng với Bộ NN-PTNT hình thành Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, vừa qua, tỉnh đã có đề xuất đầu tư, xây dựng Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao, gắn trên trục lộ cao tốc. Hiện nay, ngành chuyên môn của tỉnh đang thực hiện các quy trình thủ tục khảo sát đất. Nếu thuận lợi, Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ được kết nối với tuyến quốc lộ Cần Thơ – Cà Mau. Tỉnh Hậu Giang quyết tâm phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và các doanh nghiệp cơ giới hóa để hình thành ý tưởng thành lập Trung tâm.
Có thể nói, thời điểm thành lập Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL đã “chín muồi”. Và hiển nhiên, có rất nhiều vấn đề để các chuyên gia, ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL phải nghĩ và bàn tới. Trước mắt là việc tổ chức thực hiện như thế nào để Trung tâm thuận lợi thành lập và phát huy hiệu quả, để đi đến tận cùng câu chuyện về cơ giới hóa đồng bộ cho vùng ĐBSCL và cả nước.