Chủ động lịch thời vụ để "lách" thời tiết bất lợi
Ngày 29/11 tại Hải Dương, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất năm 2024 các tỉnh phía Bắc.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội quan trọng để các cơ quan chuyên môn của các địa phương gặp gỡ, trao đổi và học tập kinh nghiệm sản xuất của nhau, đặc biệt là kinh nghiệm sản xuất vụ đông của Hải Dương.
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, năm 2023, vụ đông xuân năm 2022 - 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật. Đầu vụ thời tiết có những diễn biến phức tạp, từ cuối tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 có nhiều đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến một số diện tích mạ xuân trà sớm, lúa xuân sớm và mạ trà xuân muộn, cây màu vụ xuân mới gieo trồng.
Sau đó, thời tiết đầu vụ mùa lại nắng nóng kéo dài, khó khăn trong công tác điều tiết nước, ảnh hưởng đến sinh trưởng lúa và rau màu vụ mùa mới gieo trồng. Thời điểm lúa vụ mùa trỗ bông tập trung từ giữa đến cuối tháng 9, đặc biệt từ ngày 25 - 28/9 có mưa lớn liên tục đã ảnh hưởng đến sản xuất...
"Tuy nhiên, sản xuất trồng trọt của các địa phương phía Bắc năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ", Thứ trưởng Hoàng Trung nói. Theo ông, kết quả này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thị trường lúa gạo và rau màu đang có nhiều tín hiệu tích cực về giá cả và thị trường tiêu thụ.
Đối với sản xuất năm 2024, dựa trên các thông tin dự báo thời tiết có phần bất thuận, Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ đạo các đơn vị liên quan phải rất lưu ý việc bố trí thời vụ, cơ cấu giống để đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn, tránh ảnh hưởng của đợt rét nàng Bân ở vụ đông xuân, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du Miền núi phía Bắc.
Theo đó, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị các địa phương xây dựng sớm kế hoạch sản xuất các vụ sản xuất trong năm đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả kinh tế. Đồng thời xây dựng lịch thời vụ, cơ cấu giống chi tiết, phù hợp với điệu kiện cụ thể của địa phương mình, hướng dẫn cụ thể cơ cấu giống lúa, thời vụ gieo cấy theo từng vùng, từng trà.
Đối với các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc bộ, cần theo dõi sát lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 của Bộ NN-PTNT để chủ động cho lấy nước, thau chua rửa mặn, đảm bảo đủ nước cho cho việc làm đất, gieo cấy...
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn, ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho nông dân.
Một công tác quan trọng nữa là tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và bảo vệ sản xuất khi thời tiết bất thuận xảy ra. Dự báo và thực hiện phòng trừ kịp thời sâu bệnh, chuột hại trên lúa và cây trồng khác.
Với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ đạo Cục Trồng trọt theo dõi sát tình hình sản xuất, hướng dẫn các địa phương kịp thời về thời vụ, cơ cấu giống và các tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất; xử lý kịp thời tình huống do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Song song đó, phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng nhằm kiểm soát tốt số lượng, chất lượng giống, cơ cấu giống phù hợp để cung ứng cho sản xuất.
Về vấn đề thủy lợi, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu Cục Thủy lợi sẵn sàng phương án phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều tiết nước các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang có hiệu quả để đảm bảo phục vụ sản xuất theo đúng kế hoạch và tiết kiệm nước tưới. Đồng thời theo dõi sát diến biến thời tiết để có giải pháp tưới tiêu kịp thời, hạn chế ảnh hưởng của hạn hán, úng ngập gây ra.
Thứ trưởng Hoàng Trung giao Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương làm tốt công tác dự báo và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, đặc biệt là bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen, rầy, sâu cuốn lá... trên lúa và các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng chủ lực khác.
Ngoài ra, đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương đánh giá, giám sát và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các đối tượng cây trồng phục vụ cho các thị trường xuất khẩu. Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường chủ động, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ kịp thời các sản phẩm nông sản nói chung và cây trồng nói riêng, thông tin về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu kịp thời tới các địa phương để thông suốt trong tiêu thụ nông sản.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung bày tỏ rất mong muốn thời gian tới có thêm các hội nghị sinh động, hiệu quả để có những kết quả cụ thể, áp dụng được cho các địa phương. Cụ thể, bên cạnh những chỉ đạo từ phía Bộ NN-PTNT, rất cần sự phản hồi và hỗ trợ từ phía các địa phương.
Phản hồi các kiến nghị từ lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương phía Bắc, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh, Bộ NN-PTNT sẽ lắng nghe và vào cuộc ngay lập tức để tháo gỡ các khó khăn trong vấn đề xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường khi có thông tin từ các địa phương.
