Quyết định xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển của Nhật Bản hôm 24/8 đã khiến Bắc Kinh tức giận và ngay lập tức cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản của Nhật Bản. Quyết định này của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ thương mại vốn đã không còn tốt đẹp giữa hai nước.
“Rõ ràng, Bắc Kinh đang tỏ ra rất bất mãn với Nhật Bản khi đưa ra lệnh cấm này, ngay cả khi tác động của nó đối với Nhật Bản vẫn chưa thể đánh giá được vào thời điểm này”, Chong Jia Ian, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh dường như không công nhận đánh giá an toàn quá trình xả thải của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
“Mối quan hệ thương mại, đặc biệt là trao đổi hàng hóa, vẫn rất quan trọng, song Nhật Bản đang hướng tới các thị trường khác ngoài Trung Quốc vì mục đích thương mại cũng như giảm thiểu rủi ro. Trong khi đó, Trung Quốc lại hướng đến đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng trong nước. Dần dần, Trung Quốc và Nhật Bản có thể sẽ trở nên ít quan trọng với nhau hơn”, ông Chong nói.
Bên cạnh đó, ông Chong cũng đánh giá lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản của Bắc Kinh không phải là biện pháp răn đe có tác động mạnh mẽ đối với Tokyo.
“Hiện tại, tôi không nghĩ ngành thủy hải sản có tầm quan trọng trong thương mại Trung - Nhật. Nếu Bắc Kinh kịch liệt phản đối kế hoạch xả thải, họ có thể có động thái mạnh mẽ hơn như hạn chế nhập khẩu máy móc, mạch điện tử và ô tô từ Nhật Bản. Điều này sẽ gây tổn hại cho Nhật Bản nhiều hơn”, ông Chong cho biết.
Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, mặc dù là đối tác thương mại lớn nhất của hải sản Nhật Bản, nhưng Trung Quốc nhập phần lớn sản phẩm này từ Ecuador, tiếp sau là Nga, Việt Nam và Ấn Độ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã giảm 3,7% xuống còn 357,4 tỷ USD vào năm 2022. Kim ngạch thương mại song phương từ tháng 1 đến tháng 7/2023 đã giảm 12% so với cùng kỳ nằm trước, xuống còn 183,3 tỷ USD.
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ năm của Trung Quốc song chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhập khẩu thủy sản của Bắc Kinh do nhu cầu thực phẩm khổng lồ của nước này.
Những người trong ngành thủy sản Trung Quốc lo ngại rằng việc Nhật Bản xả thải và Trung Quốc ra lệnh cấm sẽ tác động tiêu cực đến tiêu thụ hải sản trong nước.
Theo một nguồn tin tại Liên minh Tiếp thị và Chế biến Thủy sản Trung Quốc, Bắc Kinh không công nhận bất cứ đánh giá an toàn nào đối với nước xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, điều này có thể giáng một đòn mạnh vào tiêu thụ hải sản trong nước.
“Điều này chắc chắn sẽ có tác động đến ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Một số công ty trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo những gì tôi được biết… nhiều người sẽ không ăn hải sản, ít nhất là trong thời gian tới. Đó là một tín hiệu nguy hiểm cho ngành thủy hải sản”, nguồn tin này cho biết.
Công ty tư vấn Công nghệ Thông tin Nông nghiệp BRIC, có trụ sở tại Tô Châu, đã dự đoán tác động sâu rộng của lệnh cấm đến ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc, trong một báo cáo nghiên cứu hôm 24/8.
“Người dân sẽ giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy hải sản, hoạt động buôn bán tại các chợ hải sản ở các thành phố ven biển có thể cũng sẽ giảm. Trong khi đó, doanh số bán các sản phẩm này sẽ sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến giá cả cũng giảm theo”, báo cáo cho biết.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bắc Kinh đã nhập khẩu thủy hải sản trị giá 1.937 tỷ nhân dân tệ (267 triệu USD) từ Nhật Bản trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2023. Trong tháng 7/2023, lượng thủy hải sản nhập từ Nhật Bản của Trung Quốc đã giảm 1/3 so với tháng trước. Hiện Bắc Kinh cấm nhập khẩu thủy hải sản Nhật Bản từ 10 tỉnh gồm Tokyo, Fukushima, Chiba, Tochigi, Ibaraki, Gunma, Miyagi, Niigata, Nagano và Saitama.
Người tiêu dùng ở Hong Kong đã bắt đầu tích trữ muối sau khi chính quyền đặc khu thông báo lệnh cấm nhập tương tự. Lệnh cấm bao gồm các loại hải sản tươi sống, đông lạnh, làm mát, sấy khô và bảo quản bằng cách khác, cũng như các mặt hàng muối biển và rong biển.
Giáo sư Wang Yamin, tại Đại học Hàng hải thuộc Đại học Sơn Đông, Trung Quốc, cho biết nước thải có thể trôi dạt đến vùng biển Trung Quốc, nhưng sẽ không đáng kể do hướng của các dòng hải lưu ở Bắc Thái Bình dương.
“Dòng hải lưu nội tuần hoàn trên mặt biển gần Fukushima di chuyển theo chiều kim đồng hồ và nước thải sẽ trôi về phía đông bắc, hướng tới Bắc Mỹ. Sẽ không có tác động lớn đến chúng ta trong tương lai gần”, ông nói.