| Hotline: 0983.970.780

Chủ trại lươn giống bậc nhất miền Tây

Thứ Ba 29/03/2022 , 08:37 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Nhờ ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ươm lươn giống bài bản, trại lươn giống của anh Hiếu hiện mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 1 triệu con giống chất lượng.

Lươn là loài thủy đặc sản được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng do phẩm chất thịt thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Thế nhưng, do hoạt động đánh bắt, khai thác bừa bãi và không có ý thức bảo vệ, tái tạo nguồn lợi nên nguồn lươn từ tự nhiên đang bị suy giảm nhanh chóng.

Các bể bạt bán nhân tạo được anh Hiếu thiết kế lựa chọn bùn, nước phù hợp để nuôi lươn bố mẹ. Ảnh: Thanh Nghĩa.

Các bể bạt bán nhân tạo được anh Hiếu thiết kế lựa chọn bùn, nước phù hợp để nuôi lươn bố mẹ. Ảnh: Thanh Nghĩa.

Vì vậy, những năm gần đây, nông dân ở ĐBSCL đã rất chú ý nghề nuôi lươn, đặc biệt là đầu tư sản xuất lươn giống để đáp ứng nhu cầu về con giống cho người chăn nuôi. Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật, một số nông dân đã thu được năng suất và hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi lươn giống bán nhân tạo. 

Từng gắn bó với công việc nhân viên nhà nước gần 20 năm, mặc dù không có kiến thức về nghề nuôi lươn nhưng qua tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, nhận thấy tiềm năng và nhu cầu về lươn giống của người dân, anh Lê Phú Hiếu ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú Trung (Châu Thành, Đồng Tháp) đã mạnh dạn rời bỏ công việc ở Sài Gòn về quê đầu tư trang trại nuôi lươn giống.

Nhờ chịu khó học hỏi và được chuyển giao kỹ thuật, anh Hiếu đã đầu tư trang trại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, sản xuất lươn giống đạt chất lượng. Ảnh: Thanh Nghĩa.

Nhờ chịu khó học hỏi và được chuyển giao kỹ thuật, anh Hiếu đã đầu tư trang trại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, sản xuất lươn giống đạt chất lượng. Ảnh: Thanh Nghĩa.

Anh Hiếu chia sẻ, bước đầu, do chưa có kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn, trục trặc trong quá trình sản xuất, nhưng "nghề dạy nghề", chịu khó đi đây, đi đó tìm tòi và học hỏi được chuyển giao kỹ thuật từ các viện, trường, chỉ sau 2 năm, Trang trại nuôi lươn giống Trung An của anh Hiếu đã trở thành điểm cung cấp lươn giống cho cả khu vực ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, giúp gia đình anh có nguồn thu nhập hấp dẫn.

Anh Hiếu bộc bạch: “Mình tay ngang mới vô nghề nên phải nhờ các chuyên gia trong ngành tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật. Theo đó, mình đã ký hợp đồng với Trung tâm Giống thủy sản An Giang chuyển giao kỹ thuật ươm, vụ đầu nói chung hiệu quả kinh tế chưa như kỳ vọng, nhưng từ vụ thứ 2 trở đi thì đạt, con giống mỗi đợt càng nhiều, mỗi đợt gần 100 ngàn con, trung bình từ 15 đến 20 ngày thu 1 đợt, năm nay dự kiến số lượng con giống của trại sản xuất trên 1 triệu con. Hiện nay nhu cầu lươn giống lớn nên nghề làm lươn giống khá hiệu quả”.

Nguồn lươn giống anh Hiếu cung ứng cho thị trường mỗi năm hơn 1 triệu con, chất lượng con giống đảm bảo nên thị trường được mở rộng ra nhiều tỉnh. Ảnh: Thanh Nghĩa.

Nguồn lươn giống anh Hiếu cung ứng cho thị trường mỗi năm hơn 1 triệu con, chất lượng con giống đảm bảo nên thị trường được mở rộng ra nhiều tỉnh. Ảnh: Thanh Nghĩa.

Theo anh Hiếu, để có được nguồn lươn giống khỏe mạnh, vấn đề tiên quyết chính là lựa chọn và nuôi dưỡng lươn bố mẹ khỏe mạnh, có như thế mới tạo được nguồn lươn giống khỏe, nuôi mau lớn. Ngoài ra, quá trình nuôi phải chú ý đến các yếu tố khác như kỹ thuật xây dựng bể, chọn bùn sạch không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật cho đến kỹ thuật thu trứng, ấp trứng, ương dưỡng con giống và phân cỡ con giống...

Để đạt được kết quả cao, anh Hiếu cũng mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại, từ đó anh đã xây dựng quy trình ươn nuôi phù hợp với tình hình thời tiết, nguồn nước và điều kiện chăm sóc ở địa phương nên chất lượng con giống được đảm bảo, được nhiều người tin tưởng.

Anh chia sẻ: “Ưu điểm của con giống bán nhân tạo là chúng đã quen với môi trường nuôi không bùn nên khi bà con thả nuôi không bị hao hụt, rất mau lớn. Hiện con giống cơ sở của tôi bán nhiều nơi, từ Đông Nai đổ về Cà Mau, Bạc Liêu..., các tỉnh có nuôi lươn trại của anh đều cung cấp có cung cấp giống”.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.