| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch xã 'gánh' thêm hàng chục chức danh... họp triền miên!

Thứ Tư 01/11/2017 , 14:30 (GMT+7)

Xã, thị trấn là đơn vị hành chính quản lý địa phương với số hộ dân tại chỗ lên tới hàng ngàn nên ít ai biết, ngoài chức danh chủ tịch còn có thêm mười mấy chức danh khác nhau từ chủ tịch các hội đồng đến trưởng các ban nên...

Người dân đến trụ sở xã Tân Kim liên hệ công việc

Do tính chất công việc lu bù vai nào cũng quan trọng, nên chủ tịch ở địa phương hầu như họp hành liên miên, nhất là vào các tháng cuối năm được ví như bước vào... "vụ họp".

Ông Nguyễn Văn Ca (Chủ tịch xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc): "Họp nhiều lắm, nhưng họp là để giải quyết chứ không đưa ra chủ trương"

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã điện thoại hẹn gặp làm việc với một số chủ tịch xã ở tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang đang trong giờ hành chính thì y như rằng nhận được câu trả lời: “Tôi đang bận họp, có gì gọi lại sau”; hoặc "liên hệ với văn phòng ủy ban để biết lịch hẹn".
 

Kín mít lịch họp

Chúng tôi đến xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là xã trước đây có diện tích đất nông nghiệp gần 1.000ha, có QL50 đi qua, sau quá trình đô thị hóa xây dựng nhiều dự án, trong đó có 2 KCN, nay chỉ còn 120ha đất nông nghiệp trồng lúa, rau màu. Nhiều Cty đến đây thuê đất lập nhà máy, trong đó có hàng chục nhà máy phân bón, 2 Cty nước ngoài sản xuất giày da, may mặc với tổng số công nhân lưu trú thường xuyên lên đến 20.000 lao động, từ đó đẻ ra các "chợ chạy", "chồm hỗm", quán cóc, xe đẩy... mọc ra như nấm để phục vụ công nhân, nên việc quản lý của chính quyền địa phương về môi trường, vệ sinh ATTP tại đây luôn là đề tài "nóng".

Sáng thứ 2 (24/10), chúng tôi đến xã đăng ký làm việc phỏng vấn Chủ tịch UBND xã Tân Kim Nguyễn Văn Ca. Cô phụ trách văn phòng chạy lui, chạy tới như con thoi nói: "Những ngày thường ổng hay mắc (bận) họp, nay vào cuối năm nên họp nhiều hơn. Hôm nay đầu tuần họp giao ban với các bộ phận giải quyết công việc của tuần trước nên họp phải mất buổi sáng. Chiều quay lại đi". 

10-24-06_h2
Lịch họp trong tuần được sắp xếp của văn phòng UBND xã, chưa tính các cuộc họp đột xuất khác

Vậy, tôi ở lại chiều ghé "xin" làm việc nhanh thôi. Chị nhớ báo dùm nhé - Tôi dặn dò.

"Ủa mà tui quên, chiều nay ổng lên Huyện ủy họp về thị trấn mở rộng mất rồi, không được đâu. Thôi chịu khó khi khác. Cho số điện thoại đi, lúc nào ổng không họp, tui liên hệ hẹn được thì điện thoại, khỏi tới lui cho mệt", cô văn phòng sực nhớ nói lại.

Tôi tiu nghỉu ra về mà lòng nặng trĩu vì cơ hội gặp chủ tịch xã không phải dễ. Thế nên, ngay sớm hôm sau tôi quyết định quay trở lại với ý định "đón lõng" ông đi làm sớm. Thế nhưng, vừa tới nơi ông lại lật đật đi xuống ấp họp để giải quyết khiếu nại của một số hộ dân. Thế là tôi lại "ngẩn tò te".

Cô phụ trách văn phòng thấy tôi "lầy", liền đọc lịch làm việc của ông chủ tịch cho nghe. Theo đó, lịch họp và làm việc trong tuần đều xếp kín mít. Nào là họp cắm mốc đất công; họp hòa giải tranh chấp khiếu kiện; họp về kiểm tra quốc phòng - an ninh địa phương; họp với ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội huyện; họp với đoàn kiểm tra BCH quân sự tỉnh... Trong đó, tôi chú ý cuộc tiếp dân của chủ tịch xã vào sáng thứ 5 là may ra gặp được.

Quả thật, lần này ông Ca xuất hiện bắt tay tôi niềm nở, mặc dù thời gian làm việc thường xuyên ngắt quãng bởi nhân viên văn phòng báo lại là người dân đã tới đông đủ chờ chủ tịch vào chủ trì cuộc họp.

