| Hotline: 0983.970.780

Chim non gồng gánh mưu sinh

Thứ Sáu 27/12/2013 , 09:58 (GMT+7)

Trong khi hàng triệu đứa trẻ đang cuộn mình trong chăn ấm, giữa vòng tay yêu thương của cha mẹ thì có hàng trăm đứa trẻ đang phải vật lộn mưu sinh trong đêm lạnh.

Trong khi hàng triệu đứa trẻ đang cuộn mình trong chăn ấm, giữa vòng tay yêu thương của cha mẹ thì có hàng trăm đứa trẻ đang phải vật lộn mưu sinh trong đêm lạnh. Đêm cuối năm ở chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) như lạnh hơn bình thường…

MỒ HÔI TRỘN SƯƠNG ĐÊM

Càng về khuya, phiên chợ đêm càng thêm nhộn nhịp. Tiếng động cơ, còi xe của những chuyến xe tải tấp nập ra vào chợ, tiếng gọi giao nhận hàng í ới, tiếng va đập giữa thùng xe và các vật cứng… phá tan màn đêm tĩnh lặng. Không hiểu sao năm nay thời tiết lạnh hơn mọi năm. Nhưng hình như, không ai cảm nhận được.

Một cậu bé chừng 10 tuổi đang hì hục chất đầy những bao rau lên chiếc xe kéo, khuôn mặt  nhễ nhại mồ hôi. Thỉnh thoảng cậu lại đưa tay áo đen nhẻm lên quẹt ngang mặt. Tôi tấp lại hỏi chuyện. “Con tên gì?”. Thấy người lạ, cậu bé nhìn tôi vẻ dò xét một lúc lâu rồi mới đáp: “Dạ tên Tuấn”. “Con quê ở đâu?”. “Ở Sóc Trăng”. “Con bao nhiêu tuổi?”, “13”. “Con lên đây với ai? Lâu chưa?”, “Đi với ba, lâu rồi”…

Tuấn cho biết, cứ khoảng 10 giờ đêm là em có mặt ở đây, đợi đến 12 giờ đêm, khi xe hàng đến là cậu bắt đầu một đêm làm việc cật lực, chất hàng rau, củ, quả từ xe tải xuống chiếc xe đẩy mang vào sạp cho tiểu thương. Đến hơn 5 giờ sáng mới nghỉ. Mỗi đêm kiếm khoảng 50.000 đồng.



Cậu bé Tuấn đang hì hục đưa bao rau vào sạp

“Con nghỉ học nghỉ học theo ba lên đây lâu rồi, lúc đó con mới học lớp 3. Nhà con nghèo lại đông em nên con phải nghỉ đi làm phụ mẹ”, Tuấn cho biết.

“Lúc mới vào đẩy xe, các bao hàng đều nặng, con khiêng không nổi rớt xuống chân đau lắm. Nhiều lần còn bị xe kéo của các anh chị khác lao vào chân, máu chảy đầm đìa chỉ biết khóc một mình”, Tuấn nhăn nhó kể lại.

Chợ đầu mối Thủ Đức có cả trăm đứa trẻ đang làm việc người lớn như Tuấn. Chúng chen lấn cùng các thanh niên, người lớn tuổi khác, ì ạch đẩy những chuyến hàng nặng hơn trọng lượng cơ thể chúng.

Tiếp xúc với một cậu bé khác đang ngồi vắt vẻo trên chiếc xe đẩy, tôi được cậu giới thiệu tên Hải, quê ở Kiên Giang, năm nay 12 tuổi nhưng đã có 4 năm làm thuê tại chợ này.

“Trước đây con cũng kéo hàng cho một sạp rau trong chợ này, tiền công tính theo đêm. Nhưng giờ con làm tự do, tiền công tính theo chuyến, từ 4.000 - 5.000 đồng/chuyến. Làm như vậy thu nhập khá hơn, khỏe hơn”, Hải nói.

“Tết con có về quê không?”, tôi hỏi. Nhắc đến Tết, khuôn mặt Hải sáng lên, hào hứng: “Dạ có chứ. Con để dành đủ tiền về quê rồi”. Hải kể, những ngày mới vào làm, chân tay đều sưng phù hết cả lên. Trong lúc đẩy hàng mà rau, củ quả… bị rớt dập nát chủ hàng mà bắt gặp sẽ bị chửi bới thậm tệ, có khi bắt đền thì ngày đó coi như không công. Hơn thế nữa từ lần sau họ sẽ không thuê. Ánh mắt xa xăm trong thời gian chờ khách, Hải cho biết thêm, lúc bắt đầu vào "nghề", em cũng bị bắt nạt bởi các anh chị lớn tuổi hơn vì nhiều người thương thuê chuyển hàng.


Cậu bé Hải

Cách đó không xa, Minh Đức, 14 tuổi, đang ngồi co ro trong góc khuất, tay chân run rẩy vì lạnh. Quê ở tận Cà Mau, vừa học hết lớp 1, em đã nghỉ học theo cha mẹ lên thành phố mưu sinh. Đức cho biết, em bắt đầu công việc từ lúc 10 giờ đêm đến gần sáng hôm sau mới về nhà ngủ. Mỗi chuyến xe em kéo được trả công 3.000 đồng.

Đức cho biết: “Có hôm nhiều hàng, cháu kéo được hơn 50 chuyến. Phụ người ta mệt thật nhưng được trả tiền mang về cho mẹ. Con ước đủ tiền mua chiếc xe đẩy để khỏi phải thuê”. Đức bảo, mua xe mới 700.000 đồng, xe cũ giá bằng 1 nửa xe mới. Nếu thuê xe hết 5.000 đồng/đêm.

TƯƠNG LAI CHÌM TRONG ĐÊM

Những đứa khỏe hơn thì phụ chuyển hàng từ trên xe tải xuống mặt đất rồi kéo vào trong mỗi sạp cho các tiểu thương. Mỗi kiện hàng nhẹ nhất cũng phải 30 ký, nặng thì từ 35 đến 45 ký. Vai gầy, sức yếu nên đứa nào cũng liêu xiêu gồng mình vác, đẩy hàng một cách mệt nhọc, mồ hôi ướt sũng.

Ở góc tối của chợ, nhiều em nhỏ hơn đang lom khom dùng đôi tay trần bới tìm trong đống tạp bẩn, thối rữa bốc mùi nồng nặc những bẹ cải bắp héo úa. Công việc nặng nhẹ khác nhau, nhưng các em đều say sưa làm cho đến khi người lớn nghỉ việc thì các em mới được nghỉ theo.

Len lỏi giữa khu chợ đêm, chúng tôi đến một góc nơi có nhiều em nhỏ đang hăng say bóc vỏ hành, tỏi. Vị cay của hành tỏi bốc lên khiến mắt các em rớm lệ, nước mũi chảy ròng ròng… Thấy chúng tôi, tụi nhỏ ngước nhìn hồn nhiên rồi hỏi: “Chú là ai? Chú đến đây làm gì?”. Cô Trần Thị Trắng, có nhiều năm làm thuê ở khu vực chợ đầu mối nói: “Chú đến chơi với các con đó”.


Những bé gái làm việc nhẹ hơn là ngồi lột hành, tỏi

Cô Trắng tâm sự: “Gia đình tôi ở tận Sóc Trăng, ruộng vườn không có phải lên thành phố kiếm việc. Cha tụi nhỏ làm thợ hồ, tôi đến chợ đầu mối ai thuê gì thì làm nấy. Nhà nghèo, đứa lớn tên Mai lên tới chín tuổi mới được đi học, đứa nhỏ tên Thảo, năm tuổi chưa được học mẫu giáo. Thấy cha, mẹ khó khăn, hai đứa nhỏ ngày nào cũng theo tôi ra đây phụ giúp. Ba mẹ con làm cả ngày kiếm được hơn 100 ngàn đồng chỉ đủ sống qua ngày”.

Cô Trắng tiếp tục câu chuyện trong ánh mắt đượm buồn: “Là bậc cha mẹ, thấy con cái mình đã lớn mà chưa được đến trường, chưa biết mặt chữ, tụi tôi tủi thân và thương lũ nhỏ dữ lắm! Nhưng biết làm sao được, bây giờ phải lo miếng cơm, manh áo trước đã, sau đó cố gắng dành dụm ít tiền để tụi nhỏ đi học kiếm con chữ cho ấm cái thân, chứ như vợ chồng tui đây cả đời làm cu ly thì chỉ tay bo miệng lủm thôi chú ơi! Đôi khi đau ốm cũng không có tiền mà mua thuốc”.

Lách qua đám đông đang hối hả vận chuyển hàng hóa, chúng tôi đến trước mặt “cửu vạn nhí” tên Hoàng, quê ở Trà Vinh. Hoàng năm nay 13 tuổi, là con trai thứ tư trong một gia đình có năm anh chị em. Hoàng lau vội mồ hôi đang nhễ nhại trên má, nói trong nhịp thở hổn hển: “Ở quê, ba mẹ em lớn tuổi lại thường xuyên đau ốm. Các anh, chị lớn đã lập gia đình và ở riêng nhưng ai nấy đều khó khăn nên không giúp được gì cho ba mẹ”.


Nhận hàng từ xe tải xuống

Trò chuyện với một tiểu thương trong chợ, chị bảo: "Nghĩ đến con mình ở nhà rồi nhìn tụi nhỏ ở đây thấy thương, nên những mặt hàng khô, nhẹ như hành, tiêu, xả, ớt... tôi ưu tiên cho tụi nó làm”. Một chị chủ quán nước đầu chợ, cũng đồng quan điểm: Tụi nhỏ ở đây làm chẳng khác gì người lớn. Mỗi chuyến xe đầy, nặng cả ngót tạ chứ chẳng ít đâu. Nhà nghèo quá mới để con nhỏ đi kéo xe như thế này. Nhìn lại những đứa con của mình vẫn chăn ấm nệm êm ngủ cho tới sáng rồi được ba mẹ đưa đi học, mới thấy chúng thật đáng thương.

“Tôi không biết chính xác có bao nhiêu em nhỏ làm việc ở đây vì các em theo cha mẹ, người lớn đến đây làm tự do. Nhìn các em đang tuổi ăn học mà phải lao động như vậy, thấy xót xa lắm. Chúng tôi cũng chỉ hỗ trợ các em bằng cách can thiệp nếu chủ hàng thuê các em làm việc nặng, trả công không xứng đáng”, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Cty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm