Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra chiều tối ngày 29/2, ông Phong ước tính, có khoảng 22.000 người đang làm việc tại Hàn Quốc, thì có khoảng 7.000 người muốn trở về Việt Nam, những người này là người của các tỉnh thành phía Nam chứ không phải của riêng TP.HCM.
Ông Phong đặt câu hỏi, vậy khả năng tiếp nhận người trở về của những tỉnh thành này như thế nào?
“Thành phố sẵn sàng tiếp sức, phối hợp đưa người từ vùng dịch về các tỉnh để cùng tham gia vào công việc chung vì sự an toàn sức khỏe cả cộng đồng phía Nam.
Tuy nhiên, cũng phải có khu cách ly dự phòng cho người của thành phố. Cho nên, Bộ Y tế cần phải báo cáo Chính phủ lập khu cách ly riêng của quốc gia tại khu vực phía Nam”, ông Phong nói.
Để chủ động trong việc phân loại, cách ly người về từ vùng dịch, ông Phong đề nghị Tổng Cục Xuất nhập cảnh và Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam, các hãng hàng không phối hợp, thông báo chuyến bay đến từ đâu, hành khách đến từ nước nào để chủ động phương án tiếp nhận, phân loại và cách ly, không để tình trạng máy bay đáp xuống sân bay mới chờ kiểm dịch, xử lý.
Ngoài ra, tránh trường hợp nhiều chuyến bay dồn về cùng một lúc khiến lượng người tiếp nhận, kiểm tra, kiểm dịch kéo dài, khiến nguy cơ lây nhiễm cao.
“Bộ Tư lệnh, Quân khu 7 phối hợp với sân bay Tân Sơn Nhất xây dựng 1 khu cách ly riêng để chuyển hành khách nhập cảnh về đó phân loại trước khi chuyển về tỉnh. Không để hành khách lang thang tại các khu vực nhà ga ở sân bay.
Khi xe tiếp nhận hành khách từ tỉnh lên sẽ chạy thẳng tới vị trí khu cách ly đón người, như vậy sẽ hạn chế sự lây lan trong cộng đồng. Thành phố sẵn sàng giải quyết các suất ăn cho họ trong thời gian chờ tại sân bay”, ông Phong nhấn mạnh.
Về vấn đề nhân lực, ông Phong cho biết, hiện TP.HCM có 18.881 bác sĩ, trong đó 2.424 bác sĩ thuộc trung ương, 341 bác sĩ khoa Nhiễm, 31.301 điều dưỡng (966 điều dưỡng thuộc khoa Nhiễm).
Như vậy, số bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa Nhiễm rất “hạn chế”. Ông Phong dẫn chứng, chỉ 2 cha con bệnh nhân người Trung Quốc điều trị tại BV Chợ Rẫy đã cần đến 12 y bác sĩ chăm sóc trực tiếp.
Vì vậy, ông Phong yêu cầu Sở Y tế TP.HCM phải thành lập ngay một trung tâm điều phối nhân lực của ngành Y tế và gói hỗ trợ trang phục, đồ bảo hộ, trang thiết bị, chế độ cho đội ngũ tham gia chống dịch. Trong những trường hợp cần thiết, sẽ điều phối cả lực lượng bác sĩ quân y.
“Ít nhất mỗi cán bộ phải có 2 bộ đồ bảo hộ, chế độ đầy đủ. Mọi chi phí thành phố sẽ lo. Ngành Y tế thành phố phải cam kết, tuyệt đối không để trường hợp cán bộ nhân viên y tế làm nhiệm vụ bị lây bệnh”, ông Phong nhấn mạnh.
Trước tình hình 73.000 học sinh lớp 12 sẽ nhập học trong thời gian tới, ông Phong yêu cầu: “Nếu học sinh nào có các biểu hiện không tốt về mặt thân nhiệt thì tuyệt đối không cho nhập học”. Bên cạnh đó, Sở Công thương TP.HCM phải sẵn sàng phương án chuẩn bị số lượng khẩu trang, nước rửa tay để phục vụ nhu cầu phòng chống dịch.