| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch Quốc hội: Không lấy lý do dịch bệnh để thoái thác trách nhiệm

Thứ Hai 23/03/2020 , 14:23 (GMT+7)

Tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý không để tình trạng ỷ lại, lấy lý do dịch bệnh để thoái thác trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ trì khai mạc phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/3. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ trì khai mạc phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/3. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, do sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nên tình trạng khủng hoảng tâm lý xã hội, khủng hoảng trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến chống dịch diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Tất cả các nước đều phải đứng trước sự tính toán, cân nhắc giữa việc ưu tiên các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kiểm soát, hạn chế giao lưu với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đối ngoại trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Tính đến thời điểm hiện tại, việc điều trị chưa có thuốc đặc hiệu và phác đồ điều trị chuẩn. Việc nghiên cứu vắc xin rất khẩn trương, tuy nhiên để có thể đưa vắc xin vào sử dụng phải mất tối thiểu 1 năm.

Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu yêu cầu chống dịch đặt ra là ngăn chặn, kiểm soát không để dịch lan rộng; giảm tối đa ca tử vong do dịch bệnh.

Ngoài ra, không để lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị người nhiễm bệnh, không để tâm lý xã hội hoảng loạn hoặc lơ là chủ quan, hài hòa giữa yêu cầu chống dịch với yêu cầu quan hệ đối ngoại và phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt trong lần chống dịch này, Chính phủ chỉ đạo lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân phối hợp chặt chẽ với ngành y tế ngay từ đầu.

Bộ Y tế cũng đã chủ động phối hợp với các ngành dự báo các tình huống và xây dựng 5 kịch bản phòng chống dịch theo các cấp độ với tinh thần lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi, tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.

Báo cáo về các biện pháp cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát người nhập cảnh nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập; phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm bệnh và có nguy cơ lây nhiễm; thực hiện cách ly; khoanh vùng dịch, dập dịch; tăng cường năng lực điều trị.

Ngoài ra, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và công tác thông tin, truyền thông bảo đảm chủ động minh bạch thông tin, hướng dẫn góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội và huy động người dân tham gia chống dịch.

Phát biểu sau báo cáo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn những người nơi tuyến đầu chống dịch và dẫn nhiều số liệu ấn tượng của nước ta trong công tác chống dịch.

Cụ thể, Việt Nam đón gần 7.000 người ở vùng dịch về nước; hàng trăm tiếp viên hàng không đăng ký xin tạm nghỉ không lương để chia sẻ khó khăn với đơn vị; gần 300 bác sĩ, y tá về hưu ở Hà Nội xin đăng ký trở lại bệnh viện để góp phần chống dịch; hơn 10.000 cán bộ chiến sĩ ngủ bạt, nằm rừng để ngăn dịch, nhường chăn gối, giường cho người đi cách ly; các suất ăn cho người cách ly được đảm bảo và miễn phí...

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý cần khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, trong đó không để tình trạng ỷ lại trong thực hiện các nhiệm vụ, lấy lý do dịch bệnh để thoái thác trách nhiệm. Tinh thần là ở nhà cũng làm việc chứ không phải nghỉ ngơi.

Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi toàn dân tương thân tương ái, chung tay cùng phòng chống dịch với tinh thần nhà nhà chống dịch, người người chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, bên cạnh tập trung chỉ đạo hiệu quả khống chế dịch bệnh, Chính phủ tiếp tục tập trung đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH.

Về hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị có sự điều chỉnh hợp lý, nhất là công tác giám sát để góp phần phòng chống dịch bệnh, không bố trí đoàn về các địa phương, trừ nội dung giám sát tối cao đang được tiến hành.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất