| Hotline: 0983.970.780

Chị Mơ giỏi việc đồng, lại khéo nuôi dê

Thứ Năm 11/05/2023 , 08:58 (GMT+7)

HƯNG YÊN Chỉ thuần tuý làm ruộng, chị Mơ vẫn có được cuộc sống không thua kém bất kỳ dân kinh doanh thương mại lớn nào tại địa phương.

Biến ruộng hoang thành cánh lớn lúa chất lượng cao

Chị Nguyễn Thị Mơ ở thôn Phả Lê, xã Việt Hưng (Văn Lâm, Hưng Yên) là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Hưng Yên. Trong khi đang có nhiều nhà nông bỏ ruộng cho "cỏ leo bèo lấp" vì canh tác không hiệu quả thì chị Mơ lại biết biến những thửa ruộng này thành cánh đồng lúa lớn, thu về lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm, chưa kể nguồn thu từ gần 10 mẫu khoai tây trồng vụ đông trên cùng chân ruộng và chăn thả hàng chục con dê lấy thịt.

Cánh đồng lúa phục vụ xuất khẩu của chị Mơ. Ảnh: Hải Tiến.

Cánh đồng lúa phục vụ xuất khẩu của chị Mơ. Ảnh: Hải Tiến.

Để có được cánh đồng rộng lớn kể trên, chị Mơ đã thuê, mượn quyền sử dụng đất của các hộ bỏ hoang rồi mạnh dạn mua các loại máy cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất từ khâu cày, cấy, gặt hái. Trong 2 - 3 năm đầu, diện tích lúa còn nhỏ (chỉ 3 - 4ha), lượng thóc làm ra tiêu thụ tại chỗ dễ dàng. Tuy nhiên sau khi mở rộng diện tích lên hơn 10ha, chị Mơ gặp phải rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vì các ruộng mượn được đều thấp trũng, chỉ có thể gieo cấy các giống lúa nếp, không thông dụng và nhu cầu tiêu dùng không cao nên khó bán hơn.

Để tiêu thụ hết sản phẩm làm ra từ cánh đồng này, chị Mơ phải mất nhiều đêm thức trắng rao bán thóc, gạo trên mạng để tìm đầu ra bao tiêu ổn định hoặc bán được thóc với giá cao hơn. Tình cờ trong một lần lang thang trên facebook, chị Mơ đã kết nối được với Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Thương mại Phú Thái (Hà Nội). Nhờ đó, chị đã tìm được giống lúa TBJ3 Japonica năng suất, chất lượng cao, phù hợp cấy trên các chân ruộng trũng, còn được Công ty cam kết bao tiêu hết sản lượng thóc làm ra.   

Kết quả, từ sau khi chuyển sang cấy giống TBJ3 Japonica, vụ nào chị Mơ cũng thu hoạch được 2,7 - 2,9 tạ thóc/sào (74,7 - 80,3 tạ/ha), trừ hết chi phí đầu tư, còn lãi được hơn 500.000 đồng/sào, năng suất lúa tăng cao so với giống gieo cấy trước đó từ 50 - 70kg/sào (cùng chân ruộng và cùng phương thức canh tác).

Chị mơ đầu tư nhiều máy móc để cơ giới đồng bộ cho nông trại. Ảnh: Hải Tiến.

Chị mơ đầu tư nhiều máy móc để cơ giới đồng bộ cho nông trại. Ảnh: Hải Tiến.

Chị Mơ cho biết, lúa TBJ3 Japonica chịu rét rất tốt, thích ứng cao với các điều kiện úng, hạn và chua phèn, ít nhiễm bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn, chịu thâm canh, rất phù hợp cấy trên các chân ruộng hẩu trũng, gạo ngon, không bạc bụng. Đặc biệt là được doanh nghiệp bao tiêu hết ngay tại đầu bờ, sau đó chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản. 

Phát huy thành quả thu được, từ năm 2019 đến nay, chị Mơ tiếp tục mua thêm máy làm đất, máy bơm nước, máy cấy, cùng nhiều khay gieo mạ đi kèm, giúp giảm thuê mượn công lao động và chủ động mở rộng thêm diện tích gieo cấy. Cùng với đó, chị Mơ còn ký được hợp đồng trồng, cung ứng khoai tây cho doanh nghiệp chế biến công nghiệp và thuê thêm gần 4ha trồng rau cỏ cho chăn nuôi 70 con dê thịt. 

Người phụ nữ đa tài nghề nông

Theo chị Mơ, để tích tụ ruộng sản xuất thành công trên quy mô cánh đồng lớn, trước hết phải tìm được đầu ra bao tiêu sản phẩm ổn định, chỉ canh tác theo hướng hữu cơ bền vững mới xuất khẩu hoặc đưa nông sản vào được các nhà máy chế biến.

Không chỉ giỏi làm ruộng, chị Mơ còn rất có kinh nghiệm nuôi dê hữu cơ. Ảnh: Hải Tiến.

Không chỉ giỏi làm ruộng, chị Mơ còn rất có kinh nghiệm nuôi dê hữu cơ. Ảnh: Hải Tiến.

Theo đó, thâm canh lúa nói riêng, cây trồng nói chung cần ưu tiên bón phân hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học. Trên những chân ruộng thấp trũng, ruộng hẩu, tốt nhất là gieo mạ khay, cấy máy, vì các chân ruộng này hay bị úng ngập cục bộ, gieo mạ khay, cấy máy sẽ tránh được việc lúa phải gieo dặm lại nhiều lần, lãng phí giống và tăng chi phí đầu tư.

Trong các khu ruộng trũng, ốc bươu vàng hại lúa thường phát sinh mật độ rất cao, nên chăn thả thêm một số đàn vịt vào ruộng lúa cho ăn ốc, kết hợp với phun phòng bằng thuốc trừ ốc vi sinh. Và phải giảm ượng đạm, lân, tăng bón kali cho những chân ruộng này. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phải phun sớm khi nấm bệnh chớm phát sinh, trứng sâu chưa nở hoặc sâu non đang tuổi 1. Chú ý không dùng chung phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học với phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật hoá học.

Vỏ hạt giống lúa TBJ3 Japonica khá dày, khó nảy mầm, cần sử dụng chế phẩm chuyên xử lý hạt giống ngâm ủ có trong bao gói thóc giống và cũng dễ mua trên thị trường. Bông lúa TBJ3 Japonica có độ bền cơ lý cao, ít rơi rụng, nhưng khó tách hạt ra khỏi bông hơn so với các giống lúa thông dụng khác. Để thu hoạch hết lượng thóc trên bông lúa, cần vận hành máy gặt chậm lại, sẽ tránh được dính sót hạt trên bông, tránh giảm năng suất lúa không đáng có.

Đàn dê của chị Mơ được nuôi bán chăn thả. Ảnh: Hải Tiến.

Đàn dê của chị Mơ được nuôi bán chăn thả. Ảnh: Hải Tiến.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng khoai tây, chị Mơ cho biết có nhóm giống riêng gieo trồng phục vụ cho chế biến công nghiệp, nhưng lưu ý không thâm canh quá cao, vì nếu củ khoai phát triển vượt kích thước quy định, doanh nghiệp sẽ không thu mua, không thể bán ra chợ dùng ăn như các giống khoai tây thông thường khác, phải bỏ đi rất lãng phí, có thể còn bị thất thu.

Chia sẻ về nghề nuôi dê hữu cơ, chị Mơ cho biết dê rất dễ bán được giá cao, nhưng phải có đủ diện tích trồng rau cỏ cho dê để không phải cho ăn cám công nghiệp. Phối trộn rau cỏ với lá cây dược liệu như cỏ ngọt, cỏ xước, đinh lăng, khổ sâm, hồng ngọc hoặc bồ công anh... theo tỷ lệ thích hợp để cho dê ăn thường ngày sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả nhiều dịch bệnh trên vật nuôi này.

Kế hoạch sang năm 2024, chị Mơ sẽ tích tụ thêm ruộng, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu chế biến, nâng diện tích gieo cấy lúa (TBJ3) xuất khẩu lên 30ha và trồng 5ha khoai tây cung ứng củ cho nhà máy chế biến công nghiệp.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.