Trong chương trình hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI) với Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp và khuyến nông tỉnh Gyeongsang buk-Do (GBARES), Hàn Quốc, TS. Ngô Thị Hạnh cùng cộng sự Bộ môn Rau và Cây gia vị (FAVRI), đã lai tạo thành công 2 giống dưa lê vàng lai (F1) Happy 6 và Happy 7 từ nguồn gen dưa lê Hàn Quốc nhập nội và nguồn gen dưa lê trong nước. Đây là 2 giống dưa lê mới, lạ, năng suất, chất lượng cao, lần đầu tiên lai tạo thành công ở nước ta.
Dưa lê vàng lai (F1) Happy 6: Được tạo ra từ tổ hợp ♀ OM10-1 x ♂ OM45-2. Cây sinh trưởng phát triển khỏe. Khả năng chịu nhiệt cao. Thời gian sinh trưởng từ 70-85 ngày. Thời gian từ trồng đến thu quả lần đầu 65-68 ngày. Số quả/cây đạt từ 6-8 quả (trồng ngoài đồng) và 4-5 quả (trồng công nghệ cao).
Dạng quả hình trụ dài. Vỏ quả màu vàng đậm bóng đẹp có xen sọc trắng. Khối lượng trung bình 400-500g/quả. Chiều dài quả 14-15 cm, đường kính quả 7-8. Thịt quả dày, chắc, thơm, giòn, ngọt, màu trắng kem. Độ brix > 14%. Năng suất trung bình đạt 22-30 tấn/ha. Khả năng chống chịu bệnh phấn trắng và bệnh sương mai trên đồng ruộng khá. Quả có thể bảo quản dài trong điều kiện thường.
Dưa lê vàng lai (F1) Happy 7: Được tạo ra từ tổ hợp ♀ OM10-1 x ♂ OM107-4. Giống sinh trưởng phát triển khỏe, chịu nóng tốt. Thời gian sinh trưởng 75-80 ngày. Thời gian từ trồng đến thu quả lần đầu khoảng 63-65 ngày. Mỗi cây cho từ 5-7 quả (trồng ngoài đồng) và 3-4 quả (trồng công nghệ cao).
Dạng quả hình ô van to. Vỏ quả màu vàng đậm bóng đẹp có xen sọc trắng. Khối lượng trung bình 500-600g/quả. Kích thước quả, dài 13,5-15cm, đường kính 9-10cm. Thịt quả dày, chắc, thơm, giòn, ngọt, màu trắng kem. Độ brix >13%. Năng suất đạt 22-27 tấn/ha. Khả năng chống chịu bệnh phấn trắng và bệnh sương mai trên đồng ruộng khá. Quả có thể bảo quản dài trong điều kiện thường.
Hai giống dưa lê vàng lai F1 nói trên đã sản xuất thử thành công tại các tỉnh thành trong nước như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Đà Nẵng và Phú Quốc ...
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật: Áp dụng cho gieo trồng tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Vùng sản xuất cần phù hợp với quy hoạch của địa phương. Không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây ô nhiễm như nước thải thành phố, nước thải bệnh viện, công nghiệp và bụi công nghiệp. Cho phép trồng ngoài đồng hoặc trồng công nghệ cao (trong nhà kính/nhà lưới).
Thời vụ trồng: Vụ xuân hè, gieo hạt tháng 2-3; Vụ hè thu, gieo tháng 4-5 (tốt nhất trồng trong nhà màng, nhà nilon); Vụ thu đông, gieo hạt tháng 7-8 (tốt nhất trồng trong nhà màng, nhà nilon). Nên gieo hạt trong ô khay. Và áp dụng kỹ thuật cây ghép (ngọn dưa lê vàng Hapyy 6/ Happy 7 trên giống gốc ghép chuyên dụng, để tăng khả năng chống chịu của giống, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thu hoạch.
Lượng hạt giống gieo cho trồng 1ha/250-300gr. Hạt có thể gieo trực tiếp hoặc ủ nảy mầm rồi gieo. Giá thể gieo gồm, 50% đất mùn sạch và 50% phân chuồng hoai mục. Hoặc 20% xơ dừa + 40% phân hữu cơ vi sinh + 40% đất mùn. Gieo 1 hạt/1 ô khay. Đặt hạt hướng lá mầm lên trên, rễ quay xuống. Sau gieo phủ kín hạt bằng giá thể nói trên. Tưới nước dưỡng ẩm thường xuyên. Khi cây ra 1-2 lá thật mới đem trồng.
Đất trồng, chọn chân ruộng chủ động tưới tiêu, độ pH 6,5-7,0, giàu mùn và giàu dinh dưỡng. Ruộng cày bừa phơi ải kỹ, dọn sạch cỏ dại, lên luống rộng 1,7-1,8 m, cao 25-30 cm, rãnh rộng 35-40cm. Xử lý mặt luống bằng chế phẩm Trichoderma (liều lượng 60kg/ha). Dùng màng phủ nông nghiệp bao kín luống, sau đục lỗ trồng 1 hàng dưa giữa luống. Mật độ trồng 12.000-13.000 cây/ha. Khoảng cách cây với cây: 40-45cm.
Phân bón/ha: Phân chuồng hoai mục 30 tấn hoặc phân hữu cơ vi sinh 1.000kg. Kali sulfat 240-260kg, Đạm urê 200-250kg, Supe lân 550-600kg, vôi bột 600-800kg. Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân, 20% lượng đạm và 20% lượng kali. Số còn lại chia bón 3 lần (từ sau cây 3 lá thật). Bón thúc lần đầu, 20% lượng đạm, 20% kali. Bón thúc lần 2 (sau lần 1 từ 10-15 ngày), 30% lượng đạm, 30% kali. Thúc lần 3 (sau lần 2 từ 15-20 ngày), bón nốt số phân còn lại.
Chăm sóc: Duy trì độ ẩm đất vườn từ 70-75% sức giữ ẩm đồng ruộng. Chú ý giữ ẩm thật tốt ở thời kỳ cây ra hoa, đậu quả và nuôi quả lớn. Khi cây dưa ra được 4-5 lá thật, tiến hành bấm ngọn kích cho cây phân nhánh. Sau đó tỉa chỉ để lại 2 nhánh cấp 1 khỏe. Hoa cái và quả sẽ ra ở nhánh cấp 2. Cây dưa có thể ra nhiều quả. Cần tỉa để mỗi cây 4-5 quả.
Phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM) trên cây dưa. Bao gồm: Sử dụng cây giống khỏe/ cây giống ghép. Bón phân cân đối. Tưới nước hợp lý. Thu dọn sạch tàn dư thực vật từ vụ trước. Không luân canh dưa lê với cây trồng họ bầu bí. Ưu tiên sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học cho phòng trừ sâu bệnh,…
Thu hoạch: khi vỏ quả chuyển sang màu vàng đậm sáng bóng, sọc trắng ánh bạc và có mùi thơm,hái dưa vào sáng sớm hoặc chiều mát. Quả dưa thu về để nơi thoáng mát thêm 1-2 ngày cho dậy mùi thơm, giúp tăng phẩm chất, tăng giá trị thương phẩm.