Thúc đẩy thương mại điện tử
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhằm định hướng tiêu thụ hàng hóa nông sản của bà con trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Kế hoạch góp phần hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử; tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi vào cao điểm thu hoạch, giữ giá nông sản.
Thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp; hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Các đối tượng tham gia thực hiện kế hoạch là các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch, mua bán trên sàn thương mại điện tử (Sàn Postmart.vn - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Sàn Voso.vn - Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel); các doanh nghiệp Bưu chính (Bưu điện tỉnh; Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn).
Với những việc làm cụ thể đó, những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bắc Kạn có số lượng rất lớn như cam, quýt, bí xanh thơm, miến dong, gỗ rừng trồng,… đều được tiêu thụ hết và một phần đã xuất khẩu.
Dành nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn
Tỉnh sẽ bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; thực hiện lồng ghép với các chương trình, đề án, kế hoạch khác và huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, với những nông sản, sản phẩm nông nghiệp cụ thể, theo mùa vụ, tỉnh sẽ có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời nhằm hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm.; tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ để duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm hiện có, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số vào các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các kênh tiêu thụ để thích ứng, phù hợp với tình hình thực tế.
Để thực hiện hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn năm 2021, tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và của các tỉnh, thành phố trên cả nước; cung cấp các thông tin về sản phẩm và đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đề nghị các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử hỗ trợ quảng cáo, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Xem xét tổ chức gian hàng, khu trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn tại các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm và các sự kiện kinh tế, xã hội và văn hóa của tỉnh. Tổ chức gian hàng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn trên các sàn thương mại điện tử. Tổ chức kết nối, hỗ trợ đàm phán và ký kết hợp đồng tiêu thụ vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ và các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ hoàn thiện bao bì, mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc, tem chỉ dẫn địa lý… phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Với những định hướng, giải pháp cụ thể như trên, tỉnh Bắc Kạn đã duy trì ổn định đầu ra các sản phẩm nông nghiệp trong những năm trong năm 2021 vừa qua, hứa hẹn thành công trong những năm tiếp theo.
Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 như: Nghị quyết số 08, ngày 22/4/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Nghị quyết số 09, ngày 22/4/2021 về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Nghị quyết số 10, ngày 22/4/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 16, ngày 12/8/2021 về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 18, ngày 12/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đón đầu sau đại dịch
Để phát triển kinh tế của tỉnh sau đại dịch, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế, trong đó tập trung phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh cải cách, rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường đối thoại, trao đổi và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phát triển nông, lâm nghiệp dựa trên phát triển chuỗi giá trị của các ngành hàng có lợi thế, các sản phẩm bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP,... phù hợp với cơ chế thị trường và điều kiện của từng địa phương. Chỉ đạo sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng một số cây trồng đang là thế mạnh của địa phương theo hướng sản xuất hàng hoá, quảng bá thương hiệu tạo đầu ra. Triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa.
Phát triển đàn vật nuôi theo hướng chăn nuôi tập trung tại các gia trại, trang trại và an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác trồng rừng, đảm bảo về chất lượng, hiệu quả; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư phát triển rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ kết hợp với kinh tế, gắn với chế biến và kết nối thị trường tiêu thụ.
Công nghiệp chế biến nông, lâm sản làm trọng tâm trong phát triển công nghiệp. Đầu tư, hỗ trợ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư cho phát triển công nghiệp; thu hút một số dự án mới đầu tư chế biến nông, lâm sản, dược liệu, công nghiệp hỗ trợ... vào KCN Thanh Bình giai đoạn II và vào các cụm công nghiệp.
Triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Tăng cường huy động nguồn vốn ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ngân sách nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng của tỉnh, thực hiện các dự án có tính kết nối vùng.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn phát triển du lịch gắn với giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân. Phát triển khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch quốc gia và phát triển không gian du lịch theo đặc trưng riêng 4 cụm du lịch: Cụm du lịch thành phố Bắc Kạn và phụ cận, cụm du lịch ATK Chợ Đồn và phụ cận, cụm du lịch Na Rì và phụ cận, cụm du lịch Ba Bể và phụ cận.