Cuộc sống cũ
Tháng 12/2022, trong quá trình tiếp nhận các tác phẩm gửi tham dự cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Bảo tồn biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì thế hệ mai sau” do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, Ban Tổ chức đã nhận được một tác phẩm hết sức đặc biệt. Điều đặc biệt ấy không chỉ đến từ sự độc đáo của bức tranh mà còn đến từ nỗ lực vượt qua hoàn cảnh không may mắn của tác giả - bé Hải Anh, 7 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội (tên nhân vật đã được thay đổi).
Cuối tháng 6/2022 vừa qua, Hải Anh vô tình phát hiện mắc bệnh suy tủy xương, một bệnh lý về huyết học. Từ thời gian phát hiện bệnh đến nay, bé đã phải trải qua việc điều trị vất vả từ nằm viện, truyền máu, khoan xương, chọc tủy, uống thuốc hàng ngày, thường xuyên vào viện kiểm tra.
Chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam, phụ huynh bé Hải Anh cho biết, loại thuốc mà bé đang sử dụng là một loại thuốc đặc trị bệnh nhưng sẽ có kèm những tác dụng phụ không mong muốn. Đặc biệt, kích thước viên thuốc lớn, không thể bẻ hay chia nhỏ được mà phải uống thuốc theo đúng lịch, đúng khoảng thời gian trong ngày, bất kể là giữa đêm hay sáng sớm theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Điều may mắn là hiện nay, bạn nhỏ có thể đáp ứng được với thuốc và có thể chờ đợi bố mẹ có những phương án tốt hơn như tìm kiếm nguồn máu cuống rốn, tủy xương phù hợp để ghép tủy.
Trong thời gian này, theo hướng dẫn của Bệnh viện, để bảo vệ an toàn sức khỏe cho Hải Anh khỏi những yếu tố nguy cơ gây bệnh phát sinh, bé phải hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Nhờ sự hỗ trợ đồng hành của nhà trường, Hải Anh được phép nghỉ học và học online tại nhà khi bé khỏe mạnh. Thế nhưng Hải Anh vẫn không được chạy nhảy và chơi các trò chơi như bao bạn bè khác do bé dễ chảy máu, dễ nhiễm khuẩn…
“Trong thâm tâm một người mẹ, thật sự cá nhân tôi hiểu tâm trạng của con. Là một em bé ngây thơ nhưng hiểu chuyện, đằng sau sự vui tươi ấy vẫn có những nỗi buồn riêng khi con không được gặp bạn bè, người thân, không được chạy nhảy, vui chơi những trò con thích, đôi lúc con còn quay mặt vào tường khóc thầm”, phụ huynh bé Hải Anh chia sẻ.
Thỉnh thoảng, bạn nhỏ hỏi mẹ: “Bao giờ con được trở lại “Cuộc sống cũ, cuộc sống mà được đi học, được tự do tung tăng vui chơi hả mẹ?” Đó là một câu hỏi mà đến các bác sỹ, gia đình và ngay cả bản thân Hải Anh cũng đang từng ngày cố gắng tìm lời giải…
“Tôi muốn gửi lời cảm ơn chương trình đã cho con gái tôi có được một cơ hội thể hiện bản thân, để bé cảm thấy mình được tỏa sáng như một “Chiến binh’ thực thụ và cho mọi người thấy được thế giới ngoài kia tươi đẹp nhường nào, để thấy khao khát được sống, khỏi bệnh của bé lớn đến nhường nào”, phụ huynh bé Hải Anh bày tỏ.
Chiến binh quả cảm
Vô tình biết đến cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Bảo tồn biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì thế hệ mai sau” do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, phụ huynh bé Hải Anh đã động viên bạn nhỏ tham gia để tìm được những niềm vui trong “Cuộc sống hiện tại”, để bé không cảm thấy bị lạc lõng so với ngoài kia, để bé cảm giác tận hưởng tuổi thơ dù có thiệt thòi.
Cuộc đời bất đắc dĩ biến bé phải trở thành một “Chiến binh quả cảm” để đối diện với căn bệnh, để không ngừng chiến đấu rồi khi lấy máu, khoan xương, chọc tủy nhưng tự an ủi “sẽ không đau”. Niềm mong mỏi của những người làm cha làm mẹ là sẽ thấy được những nụ cười hạnh phúc, vui vẻ khi con được thỏa sức sáng tạo ra tác phẩm mà con yêu thích.
Điều đặc biệt trong bài dự thi của bé Hải Anh là được vẽ bằng màu nước trên khổ giấy vẽ A3 và kết hợp với những chất liệu nilon, ống hút, vỏ chai nhựa... không còn sử dụng.
Ý tưởng bài dự thi được thực hiện khi trước đó, bé đã vô tình xem một video ngắn về bảo tồn động vật biển, ghi lại hành trình giải cứu một chú rùa biển đang trong tình trạng không thở được do ống hút bị mắc kẹt vào mũi.
Từ đó, khi vô tình biết đến cuộc thi, bé Hải Anh đã cùng bố mẹ thu thập ống hút, vỏ chai nhựa, túi nilon, mút xốp bỏ đi, vỏ điện thoại nhựa không còn sử dụng để tạo nên một tác phẩm nhiều ý nghĩa.
Sáng tạo ra tác phẩm độc đáo này, bé Hải Anh mong muốn tất cả mọi người sẽ cùng chung tay không sử dụng những loại vật dụng nhựa, nilon khó phân hủy làm ảnh hưởng môi trường, tái chế rác thải trở thành những đồ dùng, tác phẩm nghệ thuật có giá trị, không xả rác thải bừa bãi xuống biển để ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường và động vật biển. Thông điệp lớn hơn tất cả là hãy cùng nhau xây dựng một thế giới sạch đẹp và tràn đầy yêu thương.
Từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2022, Tổng cục Thủy sản phối hợp với báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Bảo tồn biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì thế hệ mai sau”.
Các bài dự thi có thể dựa trên chủ đề chính để xây dựng các tác phẩm, trong đó thể hiện được các nhóm chủ để như: Các hoạt động thường diễn ra ở khu bảo tồn biển; Các hoạt động cần thiết để góp phần bảo vệ, xây dựng khu bảo tồn biển bền vững; Những hành động nên và không nên làm ở khu bảo tồn biển; Các hoạt động bảo vệ rùa biển, bảo vệ thú biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
Hoặc các nhóm chủ đề: Các giải pháp, ý tưởng để góp phần xây dựng khu bảo tồn biển bền vững; Các hoạt động bảo vệ, tái tạo các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đặc biệt là các loài rùa biển, thú biển; Những ước mơ, hành động cần thiết để có các khu bảo tồn biển phát triển bền vững, các loài nguy cấp, quý, hiếm được tái tạo phát triển…
Bài dự thi gửi qua đường bưu điện ghi rõ: Bài dự thi cuộc thi vẽ tranh ‘‘Bảo tồn biển, bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì thế hệ mai sau” hoặc “Vẽ tranh Bảo tồn biển”.
Nơi nhận bài dự thi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại: Báo Nông nghiệp Việt Nam - Số 14, Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Số điện thoại : 038.605.6904 (anh Phạm Trung Hiếu) hoặc 024.3211.5475 (gặp Tuấn Anh).
Địa chỉ email nhận bài dự thi kỹ thuật số: nmpa.vietnam@gmail.com.
Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 9/11 đến 9/12/2022. Thời gian chấm thi từ ngày 12/12 đến 20/12/2022. Lễ Tổng kết và trao giải thưởng vào ngày 26/12/2022.