| Hotline: 0983.970.780

Chống dịch tả lợn Châu Phi từ hai phía

Thứ Năm 15/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Lực lượng cán bộ thú y tại Quảng Bình căng sức phối hợp với chính quyền các địa phương phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.

Những tháng gần đây, lực lượng cán bộ thú y Quảng Bình ngược xuôi như con thoi từ huyện Quảng Ninh ra huyện Quảng Trạch phối hợp cùng với chính quyền các địa phương gấp rút triển khai bao vây dập dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Ông Dương Viết Phương Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho hay: “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, lực lượng thú y và ý thức của người dân nên bước đầu đã ngăn chặn được dịch bệnh lây lan”.

Lực lượng cán bộ thú y tăng cường thực hiện phun tiêu độc khử trùng tại khu chăn nuôi của người dân tại xã Quảng Hợp. Ảnh: TP.

Lực lượng cán bộ thú y tăng cường thực hiện phun tiêu độc khử trùng tại khu chăn nuôi của người dân tại xã Quảng Hợp. Ảnh: TP.

Chặn ổ dịch tái phát

Xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) là địa phương sát với huyện Lệ Thủy, phía nam tỉnh Quảng Bình. Đây là địa phương có phong trào phát triển chăn nuôi mạnh của huyện. Theo ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, trên địa bàn có hàng chục gia trại, trang trại nuôi lợn với tổng số lượng có trên 13.000 con. Trong đó, khoảng 2.000 lợn nái và 11.000 lợn thương phẩm.

“Vì vậy, nhiệm vụ phòng chống dịch phải luôn được đặt lên hàng đầu để tránh thiệt hại có thể xảy ra cho bà con”, ông Lương nói.

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản ổn định, trong những tháng đầu năm, địa bàn xã chưa ghi nhận dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Đồng thời, địa phương đã triển khai tiêm phòng các loại vacxin đợt 1/2024, kết quả cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Riêng các loại vacxin phòng bệnh cho đàn lợn, chủ yếu do người dân tự mua và tiêm, không đăng ký qua chính quyền địa phương.

Vào đầu tháng 7, hộ gia đình ông Hoàng Trọng Khanh (thôn Xuân Sơn, xã Vạn Ninh), đã phát hiện đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Lực lượng thú y đã kịp thời hướng dẫn bà con ngăn chặn dịch. Chi cục Chăn nuôi và Thú ý cử cán bộ hướng dẫn địa phương thu gom, xử lý xác lợn chết theo đúng quy định.

Ông Dương Viết Phương Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, cho hay: “Chúng tôi hỗ trợ cơ quan thú y cấp huyện giám sát, kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, kịp thời hỗ trợ cơ quan quản lý thú y, chính quyền cấp xã lấy mẫu xét nghiệm bệnh khi phát hiện lợn ốm chết không rõ nguyên nhân. Hỗ trợ hóa chất sát trùng cho địa phương khi có dịch bệnh hoặc khi xác định vùng có nguy cơ cao”.

Hiện tại, ổ dịch tại thôn Xuân Sơn (xã Vạn Ninh) đã qua gần 30 ngày nhưng không phát hiện thêm ổ dịch mới.

Phun tiêu độc khử trùng trên các tuyến đường liên xóm khu vực có dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: TP.

Phun tiêu độc khử trùng trên các tuyến đường liên xóm khu vực có dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: TP.

Chống dịch từ phía người dân…

Vào giữa tháng 7, dịch tả lợn Châu Phi đã được phát hiện tại thôn Hợp Bàn xã Quảng Hợp huyện Quảng Trạch. Đây là địa bàn nằm ở phía bắc của tỉnh Quảng Bình và tiếp giáp với tỉnh Hà Tĩnh nên việc ngăn chặn dịch càng khó khăn hơn.

Bà Nguyễn Thị Ngà (thôn Hợp Bàn) cho hay, gia đình bà nuôi lợn từ nhiều năm nay. Số lượng lợn nhiều nhất có khi đến 50 con. Sau khi bán lợn thịt còn lại 21 con để nuôi tiếp. “Một ngày, tôi phát hiện một con lợn bỏ ăn và có những triệu chứng lạ nên đã báo cho cán bộ thôn, xã biết để kiểm tra”, bà Ngà cho hay.

Cũng theo bà Ngà, sau khi việc lấy mẫu được thực hiện và biết lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi gia đình đã chủ động phối hợp với chính quyền, cán bộ thú y thực hiện tiêu hủy. Gia đình bà đã tiêu hủy toàn bộ đàn lợn vì biết bệnh dễ lây lan để sau đó làm vệ sinh, khử trùng khu vực chuồng trại nuôi.

