Sau vụ lúa đông xuân đầy khó khăn nhưng vẫn đạt năng suất bình quân khá cao, nông dân Quảng Bình bước vào vụ hè thu với quyết tâm lớn. Toàn tỉnh gieo cấy 14.500ha lúa. Để bảo đảm cho vụ sản xuất hè thu thắng lợi, Sở NN-PTNT yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo từng địa phương xây dựng phương án tưới, tiêu hợp lý ngay từ đầu vụ. Cân đối lượng nước từng vùng để ưu tiên nước cho nhu cầu sinh hoạt.
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay: “Ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, điều kiện thực tế để bảo đảm tưới đủ, không để xảy ra hạn cục bộ. Tiêu úng kịp thời không để ngập úng ảnh hưởng đến cây trồng”.
Bên cạnh đó, đối với những diện tích có nguy cơ hạn hán, không đủ nước tưới, Sở NN-PTNT Quảng Bình cũng yêu cầu các địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng cạn có nhu cầu nước thấp, bố trí chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, tập quán canh tác và có thị trường tiêu thụ. Quy hoạch vùng sản xuất tập trung, cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết tưới, tiêu…
Những năm qua, từ nguồn vốn Trung ương phân bổ và các nguồn vốn khác, tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều hồ chứa phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhờ thế, 5 năm gần đây, nước cho sinh hoạt và sản xuất tại các khu vực dân cư tập trung, vùng trọng điểm lúa vào mùa khô hạn hằng năm luôn được bảo đảm. Việc thiếu nước chỉ xảy ra ở các nơi xa công trình thủy lợi lớn hoặc hồ chứa nhỏ, xuống cấp.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, khai thác 34 hồ chứa, 3 đập dâng, 9 trạm bơm và cống ngăn mặn giữ ngọt Mỹ Trung phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, cấp nước dân sinh và các ngành kinh tế khác trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cho hay, nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp chống hạn ngay trong đầu vụ đông xuân nên đã tiết kiệm được lượng nước trên hồ.
“Hiện tại nguồn nước 34 hồ chứa do Công ty quản lý đạt bình quân 75% dung tích thiết kế. Qua cân đối, cơ bản đảm bảo cho sản xuất vụ hè thu, cấp nước thô cho các nhà máy nước sinh hoạt và dân sinh kinh tế khác”, ông Quảng nói.
Vụ hè thu năm nay, huyện Quảng Ninh gieo cấy hơn 3.100 ha. Dù từ đầu vụ đến nay, nắng nóng kéo dài và thời tiết không có mưa nhưng cây lúa trên đồng vẫn phát triển tốt nhờ được cấp đủ nước. Theo ông Trần Văn Thuận, Trưởng phòng NN-PTNT Quảng Ninh, do các hệ thống hồ đập và sông Kiến Giang đã được trữ đủ nước nên dù có hạn nữa thì Quảng Ninh vẫn không lo lắng đồng khô nước.
Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy lợi Quảng Bình, một số đập dâng, hồ chứa nhỏ cân đối nhu cầu dùng nước trong điều kiện thời tiết bình thường. Nếu xảy ra nắng nóng kéo dài sẽ có nguy cơ thiếu nước trên một số công trình như đập dâng Rào Sen, Vực Sanh, Đồng Ran, Cơ Ruộng, Tiên Lang, Trung Thuần, Ba Nương, Long Đại… tại các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch.
Để đảm bảo phục vụ sản xuất vụ hè thu cũng như đối phó với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, hạn hán, qua cân đối nguồn nước, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình chủ động nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy cửa lấy nước, mở trạm bơm tưới, các máy bơm dự phòng và xác định các vị trí đặt trạm bơm dã chiến phục vụ kịp thời khi có hạn hán xảy ra.
"Chúng tôi sẽ lắp đặt các trạm bơm dã chiến, tận dụng nguồn nước chết trong hồ chứa, các ao đầm, luồng lạch bơm kịp thời phục vụ sản xuất", ông Quảng cho hay.
Cũng theo ông Quảng, đối với các hạng mục công trình đang thi công, công ty chỉ đạo các chi nhánh phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án, các nhà thầu thi công có kế hoạch thi công và mở nước hợp lý đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất trong trường hợp nắng nóng, hạn hán kéo dài.