| Hotline: 0983.970.780

Chồng vô trách nhiệm

Thứ Tư 28/01/2015 , 06:22 (GMT+7)

Là gái quê, lấy được tấm chồng thành phố, tưởng “chuột sa chĩnh gạo”, nào ngờ Hương còn khổ sở hơn so với các bạn cùng trang lứa lấy chồng ở quê. 

Vừa đi về đến đầu ngõ, thấy Hương đang đứng ngắm phố, bà Hoài vội hỏi:

- Tao vừa đi qua chỗ cổng trường học thấy chồng mày đang tất bật bán hàng, tưởng mày đi đâu, chứ ở nhà mà không ra giúp thằng Tuấn hả?

- Con ở nhà làm hàng may, sửa chữa đồ cho người ta chứ có chơi đâu! Vừa ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ mỏi quá nên con ra đây đứng chút cho thoải mái. Mà kệ xác anh ấy, chứ con phụ giúp làm gì cho nó mệt!

Nói bà bỏ quá cho chứ, suốt từ ngày lấy nhau, có bao giờ anh ấy đưa cho cháu tiền để lo toan cho gia đình, nuôi con cái đâu. Anh ấy bán được bao nhiêu tiền thì mang đi nhậu nhẹt, chơi cờ bạc hết. Ngay cả cơm nước hàng ngày con vẫn phải nuôi...

- Thật thế sao?, bà Hoài sửng sốt! Tao cứ ngỡ nó là người chăm chỉ khi thấy tối tối ra vỉa hè buôn bán đồ cũ kiếm tiền, nào ngờ nếu thật như vậy thì đốn mạt quá...

- Vâng! Sự thật là như vậy đấy, chẳng qua chuyện vợ chồng nói ra thiên hạ hàng phố người ta cười cho, chứ hay ho gì. Bà là người trong họ cháu mới nói để bà biết, chứ cháu khổ trăm đường...

Vâng, tôi là người sống cách nhà vợ chồng Hương 2 nhà nên tôi khá tận tường nỗi khổ mà chị Hương phải chịu đựng. Là gái quê, lấy được tấm chồng thành phố, tưởng “chuột sa chĩnh gạo”, nào ngờ Hương còn khổ sở hơn so với các bạn cùng trang lứa lấy chồng ở quê.

Nhà Hương thì ở tít mãi trong ngõ sâu, chồng lại không nghề ngỗng gì nên cuộc sống gia đình chỉ trông vào nghề may sửa quần áo của Hương mà thôi. Do không có tiền thuê cửa hàng, nên hàng ngày Hương bê bàn máy may ra ngay đầu ngõ phố treo biển nhận may vá cho khách.

Thấy chồng cứ rong chơi không chịu nghĩ phương cách làm ăn gì, khi sáng thì cà phê, tối lại đàn đúm bạn bè đi nhậu nhẹt, nên Hương đã nhờ một người em họ lấy hộ nguồn hàng quần áo cũ để cho chồng bán kiếm lời.

Hương nghĩ, nhà ngay gần cổng trường cao đẳng, sinh viên thuê trọ nhiều, công nhân làm ở khu công nghiệp gần đó qua lại cũng lắm nên việc bán quần áo cũ sẽ kiếm được! Đem việc này bàn với chồng, Tuấn gạt phăng đi bảo:

- Tôi là đàn ông ai lại tối tối ra vỉa hè bán hàng. Cô không sợ người ta cười cho hả...?!

- Ai cười nào, chỉ sợ đói không có tiền đi vay đi mượn người ta mới cười cho, chứ lao động là...

Mặc cho chồng không đồng ý, Hương vẫn quyết lấy hàng và buổi tối chị dọn ra vỉa hè trước ngõ bán. Qua mỗi buổi bán hàng, số tiền lãi Hương đều thông báo với chồng, và dần dần Tuấn thấy mê, rồi sau cũng chịu khó ra đứng bán hàng.

Thấy thế, Hương “chuyển nhượng” hẳn việc buôn bán quần áo cũ cho chồng, chỉ thi thoảng giúp Tuấn bày và dọn hàng, bởi hàng ngày Hương may vá đồ cho khách đã quá bận, lại còn lo cơm nước, chăm con cái.

Qua mấy tháng buôn bán quần áo cũ Tuấn đã thực sự mê công việc kiếm tiền này, bởi lợi nhuận qua mỗi đợt lấy hàng mang lại tới mấy triệu bạc, mà cứ độ hơn tuần là lại hết một mẻ hàng. Không thấy chồng đưa tiền lời, thậm chí đóng tiền cơm ăn hàng ngày Tuấn cũng không đưa cho một đồng, Hương hỏi:

- Buôn bán mấy tháng trời mà sao anh chẳng đưa cho em lấy một đồng là sao? Rồi thì tiền hàng tuần trước 3 triệu bạc anh còn nợ vẫn chưa trả, em phải trả bù khi người ta đòi. Anh buôn bán kiểu gì vậy?...

Thấy vợ nói vậy, Tuấn chỉ ậm ờ, rồi nhè ra 3 triệu trả nợ tiền hàng, rồi lại đi ngay với bạn bè. Tuấn chỉ có mặt ở nhà vào buổi chiều tối để dọn hàng, hoặc các bữa ăn cơm, còn đi suốt. Ngay cả khi vợ đau, con ốm gọi điện Tuấn cũng không thèm về vì còn đang... bận rượu chè, bài bạc...

Hương thì quần quật suốt ngày, khi còng lưng may sửa quần áo cũng chỉ mong cố gắng kiếm tiền lo cho gia đình. Nhiều khi Hương còn không dám ăn sáng, bởi mấy ngàn đồng cũng là cả vấn đề, khi cũng có hôm khách may sửa không nhiều.

Biết tính chồng là người vô trách nhiệm, không bao giờ nghĩ, lo toan cho vợ con nên Hương cũng chán. Nhiều khi Hương cũng phó mặc, chồng muốn làm gì, đi đâu Hương cũng không thèm quan tâm.

Ngay chuyện bày, dọn hàng quần áo cũ khi trước bao giờ Hương cũng giúp chồng, thì sau này Hương mặc kệ, bởi có làm, có phụ giúp thì Hương cũng đâu có được tiêu một đồng tiền nào đâu.

Nhiều lần tôi còn thấy Hương bị Tuấn đánh thâm tím mặt mày vì “tội” không nấu cơm cho chồng ăn. Có bữa, chỉ vì lý do thức ăn chỉ toàn rau, không có thịt cá mà Hương cũng bị Tuấn nện cho tơi bời khói lửa.

Có lần Hương từng than thân với tôi rằng, nếu không vì hai đứa con nhỏ thì Hương đã bỏ chồng từ lâu rồi, bởi sống với một người chồng vô trách nhiệm thì cũng như không, thậm chí còn khổ thêm nhiều phần.

Với những thanh niên khi chưa có vợ thì họ chơi bời đàn đúm bạn bè là thường tình, và dễ chấp nhận được, đằng này, khi đã có gia đình, nhất là đã có con thì việc không nghĩ cho vợ con, không lo cho gia đình như Tuấn là cực kỳ đáng trách.

Với những người đàn ông không có trách nhiệm với gia đình như thế, nếu không thay đổi thì chắc chắn mai này con cái họ sẽ nhìn bố chúng với con mắt coi thường là đương nhiên...

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm