| Hotline: 0983.970.780

Sơn La và cuộc chiến chống lại bóng tối:

'Chiến dịch' phòng chống nạn tự tử bằng lá ngón

Thứ Tư 09/01/2019 , 14:05 (GMT+7)

Một buổi bố mẹ đi nương về nhà thấy con trai nằm im trên giường, mắt nhắm nghiền, vạch lưỡi ra xanh lè, một chỉ dấu của người chết vì ăn lá ngón.

Khổ đau những mảnh đời còn lại

Trên mảnh sân trước hiên một ngôi nhà tồi tàn ở bản Háng Đồng B xã Háng Đồng (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) tôi thấy cặp trẻ sinh đôi, một cởi truồng, một quần áo bẩn thỉu đang bò lê la rồi ê a khóc mặc cho những lời dỗ dành của người chị họ mới chừng 7 - 8 tuổi. Đồ chơi của chúng chỉ là một cái chậu thau nhôm và một cái thìa nhôm.

Một lúc sau, bố của chúng cũng từ đâu đó về, đem ra một bát cháo trắng ngồi đút cho con ăn. Những cái mồm há to như con chim non trong tổ chờ mồi. Chúng từ lâu khát sữa mẹ, thiếu hơi ấm của mẹ bởi chị đã chết trong một vụ tự tử kỳ lạ nhất từ trước đến nay ở bản, mâu thuẫn chỉ vì một cái đầu bò.

Không như bao chàng trai Mông khác lấy vợ sớm, Phàng A Ư sinh năm 1982 mãi năm ngoái mới chịu lấy vợ là Giàng Thị Chư sinh năm 1993 rồi có được một cặp sinh đôi là trai trong niềm vui vô bờ bến của gia đình. Dù đã được mấy tháng tuổi, cặp sinh đôi vẫn thường quấy khóc nên Chư nói với chồng phải làm lễ cúng để cho con ngoan hơn, nhưng Ư bảo cúng thế phải có 1 con lợn hoặc ít ra cũng có 1 triệu để mời thầy về, đằng này nhà không có gì cả.

Anh Ư đang bế cặp sinh đôi mồ côi mẹ

Chư cứ nằn nì mãi nên Ư cuối cùng cũng quyết định vét hết số tiền tiết kiệm trong nhà đi mua được cái đầu bò về với giá 300.000 đồng. Thấy chồng xách cái đầu bò về, chị vợ giục làm lễ nhanh lên nhưng anh bảo phải lọc ra muối, mất mấy ngày mới đủ làm thịt chua. Vả lại mấy ngày đó anh còn phải đi kiếm tiền nữa để mời thầy cúng. Nghe thấy thế, chị vợ bực quá vùng vằng bỏ chạy. Ư những tưởng vợ chỉ đi đâu đó thôi nhưng không ngờ một lúc sau thì người anh vợ gọi điện, Chư đã ăn lá ngón rồi về nhà anh ta.

Hoảng hốt, Ư chạy lên thì thấy vợ đang đứng trước cửa nhà anh trai liền hỏi: “Mày có ăn lá ngón thật không?”. Chị vợ đáp cụt ngủn: “Ăn rồi”. Kéo vội vợ vào nhà, pha mì chính đổ cho uống để nôn lá ngón ra nhưng chị ta nhất định không chịu há mồm ra, người dần dần bất tỉnh, cứng lên, lưỡi xanh lè rồi chết. Thế là buổi sáng 28/10/2018 hôm đó xen lẫn tiếng khèn đám ma là tiếng khóc thảm thiết của cặp sinh đôi vì khát sữa. Chúng mất mẹ khi mới chỉ vừa 8 tháng tuổi.

Anh Ư đang cho con ăn

Thương con không có sữa để ăn, ngày đêm quấy khóc, mới đây Ư làm đơn ra UBND xã để xin trợ cấp xã hội, lấy tiền mua sữa cho con nhưng không được vì đám trẻ chỉ mồ côi mỗi mẹ, vẫn còn có bố để tựa nhờ. Trong ngôi nhà trống không, chẳng có vật dụng gì đáng giá bạc triệu ấy, người đàn ông già trước tuổi đang phải nuôi con bằng mấy bao thóc chẳng đủ ăn đến mùa vụ mới. Một trong hai đứa trẻ có chứng di truyền hiếm gặp là một mắt xanh, một mắt đen. Vì không có tiền để đưa con đi bệnh viện khám nên Ư cũng chẳng biết cái mắt xanh kỳ lạ như mắt mèo kia của con có khả năng nhìn được hay không nữa…  
 

207 vụ trong 5 năm

Theo thống kê từ công an tỉnh, từ năm 2014 đến năm 2018 toàn Sơn La có 207 vụ tự tử khiến 210 người chết, một con số cao bất ngờ so với dân số. Còn theo công an huyện Bắc Yên thì từ năm 2010 đến nay đã có 69 vụ tự tử xảy ra trên địa bàn. Cụ thể 2010 có 16 vụ chết 16 người; 2011 có 16 vụ chết 13 người, 3 bị thương; 2011 có 16 vụ chết 16 người, 2013 có 15 vụ chết 15 người...

Nhưng số liệu đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi có rất nhiều vụ việc được giấu kín, không thống kê phần vì cơ sở lo bệnh thành tích, phần vì nó đã quá rõ ràng là một vụ tự tử rồi nên người nhà không muốn công an vào cuộc để mổ xẻ, khám nghiệm tử thi.

Đứa con mồ côi của anh Ư có một mắt xanh, một mắt đen

Thượng tá Đinh Xuân Thủ - Phó trưởng công an huyện Bắc Yên cho hay phần nhiều cái chết đó thuộc về dân tộc Mông nên mấy năm trước đơn vị đã phải báo cáo lên công an tỉnh cũng như lãnh đạo huyện để bàn giải pháp tháo gỡ.

Đợt tuyên truyền, giáo dục, vận động trên diện rộng qua ban dân vận, ban tuyên giáo, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… bắt đầu. Nội dung đại loại tự tử là thiệt hại cho chính bản thân mình và gia đình bởi thế khi có xích mích mâu thuẫn phải tìm đến các cấp đoàn thể, ban ngành, già làng, trưởng bản để tháo gỡ chứ không được tự giải quyết.

Cây lá ngón thường mọc ở các vùng đồi núi cao, có hoa kết chùm màu vàng rất đẹp nhưng độc tính rất cao. Theo kinh nghiệm dân gian nếu ăn lá ngón đã nấu lên thì không có cách gì cứu được nhưng nếu ăn lá ngón tươi thì ngâm người trong nước lạnh hay chặt cây chuối áp vào cho mát đồng thời gây nôn rồi rửa ruột ở trạm y tế là có hy vọng được cứu.

Trong các cuộc họp triển khai công tác nhiệm vụ an ninh trật tự ở bản cũng đều lồng ghép nội dung chống tự tử vào. Kết quả là đã giúp cho nạn tự tử trên địa bàn giảm hẳn, năm 2014 có 2 vụ chết 2 người, 2015 có 3 vụ chết 3 người, 2016 không có vụ nào, 2017 có 1 vụ chết 1 người, 2018 không có vụ nào. Nhưng thực tế thì sao?

Hờ A Mang - Phó Chủ tịch xã Háng Đồng chìa cho tôi xem quyển nhật ký bằng tiếng Mông của Hạng A Giàng - một nạn nhân mới chết vì lá ngón ở bản Làng Sáng, trên đó vẫn còn in hằn vết máu khô mà Giàng cắt ngón tay ra chấm lên để viết.

Anh Mang dịch: “Em không thích anh thì anh chết đi, đầu thai thành người mới để không làm khổ nhau nữa, giải thoát cho nhau”. Giàng đang học lớp 9 thì bỏ để lấy vợ là bạn học cùng khóa, khi mới 15 tuổi.

Vì còn là trẻ con nên chúng hay cãi cọ nhau, người lớn cũng xem đó là chuyện thường ngày. Một buổi bố mẹ đi nương về nhà, không thấy con dâu đâu, chỉ thấy con trai nằm im trên giường, mắt nhắm nghiền, vạch lưỡi ra xanh lè, một chỉ dấu của người chết vì ăn lá ngón. Đám ma được 2 ngày vẫn chưa thấy cô con dâu về đưa tang, chôn chồng bởi quá sợ hãi.

Thông thường thì người ta hay tự tử một mình nhưng cách đây mấy năm ở bản Làng Sáng có một vụ tự tử tập thể gồm ba học sinh là Mùa Thị Giang, Mùa Thị Chua và Mùa Thị Sư. Khi phát hiện ra sự việc, người ta cấp tập đổ máu chó, cứt lợn, nước mì chính vào mồm, ngoáy lông cánh gà vào họng, bơm nước vào hậu môn của nạn nhân nhưng chỉ cứu được có Giang và Chua còn Sư vẫn chết.

Hờ A Mang-Phó Chủ tịch xã Háng Đồng giơ quyển nhật ký trăn trối của Giàng
Chỉ một chút lá ngón này đã đủ làm chết một người lớn

Giờ thì Giang đã làm vợ, làm mẹ, lúc tôi đến cả nhà cô đang ngồi quây quần bên nồi sắn luộc nghi ngút khói. Hỏi chuyện lần trước tại sao tự tử thì em hồn nhiên: “Chúng em chơi thân với nhau, hôm đó Sư bị bố mẹ mắng chửi nên rủ nhau chết cùng. Sư ăn lá ngón 3 lần nên chết thật, Chua ăn khá nhiều nên say được bơm nước vào hậu môn thoát chết còn em chỉ ăn 1 ngọn, không say mà chỉ chóng mặt”.

Hỏi giờ có lúc nào nghĩ quẩn, tìm đến lá ngón để giải thoát không, em lắc đầu cười: “Không bao giờ dám nữa”.

Theo quan niệm của người Mông những ai tự tử bằng lá ngón chết không đầu thai được mà hóa thành “con ma lá ngón” để quấy nhiễu dân làng. Nghe rất vô lý nhưng “con ma lá ngón” mấy năm gần đây đã hoành hành liên tục ở xã Háng Đồng với vài vụ thiệt mạng xảy ra. Tuy nhiên hậu quả của nó chẳng thấm tháp vào đâu so với xã Hang Chú, một trọng điểm về tự tử của không chỉ huyện Bắc Yên mà còn của toàn tỉnh Sơn La. Điều này, chúng tôi sẽ làm rõ trong số báo tới.

Tình trạng tự tử chủ yếu xảy ra ở phụ nữ Mông và một bộ phận nhỏ nam giới, trẻ em có trình độ hiểu biết thấp. Nguyên nhân thường xuất phát từ những khó khăn, mâu thuẫn nhiều khi rất nhỏ nhặt. Tình trạng này tồn tại lâu dần ăn sâu vào ý thức của một bộ phận dân chúng hình thành suy nghĩ theo lối mòn, mỗi khi có mâu thuẫn, bế tắc lại tìm đến lá ngón tự tử để mong được giải thoát.

 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.