Thứ Năm, 9/1/2025 6:28 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Nhu cầu hải sản nội địa tăng mạnh ở Trung Quốc sau khi Nhật xả thải

Thứ Hai 28/08/2023 , 11:35 (GMT+7)

Sau quyết định xả thải của Nhật Bản, doanh số bán thủy hải sản nội địa Trung Quốc trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của nước này đã tăng mạnh.

Một khách hàng đang chọn cá tại chợ hải sản ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Một khách hàng đang chọn cá tại chợ hải sản ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Theo dữ liệu do nền tảng thương mại trực tuyến hàng đầu về nông nghiệp của Trung Quốc Pinduoduo công bố, doanh số các loại hải sản như hải sâm, tôm, cua tươi, cá nước ngọt trên nền tảng này hôm 24/8 đã tăng gấp đôi so với ngày hôm trước.

Theo Pinduoduo, khối lượng giao dịch của cá đù vàng lớn và các loại cua nước ngọt, như cua lông, lần lượt tăng vọt 148% và 730%.

Doanh số bán thủy hải sản trên JD Super, siêu thị điện tử của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD, đã tăng 150% hôm 24/8. Trước đó, từ ngày 15 đến ngày 17/8, con số này cũng đã tăng 63%.

JD Super cho biết họ đã tăng cường kiểm tra nồng độ phóng xạ trong hải sản và các loại thủy sản khác, đồng thời tăng cường giám sát nhằm đảm bảo hải sản bán ra được đánh bắt trong thời gian an toàn, trước khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý hôm 24/8.

Nền tảng này cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra nguồn gốc và thời gian đánh bắt các loại hải sản được bán trong tương lai, đồng thời bổ sung thêm danh mục sản phẩm thủy hải sản nước ngọt trong nước.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản bắt đầu từ ngày 24/8, ngay sau khi Tokyo bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển.

Zhu Keli, nhà sáng lập kiêm giám đốc Viện Kinh tế Mới Trung Quốc, cho biết ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc quan tâm đến sức khỏe, an toàn thực phẩm và họ bắt đầu chuyển sang các sản phẩm thủy hải sản nội địa nhằm giảm thiểu những rủi ro từ việc xả thải của Nhật Bản.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ việc tích trữ thủy hải sản là không cần thiết”, ông Zhu nói, nhấn mạnh rằng người tiêu dùng nên bình tĩnh và lựa chọn các kênh đáng tin cậy để mua sản phẩm.

Hiện nay, các cơ quan trung ương đã tăng cường kiểm tra và theo dõi sát sao các sản phẩm thủy hải sản nhập khẩu để đảm bảo an toàn và chất lượng các mặt hàng đó cho người tiêu dùng, ông Zhu cho biết thêm.

Song Wei, một giáo viên tiểu học ở Bắc Kinh, cho biết cô đã mua 2kg cua tươi hôm 25/8 trên nền tảng JD.

"Những con cua này đến từ đảo Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và còn rất tươi. An toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu của gia đình tôi và điều quan trọng là phải biết được nguồn gốc, quá trình xử lý và các chứng nhận kiểm tra an toàn cần thiết của sản phẩm", cô Song nói.

Jason Yu, Tổng Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Trung Quốc, cho rằng trong ngắn hạn, động thái xả thải của Nhật Bản không chỉ tác động xấu đến xuất khẩu thủy hải sản của nước này mà còn ảnh hưởng đến ngành chế biến thủy hải sản và dịch vụ ăn uống trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại hải sản có nguồn gốc từ Bắc Âu.

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc hôm 24/8 cho biết sẽ tăng cường giám sát những rủi ro ô nhiễm hạt nhân liên quan đến ngành thủy hải sản để đảm bảo chất lượng và an toàn của tất cả các sản phẩm thủy hải sản, đồng thời bảo vệ lợi ích sống còn của người tiêu dùng. Bộ khẳng định sẽ đặc biệt chú ý đến những nguy cơ có thể xảy ra đối với ngành thủy hải sản của Trung Quốc, đồng thời đảm bảo sự phát triển lành mạnh của ngành này.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.