| Hotline: 0983.970.780

31 tỉnh phía Bắc trầm trồ sản xuất vụ đông của Hải Dương

Thứ Ba 28/11/2023 , 18:59 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Kinh nghiệm của Hải Dương trong sản xuất rau vụ đông rất đáng để các địa phương phía Bắc học hỏi nhằm phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Cà rốt 40 năm bén rễ ở Đức Chính

“Cà rốt năm nay tốt lắm, dự báo bà con sẽ bội thu”, chị Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính phấn khởi cho biết tại cánh cà rốt bạt ngàn, xanh mướt của xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.

Cây cà rốt bén rễ với xã Đức Chính đến nay đã hơn 40 năm. Đây được xem là "thủ phủ" cà rốt của tỉnh Hải Dương với vùng trồng chuyên canh hơn 300ha. Cách khoảng 10 năm, cà rốt của xã đã vươn ra thị trường nước ngoài, giúp người dân thu lợi nhuận từ 6 - 7 triệu đồng/sào (sào 360m2). Những hộ có nhiều đất, sau một vụ cà rốt hoàn toàn có thể thu lời ngót nghét trăm triệu đồng.

Ngày 28/11, đại biểu 31 địa phương miền Bắc về Hải Dương tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau vụ đông. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 28/11, đại biểu 31 địa phương miền Bắc về Hải Dương tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau vụ đông. Ảnh: Tùng Đinh.

Đi lên từ đồng đất quê hương, chị Hạnh xem cà rốt là cây trồng chủ lực của xã, là loại cây là mỗi người con Đức Chính khi đi xa đều nhớ về với niềm tự hào. Chẳng thế mà nhân dân trên địa bàn đã đi khắp các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Thái Bình… để thuê, mượn đất trồng hơn 1.000ha cà rốt, giúp tăng thêm sản lượng khoảng 40 nghìn tấn/năm.

Hòa chung không khí của toàn tỉnh Hải Dương, xã Đức Chính năm nay đẩy nhanh trồng cây vụ đông sớm. Nhờ vùng đất bãi bồi ven sông là đất cát pha hoặc thịt nhẹ, Đức Chính đặc biệt phù hợp với loại cây cà rốt, đặc biệt là ở vụ đông. Cây cà rốt trồng ở vụ đông phát triển khỏe, ít sâu bệnh, người dân hầu như chỉ phải dọn sạch cỏ dại, sau đó cày bừa kỹ, san phẳng rồi lên luống rồi chờ thu hoạch.

Xã Đức Chính hiện đã quy hoạch được 20 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với tổng diện tích khoảng 510ha, trong đó có 9 vùng chuyên sản xuất cà rốt với diện tích khoảng 320ha. Song song với việc đẩy mạnh canh tác cà rốt, xã Đức Chính còn tổ chức khơi thông dòng chảy các tuyến mương tiêu thoát nước chung, khai thông dòng chảy nội đồng, đảm bảo tiêu thoát nước cho công tác gieo trồng cây vụ đông.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính (giữa) giới thiệu về tình hình sản xuất cà rốt vụ đông 2023 của xã. Ảnh: Tùng Đinh.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính (giữa) giới thiệu về tình hình sản xuất cà rốt vụ đông 2023 của xã. Ảnh: Tùng Đinh.

Cùng bà con nông dân thăm trà cà rốt sớm, chị Hạnh cho biết sản phẩm chủ lực của xã đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Tỷ trọng cà rốt xuất khẩu của xã Đức Chính đến nay đã chiếm từ 70 - 80% tổng sản lượng.

Vụ đông năm 2023 – 2024, UBND tỉnh Hải Dương hỗ trợ mở rộng hơn 400ha cây vụ đông ở 6 huyện, thành phố, trong đó có huyện Cẩm Giàng. Các doanh nghiệp, HTX và cá nhân tham gia mở rộng diện tích cây vụ đông được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha cây vụ đông tăng thêm. Việc mở rộng diện tích cây vụ đông góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất và thu nhập cho người dân.

Mong muốn cây cà rốt tiếp tục xanh lá, bền gốc trên mảnh đất Đức Chính, chị Hạnh chia sẻ: “Bên cạnh nguồn hỗ trợ để mở rộng diện tích, xã Đức Chính mong muốn được các cấp, các ngành và chính quyền cấp trên quan tâm, ưu tiên đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, đồng thời nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, tự động hóa khâu tưới và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”.

Ngoài lượng lớn xuất khẩu, cà rốt của xã Đức Chính nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung chủ yếu được các doanh nghiệp và thương lái thu mua và tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung, miền Nam và các thành phố lớn. Nhiều nhà máy, thương lái đã tới tận ruộng thu mua sản phẩm của người dân để sơ chế, chế biến, bảo quản để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (giữa) chia sẻ với đại biểu các địa phương phía Bắc về sản xuất vụ đông. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (giữa) chia sẻ với đại biểu các địa phương phía Bắc về sản xuất vụ đông. Ảnh: Tùng Đinh.

Thăm cánh đồng cà rốt của xã Đức Chính, ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Bắc Giang đánh giá cao công tác tổ chức sản xuất cây vụ đông tại xã Đức Chính. Ông cho rằng, nhờ sự quan tâm của chính quyền, người dân được chủ động trong gần như mọi khâu sản xuất, giúp nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm.

“Kinh nghiệm của Hải Dương là kiến thức bổ ích giúp Bắc Giang phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm thế mạnh của địa phương”, ông Đồng bày tỏ.

Tạo dòng chảy thông suốt xuất khẩu rau vụ đông

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nói, vụ đông là vụ sản xuất chính của nhiều địa phương miền Bắc, đem lại giá trị rất cao trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, các địa phương cần phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với từng khu vực.

Năm nay, theo ông Cường, một số địa phương gặp phải khó khăn trong sản xuất vụ đông, giai đoạn đầu vụ một số trận mưa lớn làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và khi vào vụ thời tiết khá nóng, ít mưa.

Do đó, Cục Trồng trọt đã phối hợp với các địa phương điều chỉnh sản xuất, chủ động nguồn cung ứng giống cho những khu vực cần phải gieo trồng lại. Ngoài ra, cũng phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh cơ cấu đối tượng cây trồng, sản xuất theo hướng phù hợp với thị trường, đảm bảo phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu.

Để đáp ứng các yêu cầu của thị trường, ông Cường đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh liên kết với các đơn vị phân phối, chế biến để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, dựa vào nhu cầu tiêu thụ trong nước theo từng thời điểm, điều chỉnh các loại rau củ cho phù hợp.

Hải Dương là địa phương trọng điểm trong sản xuất rau vụ đông. Ảnh: Tùng Đinh.

Hải Dương là địa phương trọng điểm trong sản xuất rau vụ đông. Ảnh: Tùng Đinh.

Về vấn đề xuất khẩu, Cục trưởng Nguyễn Như Cường cho rằng, địa phương cần rà soát, đánh giá các vướng mắc thị trường. Bên cạnh đó, chủ động đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu.

"Với những khó khăn về rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT sẵn sàng phối hợp với địa phương để cùng nhau tháo gỡ", Cục trưởng Cường chia sẻ thêm. Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng nhấn mạnh thêm, muốn tháo gỡ có hiệu quả, cần có sự đánh giá từ sớm, từ xa, tránh tình trạng bắt đầu thu hoạch mới xử lý, sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

"Mục tiêu của Cục là cùng với địa phương tạo ra một dòng chảy xuất khẩu thông suốt cho các sản phẩm rau vụ đông, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất", Cục trưởng Nguyễn Như Cường khẳng định.

Cũng theo ông Cường, năm 2023, Cục Trồng trọt xác định phát triển vụ đông theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

Theo đó, vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành cho năm tiếp theo, vì vậy cần xác định rõ đối tượng cây trồng, cơ cấu giống cần tập trung phát triển đa dạng, phù hợp với từng địa phương và trà sản xuất; mở rộng diện tích gieo trồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chế biến phù hợp...

Cụ thể, Cục Trồng trọt đã đưa ra mục tiêu ổn định diện tích vụ đông khoảng 380.000ha và sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Trong đó tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân.

Hải Dương là tỉnh có thế mạnh sản xuất cây rau vụ đông, giá trị sản xuất cây vụ đông cao gấp hơn 2,2 lần các tỉnh phía Bắc (Hải Dương đạt 223,5 triệu đồng/ha, các tỉnh trung bình đạt 99 triệu đồng/ha).

Vụ đông năm 2022 - 2023, toàn tỉnh Hải Dương gieo trồng 22.005ha cây rau màu các loại, đạt 104,8% kế hoạch, sản lượng rau vụ đông toàn tỉnh đạt hơn 486.000 tấn, tăng trên 3.200 tấn so với vụ đông năm trước. Giá trị sản xuất theo giá cố định ước đạt 3.501 tỷ đồng, tăng 21,2 tỷ đồng (0,6%) so với vụ đông năm trước. Giá trị theo giá thực tế đạt 4.622 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với vụ đông năm trước.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.