Tuyên bố trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh được khởi đầu và sau đó đến lượt người đồng cấp Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cũng lên tiếng ủng hộ bông Tân Cương, chỉ trích một số doanh nghiệp đa quốc gia đã làm tổn thương tình cảm của người tiêu dùng Trung Quốc và xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
“Bông trắng tinh khiết của Tân Cương không được làm vấy bẩn và bôi xấu bởi một số công ty nước ngoài dựa trên những thông tin sai lệch”, ông Cao Phong tuyên bố tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh hôm thứ Năm (25/3).
Trước đó hãng bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M đã bày tỏ quan ngại về tình trạng lao động cưỡng bức và nạn phân biệt đối xử đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương- khu vực sản xuất bông phía tây bắc Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ ngừng thu mua nguyên liệu bông tại đây.
Tiếp sau đó đến lượt các thương hiệu thời trang và đồ hiệu lớn khác như Nike của Mỹ, Adidas của Đức và Burberry của Anh phụ họa lên tiếng phản đối Bắc Kinh với cái gọi là “bông vải Tân Cương nhuốm màu lao động cưỡng bức”.
Động thái trả đũa mới nhất, trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng nay (26/3) cho biết đã triệu kiến Đại sứ Anh tại Bắc Kinh để đưa ra "kháng nghị nghiêm khắc và bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ" trước lệnh trừng phạt đơn phương của phía Anh đối với các cá nhân và thực thể có liên quan tại Trung Quốc.
Theo ông Mei Xinyu, chuyên gia nghiên cứu tại Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc: H&M, Nike, Adidas và Burberry cũng như các thương hiệu lớn khác của phương Tây đang phải ngậm viên thuốc đắng vì lập trường chống lại bông Tân Cương khi làn sóng người tiêu dùng Trung Quốc vào cuộc tẩy chay các thương hiệu này.
Nguyên do là những công ty này đã bị “mắc kẹt trong chương trình nghị sự chính trị của phương Tây” nhắm vào Trung Quốc và gây nên những cơn bão lửa của thị trường. Chính vì vậy, các nhà sản xuất quần áo và giày dép cần rút kinh nghiệm từ bài học này. “Họ không thể cùng một lúc khai thác tiềm năng của thị trường Trung Quốc mà không phải trả giá, nếu họ vu khống Trung Quốc về cái gọi là vấn đề nhân quyền ở Tân Cương”, ông Xinyu cho hay.
Theo ông Xinyu, là nhà sản xuất và tiêu thụ bông lớn nhất thế giới, Trung Quốc phải bảo vệ an ninh cho ngành bông của mình. Đại dịch, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và xung đột chính trị đã đặt ra các mối đe dọa ngày càng tăng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu bao gồm cả bông, và Bắc Kinh không thể phụ thuộc vào nhập khẩu bông.
Ngoài ra ngành công nghiệp may mặc đã có đóng góp rất lớn vào cơ hội việc làm cũng như xuất khẩu của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên hiện nó đang phải đối mặt với chi phí lao động và đất đai tăng cao.
Thống kê, xuất khẩu các sản phẩm dệt may đạt 1,07 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2020, tăng trưởng 30,4%- điều đó cho thấy đầy đủ khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của ngành. Do đó, Trung Quốc cần phải đặc biệt cảnh giác với cuộc chiến thực sự tấn công của các thế lực xấu nhắm vào ngành bông Tân Cương.