Dự báo sớm, phòng trừ kịp thời dịch hại
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết năm 2024 dự kiến sẽ nóng hơn do ảnh hưởng của El Nino. Nền nhiệt trong mùa đông năm nay có thể sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C.
Cụ thể, thời kỳ đầu mùa đông xuân năm 2023 - 2024, không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu, rét đậm và rét hại có thể xuất hiện muộn; số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, trong năm 2024, ở khu vực phía Bắc, cây lúa sẽ có một số vấn đề về dịch hại như chuột, bệnh lùn sọc đen, bệnh sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn trong vụ đông xuân. Vụ hè thu dự kiến sẽ có thêm bệnh bạc lá ở các địa phương ven biển và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh phía Bắc thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện và dự báo chính xác khả năng phát sinh, mức độ gây hại của các đối tượng sinh vật gây hại trong thời gian tới, tham mưu biện pháp phòng trừ kịp thời, có hiệu quả.
"Cần bám sát cơ sở, theo dõi, chỉ đạo phòng trừ dịch hại có nguy cơ phát sinh gây hại trên diện rộng, nhất là bệnh đạo ôn, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng...", ông Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh.
Cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến nghị bà con nông dân tăng cường áp dụng IPM, IPHM, SRI trong sản xuất lúa, vừa tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển khỏe, vừa tăng sức chống chịu với sinh vật gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá..., rầy nâu, rầy lưng trắng...
Về tổng thể, ông Dương cho rằng cần có sự phối hợp tốt trong ngành bảo vệ thực vật và các cơ quan thông tin đại chúng, các ban ngành liên quan trong việc hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở và bà con nông dân thực hiện phòng trừ hiệu quả, kịp thời dập tắt các dịch hại, không để lây lan trên diện rộng.
Về chỉ đạo sản xuất để phù hợp với điều kiện thời tiết năm 2024, Cục Trồng trọt cho biết sẽ chỉ đạo sản xuất trà xuân muộn là chủ lực, tăng diện tích lúa chất lượng, lúa giống Japonica, giống chống chịu tốt với sau bệnh và điều kiện bất thuận. Bên cạnh đó, khuyến khích sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chỉ bố trí giống lúa dài ngày trên các chân đất đặc thù.
Các địa phương cần sớm xây dựng kế hoạch sản xuất lúa, màu vụ đông xuân 2023 - 2024 và vụ hè thu, vụ đông của cả năm 2024. Xác định vụ đông xuân là vụ có năng suất cao nhất, quan trọng nhất trong năm nên phải ưu tiên bố trí thời vụ tối ưu nhất. Do dự báo vụ đông xuân 2023 - 2024 sẽ nghiêng ấm nên các địa phương cần tính toán thời gian gieo mạ phù hợp để thời gian trỗ tập trung vào thời điểm tối ưu nhất.
Về kế hoạch sản xuất lúa, theo Cục Trồng trọt, năm 2024, các tỉnh phía Bắc kế hoạch gieo cấy khoảng 2,227 triệu ha, giảm khoảng 18.000ha so với cùng kỳ. Trong đó, năng suất dự kiến đạt 58,6 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt khoảng 13,055 triệu tấn, giảm khoảng 66.000 tấn so với cùng kỳ.
Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện mạnh việc chuyển đổi từ lúa ở diện tích cao, vàn cao, khó tưới sang gieo trồng các cây rau màu. Đặc biệt lưu ý phát triển cây rau có hợp đồng bao tiêu ổn định cho nông dân.
Tại hội nghị, bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương kiến nghị với Bộ NN-PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu, tiêu chuẩn sản phẩm của từng nước, khu vực, từng thị trường để Hải Dương và các địa phương kịp thời nắm bắt phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất hiệu quả.
Trong đó, Hải Dương đặc biệt quan tâm đến thông tin thị trường và tiêu chuẩn nhập khẩu, các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Austraia, châu Âu, Trung Đông, Trung Quốc đối với sản phẩm cà rốt, vải thiều, bắp cải, súp lơ, ớt.
Tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc khi các nước nhập khẩu đưa ra rào cản đối với nông sản Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng, nhất là những hàng rào kỹ thuật phi thuế quan của các nước khi nhập khẩu cà rốt, vải thiều, rau quả của Hải Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ....
"Thời gian tới, Hải Dương mong muốn được tạo điều kiện mở cửa thị trường vải thiều sang Hàn Quốc. Đây là thị trường gần và nhiều tiềm năng", bà Kiểm kiến nghị thêm.