Trong cuộc họp với các quan chức cấp cao trung ương và lãnh đạo tỉnh đông bắc Trung Quốc, gồm Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang, ở thành phố Cáp Nhĩ Tân hôm 7/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập cho rằng việc đẩy mạnh hiện đại hóa và nâng cao khả năng tự lực hiện tại của đất nước đã mang đến "những cơ hội mới và tuyệt vời", theo hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng khu vực này có "nguồn tài nguyên phong phú, nền tảng công nghiệp vững chắc, vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng phát triển đáng kể", đồng thời kêu gọi lãnh đạo các tỉnh thúc đẩy đổi mới công nghiệp và hiện đại hóa nông nghiệp.
“Nền kinh tế thực sự là nền tảng, đổi mới công nghệ là chìa khóa và phát triển công nghiệp là định hướng”, ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp ngày 7/9.
“Việc đảm bảo an ninh lương thực của đất nước phải được đặt lên hàng đầu, và khu vực đông bắc Trung Quốc cần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp và nông thôn, tăng năng lực sản xuất để đảm bảo sản xuất và cung cấp đủ ngũ cốc đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời có thể trở thành một nguồn dự trữ lương thực đáng tin cậy”, ông nói.
Bắc Kinh đã triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm tăng cường nguồn cung lương thực trong những năm gần đây. Trong đó có kế hoạch thu hồi đất canh tác và tăng cường đầu tư cải tiến các giống lương thực nhằm tạo ra các loài cây trồng có năng suất cao hơn. Kể từ năm 2021, giới chức Trung Quốc đã thu hồi hơn 170.000ha đất canh tác.
Tại cuộc họp hôm 7/9, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương trong việc thúc đẩy các nỗ lực mở cửa của đất nước, trong bối cảnh tỉnh Hắc Long Giang có vị trí tiếp giáp với biên giới Nga, một đồng minh chiến lược của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi các tỉnh đông bắc tìm cách giữ chân và thu hút nhân tài đến khu vực, giảm bớt gánh nặng cho các gia đình trong việc nuôi dạy con cái, đồng thời duy trì tỷ lệ sinh và quy mô dân số ở mức hợp lý.
Theo số liệu thống kê do chính quyền các tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang công bố, ba tỉnh này đều có mức tăng dân số âm trong năm 2022, lượng thường trú nhân giảm tổng cộng 860.000 người.
Cuộc họp có sự tham dự của hai ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khác là Thái Kỳ và Đinh Tiết Tường, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong và Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trịnh Sách Khiết, cùng các quan chức cấp cao của ba tỉnh đông bắc, Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang, cũng như khu tự trị Nội Mông.
Trong chuyến công tác các tỉnh đông bắc từ ngày 6 - 8/9, ông Tập Cận Bình cũng đã đến thăm người dân và những cánh đồng bị lũ lụt tàn phá ở ngoại ô thành phố Thượng Chí, khu vực sản xuất lúa gạo, đậu nành và ngô của tỉnh Hắc Long Giang.
Sản lượng ngũ cốc của các tỉnh phía đông bắc Trung Quốc năm 2022 chiếm hơn 20% tổng sản lượng toàn quốc. Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến tình hình an ninh lương thực toàn cầu ngày càng xấu đi, vai trò của khu vực này càng trở nên nổi bật hơn với chính quyền Trung Quốc.
Khu vực đông bắc Trung Quốc từng là một trong những động lực tăng trưởng quốc gia chính trong giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa (1949 - 1979) và cũng là nơi tập trung phần lớn ngành công nghiệp nặng của đất nước, song sự suy thoái trong hàng chục năm gần đây đã khiến khu vực này trở thành “một vành đai rỉ sét”.