“Gia đình biết là bị thiệt hại lớn về kinh tế, nhưng chống dịch thì phải triệt để. Nếu gia đình cứ dây dưa trong việc tiêu hủy đàn lợn sẽ gây khó khăn cho việc chống dịch. Mà khi đó, có thể lây lan sang đàn lợn nhà hàng xóm thiệt hại của bà con trong thôn càng lớn hơn”, bà Ngà bộc bạch thêm.

Ông Tưởng Thái Hoàng, Trưởng thôn Hợp Bàn cho biết, cả thôn có gần 400 con lợn, khi hay tin có dịch bệnh cũng rất lo lắng. Sau khi cùng cán bộ thú y tăng cường về đã hướng dẫn bà con cách xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh và các biện pháp phòng trừ.

“Sau khi triển khai đào hố tiêu hủy đàn lợn bị mắc bệnh dịch theo đúng quy trình, chúng tôi tổ chức rải vôi bột xung quang khu vực chăn nuôi của bà con, phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các khu vực chuồng trại, các đường ngõ và kiểm soát không cho vận chuyển lợn vào, ra địa bàn”, ông Hoàng nói thêm.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, UBND xã Quảng Hợp xây dựng phương án triển khai các biện pháp ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo ông Bùi Hải Lưu, Chủ tịch UBND xã Quang Hợp, chính quyền địa phương chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời hiệu quả với dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Có như vậy mới giảm thiểu thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch. Không để lây lan ra diện rộng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường.

Người dân xã Quảng Hợp làm vệ sinh phòng dịch tại khu vực chuồng trại. Ảnh: TP.

Người dân xã Quảng Hợp làm vệ sinh phòng dịch tại khu vực chuồng trại. Ảnh: TP.

Sau khi kiện toàn Ban phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, xã Quảng Hợp chỉ đạo các thôn thành lập các Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh vật nuôi. Theo ông Tưởng Thái Hoàng, Trưởng thôn Hợp Bàn, lực lượng nòng cốt là lãnh đạo thôn và các tổ chức đoàn thể ở thôn. “Tổ phản ứng nhanh đã đi sâu sát đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch để ngăn chặn và hạn chế việc lây lan”, ông Hoàng nói.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã tăng cường cán bộ thú y về cơ sở để phối hợp cùng chính quyền địa phương, người dân chống dịch. Anh Phạm Hồng Kỳ, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình là người có mặt sớm trên địa bàn chống dịch cho biết, thông qua Tổ phản ứng nhanh của các thôn và sự lan toản tinh thần chống dịch tả lợn Châu Phi của bà con rất cao.

“Trong 3 hộ dân có lợn bị mắc bệnh trên địa bàn đã chủ động báo cáo với chính quyền và rất có trách nhiện trong việc thực hiện tiêu hủy đàn lợn bị mắc bệnh. Đồng thời, bà con cũng phối hợp với lực lượng thú y trong việc triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vacxin bệnh trên đàn lợn”, anh Kỳ cho hay.

Người dân các thôm Hợp Bàn, Bưởi Rõi… nơi có dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã chủ động tích cực phối hợp với lực lượng thú y trong việc làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh. Ông Lâm Xuân Sơn (thôn Hợp Bàn), cho hay, bà con nắm chắc việc thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục trong 1 tuần đầu tiên khi phát hiện dịch bệnh.

“Sau đó cứ 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo. Những hộ xung quanh chủ động theo dõi diễn biến của đàn lợn nhà mình nuôi để báo cáo kịp thời biến động với chính quyền, với cán bộ thú y để xử lý hay phối hợp việc lấy mẫu xét nghiệm lợn có biểu hiện bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi”, ông Sơn chia sẻ.

Quảng Bình hiện có tổng đàn lợn gần 260.000 con. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 8 ổ dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn 4 huyện. Đến thời điểm này, còn 3 ổ dịch tại huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch đang trong quá trình theo dõi, 5 ổ dịch khác không phát hiện lây lan thêm sang đàn lợn khác.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Nuôi trồng nấm nhộng trùng thảo không sử dụng nhộng tằm

TP.HCM Quy trình sản xuất nấm nhộng trùng thảo trong môi trường không sử dụng nhộng tằm được Cục Trồng trọt công nhận là tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt cấp quốc gia.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).