Ông nói: "Tôi gần như họp sáng, họp chiều. Đầu tuần theo thông lệ là họp giao ban với các bộ phận chuyên môn, kiểm điểm công việc, ông nào hứa mà chưa làm thì nhắc nhở. Sau đó là họp trên huyện từ 2 - 3 lần/tuần; rồi họp với các Hội đồng, các ban mà mình là chủ tịch và cũng là trưởng ban; rồi họp sơ kết tổng kết với các tổ chức đoàn thể. Họp sơ kết 1 quí 1 lần, sau 3 tháng, 6 tháng cũng tổ chức lần nữa, từ Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Mặt trận, Cựu chiến binh, Công đoàn (Phó chủ tịch HĐND kiêm Chủ tịch công đoàn) đều có sơ kết và hiện nay là chuẩn bị tổng kết cuối năm đây. Là chủ tịch xã thì không thể vắng mặt".
 

Chủ tịch "gánh" thêm hàng chục chức danh

Theo tìm hiểu chúng tôi, đối với một xã loại A (thực hiện Nghị định 08/2016/NĐ-CP) mặc dù ông (bà) chủ tịch còn được bổ sung thêm 2 phó chủ tịch (1 phó phụ trách kinh tế và 1 phó phụ trách văn xã) giúp việc, nhưng theo qui định, chủ tịch xã còn phải "gánh" thêm ít nhất 13 - 15 chức danh khác nhau trong các ban, hội đồng ở địa phương.

10-24-06_h3
Quyết định của chủ tịch xã kiêm nhiệm một chức danh quan trọng

Cụ thể như Chủ tịch xã kiêm Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã; chủ tịch hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Chủ tịch Hội đồng giáo dục quốc phòng-an ninh; Chủ tịch Hội đồng khen thưởng; Chủ tịch Hội đồng xác minh mức độ khuyết tật; Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy thống nhất; Trưởng ban ATGT; Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ;  Trưởng ban chỉ đạo thực hiện qui chế dân chủ cơ sở; Trưởng ban chỉ đạo, quản lý xây dựng xã nông thôn mới, xã văn hóa; Trưởng ban chỉ đạo vệ sinh ATTP...

Ngoài ra đối với xã loại 2, cơ cấu bộ máy lãnh đạo xã chỉ có chủ tịch và phó chủ tịch thì mức độ kiêm nhiệm của chủ tịch xã còn "khủng" hơn. Đó là, ngoài các chức danh kiêm nhiệm kể trên thì còn phải "gánh" thêm các chức danh khác như: Chủ tịch Hội đồng tư vấn thuế; Trưởng ban quản lý dự án, các công trình xây dựng cơ bản; Tổ trưởng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, môi trường; thậm chí cả Trưởng ban dân số...

Thế nên, nếu trong tuần chỉ cần một 1/3 số ban, hội đồng nói trên khởi động, triển khai công việc theo định kỳ hoặc giải quyết tình huống thì chủ tịch xã chỉ có chúi đầu vào họp.

Tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM với tổng số dân trên 4.000 hộ, là nơi nổi tiếng cả nước do có hai vụ việc gây chú ý dư luận thời gian qua, trước hết là vụ quán cà phê "Xin chào" khiến trưởng công an huyện bị kỷ luật mất chức vào tháng 6/2016 và mới đây là vụ biệt phủ rộng gần 3.000m2 của cô gái út ông Nguyễn Phước Thanh, nguyên phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước.

Với đặc điểm là dân nhập cư nhiều, cộng với tốc độ đô thị hóa cao nên ở đây được cho là một trong những xã, phường, thị trấn ở TP.HCM có khối lượng công việc phải giải quyết nhiều nhất.

Ông Nguyễn Hòa Lan, Chủ tịch UBND thị trấn, cho hay: “Trung bình 1 tuần tôi dự 3 - 4 cuộc họp ở huyện, rồi về họp thị trấn, khu phố, họp tiếp công dân, có những nội dung chỉ cần triển khai qua văn bản, gửi email nhưng cũng phải họp. Có những nội dung giống nhau, chỉ cần gom họp một lần nhưng do ban tổ chức nên phải tách thành các cuộc họp riêng, dù biết đó sẽ lãng phí thời gian của anh em".

10-24-06_h4
Khu công nghiệp Tân Kim, nằm trên địa bàn xã Tân Kim với hàng ngàn công nhân lưu trú khiến cho công tác quản lý địa phương nặng nề hơn

Tại đây, mỗi ngày bố trí 1 lãnh đạo thị trấn thường trực ở trụ sở chỉ để việc ký tên, đóng dấu hồ sơ giấy tờ công chứng, sao y bản chính nhưng nhiều khi làm không xuể. "Vừa rồi dư luận báo chí làm ầm ĩ vụ biệt phủ, trên huyện yêu cầu báo cáo, vậy là phải họp đột xuất mấy lần để nghe anh em báo cáo lại".

Khi được hỏi thực trạng họp hàng ngày, ông Lan nói: “Nhiều lắm. Thị trấn có 3 lãnh đạo, bình quân mỗi lãnh đạo họp 1 - 2 cuộc/ngày, có ngày cả 3 lãnh đạo đều cùng họp ở huyện, mà cử chuyên viên đi họp thay thì sợ trên phê bình. Nên nhiều khi khách đến làm việc đột xuất thì phải hẹn lại".

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm